“Túm ông có tóc”

TP - Mấy hôm nay, có hai thông tin khiến dư luận đặc biệt chú ý và quan tâm. Hai sự việc, đều liên quan tới thuế và phí - gánh nặng nhiều người dân đang than phải cõng oằn lưng.

Tin thứ nhất, Bộ Tài chính đề xuất sửa biểu thuế lũy tiến từng phần đối với cá nhân có thu nhập từ tiền lương tiền công nhằm phù hợp với thực tế, đồng thời giảm bớt gánh nặng mức nộp thuế cho một số đối tượng.

Theo đó, thuế thu nhập cá nhân (TNCN) sẽ giảm. Cụ thể, với thu nhập từ 10 triệu đồng trở xuống (sau khi chiết trừ gia cảnh), người dân sẽ nộp mức thuế 5% thay cho mức 10% trước đây. Còn thu nhập trên 10-30 triệu đồng, mức thuế còn 10% thay cho 15-20% hiện hành. Theo số liệu của Tổng cục Thuế, 70% người nộp thuế thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công nộp thuế từ bậc 2 trở xuống. Như vậy, đa số những người này sẽ được giảm thuế.

Tin thứ hai, trước việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội sốt ruột nhắc việc giám sát các dự án BOT và bất cập trong trạm thu phí Cai Lậy, chiều 16/8, Bộ GTVT họp và chốt với mức giảm gần 30% cho các chủ phương tiện khi qua lại trạm này; đặc biệt miễn hẳn với người dân địa phương quanh vùng- như kiến nghị của địa phương trước đó.

Việc trạm thu phí “cắt cổ” phải giảm là cách giải quyết cần thiết và thấu tình trước bức xúc của người dân. Bởi không có lý gì, chủ đầu tư chỉ sửa sang nâng cấp một con đường độc đạo rồi “đè nghiến” họ ra thu cao ngất ngưởng.

Còn việc dự kiến giảm bớt bậc thuế, giãn mức thuế nộp là một quyết định hợp lý. Bởi chi phí sinh hoạt tăng, đồng tiền mất giá ít nhiều, nếu luật cứ chia nhỏ bậc thuế ra thu, đại bộ phận người làm công ăn lương phải chịu thiệt. Trong khi đó, không ít người giàu đang trốn thuế bằng nhiều cách. Nhiều người có nguồn thu khủng như ca sỹ, diễn viên đắt sô, quảng cáo, bác sỹ có phòng mạch tư khách đông nghịt chỉ nộp thuế rất “hẻo” Nhà nước thất thu bởi họ đã né, trốn, hoặc khai thấp đi nhiều so với thu nhập thực.

Giảm mức đóng góp thuế, phí để người dân bớt nặng gánh lo toan và sức ép là một vấn đề Chính phủ cần xem xét nghiêm túc. Ở nhiều quốc gia, một trong những tiêu chí khi thu thuế  là thu cao, thu nhiều của người giàu và chia cho người nghèo qua các kênh như: đầu tư an sinh xã hội, cơ sở vật chất, trường học, bệnh viện.

Việt Nam còn nghèo, nộp thuế để tái thiết đất nước, lấy tiền để nuôi dưỡng tiếp nguồn thu là cần thiết. Nhưng thu thuế, phí thế nào cho đúng “túm ông có tóc”, cho đủ và công khai, minh bạch là bài toán khó.

Chợt nhớ, chỉ riêng việc buôn lậu, trốn thuế xăng dầu ở Việt Nam mới đây đã được một tổ chức quốc tế tính ra lên tới cả ngàn tỷ mỗi năm. Hay dẫn chứng từ Tổng cục Thuế từng cho thấy: 720 trong số 870 công ty nước ngoài ở Việt Nam có gian lận thuế trong năm 2013. Các công ty này khi đó đã bị yêu cầu hoàn trả gần 400 tỷ đồng tiền thuế và phạt.