Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau

TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.

đểĐó là những chia sẻ của ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư (Bộ NN&PTNT) với PV Tiền Phong khi nói về các vấn đề, giải pháp đầu tư và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển nhằm bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái biển cho thế hệ mai sau.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư (Bộ NN&PTNT)

Cơ sở để phát triển xanh

Ông đánh giá thế nào về hệ sinh thái bảo tồn biển và những lợi thế để Việt Nam phát triển kinh tế biển nhìn từ các hệ sinh thái đó?

Việt Nam là một quốc gia biển, có nhiều tiềm năng, lợi thế từ biển. Chúng ta nằm trong vùng có tính đa dạng sinh học khá cao, được xếp thứ 16 trong số các quốc gia có đa dạng sinh học cao nhất trên thế giới, với khoảng hơn 11.000 loài sinh vật đã được phát hiện.

Khu bảo tồn biển Bạch Long Vĩ (Hải Phòng)

Trong số đó có khoảng 6.000 loài động vật đáy, 2.038 loài cá, 225 loài tôm biển, 15 loài rắn biển, 12 loài thú biển, 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước, 653 loài rong biển, 657 loài động vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn, 14 loài cỏ biển, khoảng hơn 400 loài san hô…Các loài này cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, có năng suất sinh học cao và quyết định toàn bộ năng suất sơ cấp của toàn vùng biển.

Các đặc trưng nêu trên tạo nên tính đa dạng về cảnh quan tự nhiên, sinh thái và nguồn lợi hải sản, có vai trò vô cùng quan trọng cho phát triển kinh tế biển như: cung cấp nguồn lợi thủy sản cho khai thác thủy sản, nguồn giống cho nuôi trồng thủy sản, cho y tế, thực phẩm chức năng, khoa học, giáo dục, sức khỏe đại dương, du lịch, phát triển kinh tế địa phương. Đây là tiền đề để Việt Nam phát triển một nền kinh tế biển mạnh và bền vững.

Hiện nay, công tác bảo tồn, bảo vệ các hệ sinh thái biển đang được quan tâm ra sao, thưa ông?

Nhận thức rõ vai trò của biển đối với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ các quyền và lợi ích của Việt Nam trên biển Đông, Hội nghị lần thứ 8 BCH TƯ Đảng Khóa VII (tháng10/2018,) đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Người dân tham gia bảo vệ loài rùa biển.

Trong đó, Nghị quyết nêu quan điểm “Phát triển bền vững kinh tế biển là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam; Phát triển bền vững kinh tế biển trên nền tảng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển; bảo đảm hài hoà giữa các hệ sinh thái kinh tế và tự nhiên, giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tiềm năng, lợi thế của biển, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước”; mục tiêu cụ thể là “Quản lý và bảo vệ tốt các hệ sinh thái biển, ven biển và hải đảo; tăng diện tích các khu bảo tồn biển, ven biển đạt tối thiểu 6% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia”…

Để thực hiện các chủ trương và mục tiêu Nghị quyết 36-NQ/TW đã nêu, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về việc ban hành kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW. Bộ NN&PTNT đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động của Bộ; Tỉnh uỷ, UBND các tỉnh thành phố ven biển đã xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện nghị quyết.

Bộ NN&PTNT đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành 4 nhiệm vụ vô cùng quan trọng là: Quy hoạch bảo vệ và khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 389/QĐ-TTg ngày 9/5/2024); Chương trình điều tra, đánh giá tổng thể nguồn lợi thủy sản và môi trường sống của các loại thủy sản (Quyết định 523/QĐ-TTg ngày 27/4/2022); Chương trình quốc gia về bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 (Quyết định 76/QĐ-TTg ngày 9/01/2024) và Đề án mở rộng, thành lập mới các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030 để đảm bảo diện tích các vùng biển, ven biển đạt 6% diện tích tự nhiên vùng biển Việt Nam (Quyết định 1539/QĐ-TTg ngày 10/12/2024).

Đây là cơ sở quan trọng trong việc thực hiện công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo phục hồi nguồn lợi thủy sản hướng đến ngành thủy sản xanh và bền vững trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, Bộ cũng đã chỉ đạo, triển khai hàng loạt các dự án về điều tra nguồn lợi hải sản và các hệ sinh thái cửa sông, ven biển, ven đảo, đầm phá và trong vùng nội địa, thả giống tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản; truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn biển, bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; ban hành tài liệu hướng dẫn kỹ thuật thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; hiện nay, các địa phương đã vào cuộc triển khai thực hiện một cách quyết liệt.

Đến nay, cả nước đã có 10 khu vực biển được khoanh vùng quản lý trong hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên, gồm 6 khu bảo tồn biển: Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Hòn Cau (Bình Thuận); Phú Quốc (Kiên Giang) và Cà Mau (Cà Mau).

Có 4 khu vực biển thuộc Vườn quốc gia trong hệ thống rừng đặc dụng là Bái Tử Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Núi Chúa (Ninh Thuận), Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu. Có 2 vùng biển đã được quản lý nhưng chưa có Quyết định thành lập KBTB theo Luật Thuỷ sản 2017 là Cù Lao Chàm (Quảng Nam), vịnh Nha Trang (Khánh Hoà).

Tổng diện tích khu vực biển được khoanh vùng bảo tồn và quản lý đa dạng sinh học khoảng 208.661 ha, chiếm khoảng 0,208% diện tích vùng biển tự nhiên của Việt Nam.

Triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Thưa ông, đâu là những thách thức trong công tác bảo tồn biển hiện nay?

Thời gian qua, hệ thống các KBTB đang dần được hình thành trên phạm vi cả nước, đáp ứng ngày càng hiệu quả mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển quan trọng. Công tác thực thi pháp luật tại các KBTB ngày càng được quan tâm, đẩy mạnh, đạt hiệu quả tích cực, góp phần từng bước đẩy lùi các vi phạm tại các khu vực biển được bảo vệ, bảo tồn và phục hồi.

Thời gian tới, sẽ đầu tư nuôi cấy san hô, trồng cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi hệ sinh thái biển, tạo môi trường sống cho các loài thuỷ sản sinh.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vấn đề trên cũng còn rất nhiều khó khăn, thách thức, tồn tại. Các hệ sinh thái biển đang đứng trước nhiều nguy cơ đe dọa và rủi ro ngày càng tăng từ các hoạt động phát triển kinh tế như: phát triển du lịch, đánh bắt thủy sản, nuôi biển…

Cùng đó, tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực bảo tồn biển ngày càng tinh vi và chưa được giải quyết triệt để; tổ chức bộ máy quản lý khu bảo tồn biển chưa thống nhất giữa các địa phương.

Nguồn nhân lực và kinh phí đầu tư cho các KBTB còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu thực tế đã và đang làm suy giảm hệ sinh thái biển, nguồn lợi thủy sản và sinh kế của người dân trong và xung quanh các KBTB, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của địa phương và phát triển bền vững kinh tế biển; thiếu các định mức kinh tế kỹ thuật về nuôi cấy, phục hồi rạn san hô và định mức đầu tư xây dựng hạng mục hạ tầng thiết yếu cho các KBTB.

Hoạt động lặn biển phục vụ phát triển du lịch đang được triển khai tại một số khu bảo tồn

Nhìn tổng thể, một số tồn tại, thách thức lớn mà các KBTB ở Việt Nam đang phải đối mặt: nguồn lực đầu tư cho bảo tồn biển còn hạn chế (biên chế, kinh phí); suy giảm nguồn lợi hải sản và hệ sinh thái; áp lực khai thác hải sản, nuôi trồng thuỷ sản, và hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhất là hoạt động cảng biển, phát triển du lịch không bền vững; phát triển du lịch; axit hoá đại dương; ô nhiễm rác thải nhựa và rác thải đại dương.

"Thời gian tới ngân sách nhà nước sẽ ưu tiên tập trung đầu tư điều chỉnh, mở rộng các KBTB đã thành lập và đầu tư thành lập mới các KBTB khi đạt tiêu chí, phục hồi các hệ sinh thái biển theo Quy hoạch Bảo vệ và Khai thác nguồn lợi thuỷ sản thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 và Đề án thành lập mới các KBTB, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2030, để đảm bảo diện tích các KBTB , ven biển đạt 6% diện tích các vùng biển Việt Nam. Trong đó đến năm 2030, Việt Nam sẽ thành lập và quản lý hiệu quả 27 KBTB, gồm 11 KBTB cấp quốc gia và 16 KBTB cấp tỉnh", ông Lê Trần Nguyên Hùng.

Để giải quyết những tồn tại, thách thức trong công tác bảo tồn biển và phục hồi các hệ sinh thái biển, bảo tồn đa dạng sinh học nhằm phát triển ngành thủy sản xanh và bền vững, theo ông chúng ta cần có những giải pháp gì?

Trong thời gian tới Trung ương cùng với các địa phương tập trung xây dựng kế hoạch cụ thể, triển khai các giải pháp đồng bộ, kịp thời và hiệu quả các Quy hoạch, Chương trình, Đề án mà Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhằm đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 36-NQ-TW.

Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của toàn xã hội thông qua các công cụ, phương thức đa dạng, phù hợp với văn hóa bản địa để thấy được vai trò, tầm quan trọng của các khu bảo tồn biển, khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Ông Lê Trần Nguyên Hùng - Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư (ngoài cùng bên trái) và ông Lê Văn Sử - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (thứ 2 từ phải qua) trao Quyết định thành lập khu bảo tồn biển tỉnh Cà Mau.

Kiện toàn hệ thống tổ chức quản lý BQL KBTB/Vườn Quốc gia theo hướng thống nhất, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, bố trí lực lượng kiểm ngư để thực thi pháp luật trong và xung quanh các khu bảo tồn biển.

Ưu tiên bố trí nguồn lực (con người, kinh phí) để thành lập và quản lý hiệu quả các khu bảo tồn biển theo qui hoạch đã được phê duyệt.

Cần tập trung rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật về quản lý KBTB; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư KBTB, thí điểm giao doanh nghiệp quản lý bảo tồn biển; chuyển đổi nghề, tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư sống trong và xung quanh KBTB.

Tập trung trồng phục hồi san hô, cỏ biển, rừng ngập mặn nhằm tái tạo, phục hồi nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái biển.

Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm thu hút các nguồn tài trợ về tài chính và kỹ thuật; thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các điều ước, cam kết quốc tế và khu vực về bảo tồn đa dạng sinh học biển mà Việt Nam đã tham gia.

Xin cảm ơn ông!