Thông tin được cho hay tại buổi họp trực tuyến của UBND TP Cần Thơ với các quận huyện sáng nay (12/8) về tiến độ hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19 theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ.
Bà Trần Thị Xuân Mai – Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ cho biết, tính đến ngày 9/8, toàn TP đã chi hỗ trợ cho 85.666/85.666 người thuộc ba nhóm đối tượng 5, 6, 7 với kinh phí hơn 94,5 tỷ đồng, đạt 100%.
Trong đó, nhóm 5 (người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng) có 4.535 người, được hỗ trợ hơn 6,8 tỷ đồng. Nhóm 6 (đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng) có 35.867 người, được hỗ trợ hơn 53,7 tỷ đồng. Nhóm 7 (hộ nghèo, hộ cận nghèo) có 45.264 người, được hỗ trợ gần 34 tỷ đồng.
Đối với các nhóm 1, 2, 3, 4, ngoại trừ 30 hộ kinh doanh cá thể thuộc nhóm 3 đã được chi hỗ trợ với kinh phí 30 triệu đồng, còn lại tất cả các đối tượng thuộc 4 nhóm này chưa được hỗ trợ.
Trong đó, nhóm 1 (người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương) có 441 người; nhóm 2 (hỗ trợ vay vốn đối với người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính) chưa nhận được hồ sơ của các quận huyện; nhóm 3 (hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1/4/2020) có 118 hộ.
Nhóm 4 là những người lao động bị chấm dứt hợp đồng, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp, người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm. Nhóm này có 29.959 người (nhiều nhất trong các nhóm chưa được hỗ trợ), kinh phí dự kiến hỗ trợ gần 30 tỷ đồng.
Theo Sở LĐ-TB&XH Cần Thơ, việc chậm hỗ trợ có nhiều nguyên nhân. Trong đó, việc xác định tiêu chí không có thu nhập hoặc thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo không được hướng dẫn cụ thể nên cán bộ các cấp lúng túng, khó thực hiện dẫn đến việc rà soát, xác nhận, thẩm định đối với người lao động thuộc nhóm 4 chưa thực hiện kịp thời.
Số lượng lao động tự do nhiều, thông tin chi tiết nhiều dễ dẫn đến sai sót trong lập danh sách. Thời gian điều chỉnh các sai sót khá dài do quận huyện phải rà soát lại qua nhiều cấp, thời gian điều chỉnh kéo dài từ 15-30 ngày, khi gửi lại lần sau vẫn còn sai sót.
Việc điều chỉnh các sai sót của quận huyện không dứt điểm, lặp đi lặp lại lỗi như sai số CMND/căn cước công dân (CMND đúng là 9 số, căn cước công dân đúng là 12 số, nhưng ghi 10 hoặc 11 số), không thể hiện ngày tháng năm sinh.
Đến nay chưa có quận huyện nào trình hồ sơ một lần hoàn chỉnh để được duyệt ngay mà phải trả lại để điều chỉnh.
Ngoài ra, Văn phòng UBND TP gửi hồ sơ chưa đồng bộ, một số hồ sơ được chuyển trên phần mềm liên thông chỉ có phiếu chuyển, không kèm danh sách (chậm nhất đến 7 ngày sau Sở LĐ-TB&XH mới nhận được).
Ở một số địa phương, cán bộ các cấp (nhất là ấp, khu vực, tổ dân phố) chưa chủ động đến nhà người dân trên địa bàn quản lý để hướng dẫn, nắm thông tin, công tác tuyên truyền đôi lúc chưa thường xuyên, sâu rộng…
Bà Võ Thị Hồng Ánh – Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho rằng tiến độ thực hiện hỗ trợ đã chậm trễ, có nhiều người phản ánh là đã đăng ký, nộp hồ sơ cả tháng rồi, nhưng do địa phương tiếp tục xác minh các đối tượng khác nên những người xong trước cũng phải chờ đợi.
Theo bà Ánh, các địa phương cần sớm trình hồ sơ, Sở LĐ-TB&XH phải xem xét chặt chẽ, chính xác… nhưng không vì thế mà chậm trễ việc hỗ trợ cho bà con. “Những hồ sơ nào đã xong thì tổng hợp ngay để gửi cho UBND TP chứ không chờ nữa. Tôi mong muốn chúng ta kết thúc việc chi trả trong tháng 8 này xong cho các đối tượng.” – bà Ánh nói.