Tướng Bình 'xương' đem tranh triển lãm

TP - Trung tướng Nguyễn Tiến Bình, biệt danh “Bình xương” lần đầu mang tranh triển lãm có tên “Nguyễn Tiến Bình và chuỗi ký ức”, khai mạc tối 4/10 tại Học viện Quân y.
Một góc phòng triển lãm của tướng quân y Nguyễn Tiến Bình.

Tình cờ được đồng nghiệp giới thiệu về triển lãm và tác giả, tôi mang sự tò mò lớn đến lễ khai mạc. Ông bước vào phòng họp báo rất tự nhiên, không cần ai dẫn dắt hay phát biểu dài dòng, bập ngay vào chuyện. “Không được học hội họa, chọn ngành y, nhưng tôi đam mê nghệ thuật. Hồi trung học, xem vở “Đôi mắt” ở nhà hát Lớn, tôi ấn tượng mãi vì tác giả cũng là bác sỹ. Sau hơn 40 năm là người lính lăn lộn, tôi nghĩ một ngày nào đó có thể mình cũng viết kịch bản sân khấu”, ông nói. Năm ngoái, ông nhận giải ba truyện ngắn của báo Văn nghệ, từng in một số truyện ngắn trước đây.

Sinh ra tại Hà Nội đúng ngày giải phóng Thủ đô 10/10/1954, GS.TS, bác sỹ, trung tướng Bình "xương" hạ quyết tâm triển lãm đúng dịp này. Ông kể, dù đi Đức công tác chỉ ít ngày trước triển lãm, ông thức trắng đêm điện thoại bàn bạc với anh em ở nhà để hoàn thiện từng chi tiết nhỏ từ áp phích, tới thông tin.

Trung tướng Nguyễn Tiến Bình

Giám đốc Học viện Quân Y nói thật, ông bắt đầu vẽ chừng bốn năm nay, nhưng trước đó tự tìm hiểu, đọc sách hội họa về bố cục, phối màu. Ông bảo, hễ Hà Nội có triển lãm nào, thế nào cũng đến xem bằng được. Bắt đầu bằng vẽ tĩnh vật, có khi rất quen thuộc như lọ hoa cúc họa mi của vợ. Sau này có lên ý tưởng hẳn hoi cho tranh trừu tượng. Đặt chân vào thế giới hội họa hẳn không đơn giản? “Có ý chí bạn ắt tìm ra con đường. Khi tôi bắt đầu say mê viết, tôi nhận ra đến một lúc nào đó ngòi bút dẫn mình đi, cũng như khi vẽ tranh, mình sẽ lạc vào tâm thái khác”, ông nói.

Định hỏi đùa khi chưa được xem tranh (dán giấy kín, giữ bí mật với quan khách đến phút cuối), liệu có dấu ấn nghề nghiệp trong tác phẩm nào không, chả là ông là chuyên viên đầu ngành Chấn thương chỉnh hình Quân đội từ năm 2002. Nhà thơ Trần Hữu Việt nói ngay, “bác sỹ chỉnh hình mà, hình khối ổn lắm”.

NSND Lê Huy Quang chia sẻ bên lề triển lãm: “Khi xem tranh anh Bình lần đầu tôi không nghĩ anh ấy lại mang được dáng dấp của người chuyên nghiệp đến thế". Hơn một tháng qua, ông chính là người tư vấn, chọn tranh trong số gần trăm bức của bác sỹ Bình.

Phải nói không khí triển lãm tranh của một người nghiệp dư như bác sỹ Bình "xương" khiến nhiều họa sĩ ghen tị. Họa sĩ, NSND Lê Huy Quang khi phát biểu thậm chí nói “chưa bao giờ có triển lãm nào ở Hà Nội đông đúc, trân trọng hội họa đến thế”. May mà triển lãm này diễn ra ngay trong Học viện, sảnh đón tiếp của tòa nhà trung tâm Học viện Quân y chứa đến hàng trăm người, trong đó có thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế, đồng nghiệp, chiến hữu và học trò của tác giả có tranh triển lãm.
“Vẽ không phải để lập nghiệp, lập danh mà để giải tỏa cảm xúc, làm cho tâm hồn mình đẹp lên” lời tâm sự này có vẻ hợp với mục đích triển lãm. Toàn bộ số tiền bán tranh được tặng cho nhà trường gây “Quỹ khích lệ học viên giỏi” do ông thành lập. “Không dám gọi là quỹ gì to tát, chỉ là chút quà nhỏ khích lệ, vì nhiều năm làm quản lý tôi biết có nhiều em rất khó khăn. Chút quà động viên đúng lúc có tác dụng tích cực, thúc đẩy động lực những thầy thuốc tương lai”, ông nói. 

Nói như họa sĩ Lê Huy Quang, mỗi người đi một con đường nghệ thuật, dù nghiệp dư hay chuyên nghiệp thì mục đích cuối cùng là mang đến cái đẹp, xây dựng cuộc sống con người tốt đẹp hơn. 

Trong số 42 bức tranh sơn dầu tại triển lãm, có 36 bức có tên "Ký ức" được đánh số. Theo lời tác giả, đó là những thời kỳ ông cảm nhận sau mấy chục năm công tác, có mặt ở chiến trường và nhiều miền Tổ quốc: tuổi thơ vất vả, ký ức về mùa thu nơi tình yêu bắt đầu, là ký ức về chiến tranh ở Vị Xuyên (Hà Giang), ở Xiêm Riệp, và quá trình tu nghiệp ở Đức.