Văn hóa hay lợi nhuận?

TP - Hầu hết du khách quốc tế đến thủ đô đều được các hướng dẫn viên du lịch giới thiệu “đặc sản” chợ đêm Đồng Xuân. Người viết bài này đã từng háo hức dẫn một nữ nhà báo Đức đi thưởng lãm chợ đêm Hà thành,

> Nhái

với ý định giới thiệu cho cô bạn đồng nghiệp một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc đậm chất Á Đông ở Việt Nam.

Sau khi toát mồ hôi len lỏi dọc các tuyến phố đi bộ giữa một rừng hàng nhái từ Trung Quốc, cô bạn đồng nghiệp tròn mắt dừng chân bên chiếc bàn kê giữa đường bày lổn nhổn toàn nước hoa nhái nhãn hiệu nổi tiếng, nghi ngờ hỏi “nước hoa mà bày bán bừa bãi thế này sao?”.

Đó là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng tôi lui tới nơi này, bởi không thể tiếp tục giới thiệu với bạn bè quốc tế một hình ảnh về Hà Nội ba mươi sáu phố phường toàn hàng nhái, hàng rởm từ Trung Quốc.

Tôi đã từng tới một vài khu chợ đêm ở nước ngoài, hình ảnh để lại sau khi ra về đều là một không gian văn hóa đặc trưng của nước bạn với những món ăn đêm dân dã hay đồ thủ công mỹ nghệ đặc sắc, chứ không phải toàn lẩu hải sản cùng hàng tàu, băng đĩa lậu tràn ngập như ở ta.

Không lẽ chợ đêm của một thủ đô cổ kính trên ngàn năm tuổi lại xô bồ và thiếu bản sắc đến thế sao ? Đâu rồi văn hóa ẩm thực Việt phong phú, thanh tao ?

Đâu rồi sản phẩm những làng nghề nổi tiếng vốn làm nên tên tuổi 36 phố phường ? Đâu rồi nét thanh lịch, hào hoa người Tràng An?

Chợ đêm là một trong những đặc sản về văn hóa thu hút khách du lịch ở nhiều quốc gia trong khu vực. Bởi vậy, mục tiêu số một của khu chợ đêm giữa lòng phố cổ Hà Nội phải là văn hóa, chứ không phải là lợi nhuận.

Xin đừng biến nốt những lòng đường phố cổ Hàng Ngang, Hàng Đào - nơi “tấc đất, tấc vàng” giữa thủ đô - thành chốn kinh doanh, buôn bán xô bồ, thành nơi phân phối bán lẻ hàng nhái từ Trung Quốc.

Xin đừng mở chợ đơn thuần giữa lòng đường một cách hợp pháp, mà quên mất hai chữ “chợ đêm” vốn mang nặng ý nghĩa và thông điệp văn hóa của thủ đô.

Theo Báo giấy