Cây nhà lá vườn
Buổi tổng duyệt chương trình văn nghệ Ngày thơ Việt Nam 2015 (sẽ diễn ra đúng rằm tháng Giêng) mở màn bằng sự tậm tịt của hệ thống âm thanh. Mấy tiết mục đầu phải hát “vo” không mic, chấm phong thái biểu diễn là chính. Một màn múa đang thăng hoa bỗng mất nhạc khiến người biểu diễn giận dỗi, chắp tay cáo lỗi BTC vì hết hứng tiếp tục.
Hội trường gác 2 trụ sở Hội Nhà văn vốn hẹp lại tập trung tới hai chục đoàn các CLB thơ, văn hóa nghệ thuật nên khâu duyệt tiết mục tiến hành kiểu “cuốn chiếu”: đoàn nào tới trước, chuẩn bị xong trước thì lên trước, xong rồi về chừa đất cho người sau.
“Hoạt động năm nay ít nhiều được xã hội hóa, giúp chúng tôi có thêm kinh phí tổ chức. Sang năm sẽ đẩy mạnh khâu này. Thơ trong đời sống ngày nay không được đón nhận nồng nhiệt như trước dù người làm thơ rất đông. Vì vậy càng phải đẩy mạnh hoạt động giao lưu quốc tế để nâng cao chất lượng tìm lối ra cho phát hành thơ, kéo bạn đọc lại”.
Nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Trưởng BTC
Việc xếp hàng có cảnh chen ngang chen ngửa khiến lắm người phật ý. Thành viên một CLB ở Cầu Diễn phàn nàn: “Tưởng tổng duyệt trước Tết rồi, giờ lại tổng duyệt. Đi lại tập tành vất vả quá”.
Nhà văn Đào Thắng, thành viên BTC giải thích: “Trước Tết có một số tiết mục không đạt, phải luyện thêm hoặc thay thế bằng tiết mục khác, nên mới có buổi này”.
Cũng vì BTC năm nay muốn kéo dài biểu diễn nghệ thuật trọn ngày (thay vì gói gọn trong buổi sáng như mọi năm) nên khâu duyệt phức tạp hơn hẳn. Trên ba chục tiết mục sẽ được cân đo đong đếm, lấy một phần ba dành cho lễ khai mạc (từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa). Còn lại được rải đều tới tối khuya ngày Tết Nguyên tiêu.
Trước lo ngại về tính “cây nhà lá vườn” của các tiết mục được trình bày bởi hầu hết những gương mặt “tuổi hưu”, ông Thắng trấn an: “Còn mấy tiết mục hay, dàn dựng hoành tráng như Người Hà Nội, Trường ca Sông Lô... của Đoàn nghệ thuật dân gian Unesco mới duyệt đĩa do hội trường chật, không đủ điều kiện âm thanh. Còn cả phần trình diễn trẻ trung của sinh viên mấy trường đại học nữa. Ra sân khấu Văn Miếu sẽ ghép một thể”.
Tới nỗ lực xuất khẩu thơ
Công tác chuẩn bị cho Tuần lễ văn chương Việt Nam hướng ra thế giới khởi động từ nửa năm trước, gần sát ngày diễn ra mới tạm hòm hòm.
Việc ôm đồm nhiều hoạt động cùng lúc, theo BTC, nhằm tạo ra chùm sự kiện văn hóa với đỉnh điểm là Ngày thơ Việt Nam 2015 nhằm mục đích cho bạn bè quốc tế thấy chúng ta có cả một xã hội yêu thơ.
Mở đầu chùm sự kiện ấy là lễ khai mạc Hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam (sáng 2/3). Bốn mươi ba đoàn với 149 khách quốc tế (phần lớn là các dịch giả) sẽ có mặt.
“Sau hai hội thảo chuyên sâu ngày 3/3, chúng tôi sẽ tiến hành ký kết với tất cả các đoàn hợp đồng dịch và xuất bản thơ Việt tại quốc gia của họ”, một thành viên BTC cho biết, “nếu cần chúng ta có thể chia sẻ kinh phí với họ nhằm mục đích đưa thi ca Việt Nam ra khắp thế giới”.
Cũng theo ông này, chùm sự kiện kết thúc bằng hoạt động dâng hương “thánh thơ” Cao Bá Quát (ngày 6/3) tại lễ hội làng Phú Thị, Gia Lâm là lời khẳng định với bạn bè quốc tế rằng thơ và người làm thơ luôn có một vị trí trang trọng trong tâm trí mỗi người dân Việt Nam. Một đất nước như thế sẽ không thiếu những vần thơ có giá trị.
Trước đây chỉ làm riêng Ngày thơ Việt Nam nên BTC có điều kiện bỏ tiền thuê các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp biểu diễn. Năm nay kinh phí phải san sẻ cho các sự kiện khác đành cắt khâu thuê, thay vào đó nhờ cậy vào sự nhiệt tình đóng góp tiết mục của các CLB thơ trên địa bàn thành phố với đa số các “cụ” hưu trí yêu thơ.