BCH Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam khóa 8:

Vẫn vắng trẻ, đông già

TP - Trong số 21 ủy viên Ban chấp hành Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam nhiệm kỳ 8 (2014-2019) ra mắt 17/12 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, vài người được gọi là trẻ thì đầu cũng hai thứ tóc.
Nhiều nghệ sỹ sân khấu “chán” bình phẩm về nhân sự già - trẻ của Hội. Ảnh: Nguyễn Đình Toán.

Những người muôn năm cũ

Đại hội đại biểu nhiệm kỳ 8 Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam có phiên họp chính thức tại Nhà hát Lớn. Trước đó, nhân sự BCH dường như đã rõ 100%. Vị trí Chủ tịch hội có vẻ chưa ai vượt qua NSND Lê Tiến Thọ- người nhận phiếu tín nhiệm cao trước đại hội. Nhiều thành viên BCH mới thuộc diện cứng tuổi, cánh phóng viên đùa, trẻ cũng tầm 50 tuổi như nhà viết kịch, Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Đăng Chương.

Đạo diễn Lê Quý Dương, vừa được bầu vào BCH Hiệp hội Sân khấu Thế giới từ chối bình luận, chỉ đưa thông tin: “Nhìn vào 482 đại biểu chỉ có 5 người 8X, trong BCH không có 7X. Đáng suy nghĩ vì không thể bước đến tương lai nếu không có người trẻ, quan niệm, suy nghĩ, tâm tư của người trẻ”.

“Ai chả muốn BCH trẻ hóa, nhưng trẻ hết cũng không được. Cô Thanh Trầm nói nhân sự kiểu xôi đỗ là đúng, ít ra trong giai đoạn quá độ này. Chứ nếu trẻ thì phải trẻ toàn bộ”, NSND Hồng Vân nói. Chị nằm trong BCH khóa trước, được nửa nhiệm kỳ xin rút vì không hợp.

Lý giải hiện tượng già cả trong BCH không riêng của Hội Nghệ sỹ Sân khấu, NSND Hoàng Dũng cho rằng, muốn ngồi vào ghế BCH của hội nghề nghiệp thường phải có uy tín, tập hợp được mọi người. “Muốn có uy tín lại phải có thành tích, có chiều sâu nên thường nghiêng về người già”, anh nói. Phần nữa, như Hồng Vân tự nhận, chị không kham nổi việc riêng lẫn việc chung, nguyên họp hành đã không thực hiện nổi.

Đạo diễn Võ Trọng Nam có vẻ lạc quan hơn, cho rằng BCH có một số nhân tố mới chia đều cho các vùng miền, lĩnh vực khác nhau, ngoài anh có NSND Hồng Lựu (Nghệ An), NSND Hoài Huệ (Bình Định). Tuy nhiên, anh lấy làm tiếc cho Hồng Vân, Thành Lộc. Một số sân khấu tư nhân nổi bật như Thành Hội - Ái Như, Thế giới trẻ cũng không có đại biểu tham dự, nên tiếng nói có phần hạn chế.

Không trông đợi nhiều

“Có lần vào Nam gặp Thành Lộc, tôi hỏi sao hội trong này không mạnh lắm. Thành Lộc thẳng tưng và tôi thấy đúng - không cần hội bọn em mạnh rồi, còn có hội để bọn em mạnh hơn. Làm gì phải chia năm bè bảy mối, tất cả chỉ để có vở diễn hay, đến công chúng nhiều, đời sống anh em tốt là được”, NSƯT Anh Tú nói.

Anh Tú kể, hôm họp trù bị Đảng viên cũng căng thẳng chuyện BCH mới-cũ, già-trẻ. Riêng anh thấy, BCH cũ làm tương đối tốt. “Toàn mấy cụ về hưu lương nhà nước nuôi, định mở cuộc nào cũng phải xin tiền, mà làm được thế thì tốt quá. Dù nhìn quanh vẫn mấy gương mặt cũ như Lê Tiến Thọ, Doãn Hoàng Giang, Lê Chức nhưng họ còn khỏe, làm tốt sao không để họ làm. Đừng nên kỳ vọng, quàng thêm ách vào cổ họ”, anh nói thêm. Gần đây, Hội mừng thọ nghệ sỹ 70, 80 tuổi, tổ chức giỗ tổ sân khấu thường niên. Dịp vừa rồi, Hội kêu gọi làm chương trình Hồn dân tộc Sóng biển Đông, tặng 500 triệu đồng cho chiến sỹ hải đảo.

Không hiếm nghệ sỹ bằng lòng như vậy. NSƯT Tuấn Hải cười, 2 ngày đại hội chủ yếu tụm năm túm ba hàn huyên bạn cũ tiện “giao dịch” dựng vở luôn. Ghế đại biểu ở tầng 1 lúc cao điểm chưa đầy hai phần ba, vì lễ lạt, đọc báo cáo, tham luận những điều sáo cũ không phù hợp cánh nghệ sỹ cho lắm.

“Hội là hội hè, đúng nghĩa quá rồi còn gì. Những người trong BCH chả có quyền lợi gì đâu, làm vì đam mê, mỗi người cống hiến để vực sân khấu lên”, Hồng Vân nói. Đồng quan điểm, Anh Tú nói rằng, Hội có kêu cũng chẳng thiêng, vì động đến kinh phí đều phải cân đong đo đếm rất ghê. “Quan trọng là đoàn kết nghệ sỹ, không chỉ bằng hội họp mà nên đẩy mạnh sân chơi”, anh nói.

Chủ tịch nước: Yêu cầu đổi mới hết sức nặng nề

Tối trước phiên chính thức, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tiếp đoàn đại biểu Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tại Phủ Chủ tịch. Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch nước ghi nhận nỗ lực của Hội trong 5 năm qua quan tâm nghệ sỹ cao tuổi, tổ chức trại sáng tác, thi tài năng trẻ... Bên cạnh đó còn nhiều hạn chế như nhiều tác phẩm nhưng ít giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật; hình tượng nhân vật trung tâm của xã hội, ý nghĩa xã hội còn hạn hẹp, có biểu hiện xa lánh vấn đề bức xúc trong xã hội mà chạy theo hài, giải trí tầm thường; công tác lý luận chậm đổi mới, tác phẩm kinh điển của sân khấu truyền thống ít được phục dựng. “Đảng, nhà nước quan tâm ủng hộ để sân khấu phát triển, nghệ sỹ phát huy tài năng sáng tạo theo kịp xã hội, mong muốn Hội phấn đấu phát triển phục vụ đời sống văn hóa con người Việt Nam. Yêu cầu đổi mới hết sức nặng nề”, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu.