Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao tham gia họp báo chiều nay.
Tại các cuộc họp báo trước đó, quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn nhấn mạnh: Khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou-981) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan trái phép này ra khỏi vùng biển của Việt Nam.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
16/06/2014 16:43
16h 40 phút, mặc dù con 20 phút nữa cuộc họp báo quốc tế về tình hình Biển Đông mới chính thức bắt đầu, nhưng khán phòng đã đông kín các nhà báo, phóng viên có mặt để đưa tin.
16/06/2014 16:44
Phóng viên Công Khanh cho biết, tại cuộc họp báo chiều nay, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam; Ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Ông Lê Hải Bình, Quyền Vụ trưởng Vụ Thông tin Báo chí, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao.
16/06/2014 16:47
Tại cuộc họp báo hôm nay, ông Trần Duy Hải, Nguyễn Quốc Thập sẽ có bài phát biểu phản bác những luận điểm thiếu căn cứ và sai trái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đưa ra. Các hình ảnh, clip về tình hình thực địa cũng sẽ được trình chiếu.
16/06/2014 16:55
16/06/2014 17:07
Mở đầu, ông Lê Hải Bình nói: Trong những ngày qua, Trung Quốc vẫn duy trì giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng biển của Việt Nam, bất chấp việc Việt Nam kiềm chế, kiên trì giao thiệp ngoại giao, và bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Xung quanh giàn khoan, tàu Trung Quốc vẫn hung hăng, ngang ngược, dùng súng bắn nước có cường độ mạnh tấn công tàu Việt Nam, tấn công ngư dân, đâm chìm tàu cá Việt Nam.
Trung Quốc còn có hành vi mở rộng, xây dựng công trình trên một số điểm đảo ở Trường Sa. Trung Quốc cũng liên tục đưa ra những luận điệu sai trái, đổ lỗi cho Việt Nam về những căng thẳng trên thực địa.16/06/2014 17:10
16/06/2014 17:23
Tại các cuộc họp báo trước đó, quan điểm nhất quán của Bộ Ngoại giao Việt Nam luôn nhấn mạnh: Khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương - 981 (Haiyang Shiyou-981) nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Hoạt động của giàn khoan Hải Dương - 981 và các tàu bảo vệ của Trung Quốc đã vi phạm nghiêm trọng quyền, chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982, vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2002 (DOC) và các thỏa thuận có liên quan khác giữa Lãnh đạo cấp cao hai nước.
16/06/2014 17:24
16/06/2014 17:28
Ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Biên giới Quốc gia Việt Nam cho biết, Trung Quốc làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng các hành động vi phạm luật pháp Quốc tế.
Cụ thể, Trung Quốc đã đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Hành động của Trung Quốc đã vi phạm thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, DOC… Trước sau như một, Việt Nam kiên quyết phản đối hành động sai trái trên của Trung Quốc.
Trước đó, Trung Quốc nhiều lần xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông, khi tiến hành thăm dò địa chấn, 2D, 3D… Việt Nam đã nhiều lần trao công hàm phản đối các hành động này, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay, không tái phạm các hoạt động vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam.
Tuy vậy, Trung Quốc còn lớn tiếng tuyên bố, Việt Nam ngăn cản các hoạt động của Trung Quốc, thậm chí còn cho rằng, tàu cá Việt Nam đâm va vào tàu Trung Quốc nên chìm. Mặc dù trên thực tế chúng ta đều thấy, tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu Việt Nam.
16/06/2014 17:31
Việt Nam bác bỏ mọi lập luận của các yêu sách của Trung Quốc với quần đảo Hoàng Sa mà Trung Quốc gọi là Tây Sa.
Ông Trần Duy Hải khẳng định, các tư liệu lịch sử của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa không có nguồn gốc rõ ràng, không chính xác và diễn giải tùy tiện. Đây đều là những tư liệu cá nhân, không chính thức và mô tả không nhất quán về quần đảo Hoàng Sa. Hơn nữa, các tài liệu Trung Quốc công khai đã không chứng tỏ nhà nước phong kiến Trung Quốc thiết lập chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa khi quần đảo này còn vô chủ.
Thế kỷ 17, Phó Vương Quảng Đông còn lập luận, Hoàng Sa là quần đảo bỏ rơi và không thuộc về Trung Quốc, vì vậy Trung Quốc không chịu trách nhiệm về vụ ngư dân cướp tài sản tại quần đảo Hoàng Sa từ thế kỷ 17.
Ngược lại, từ thế kỷ 17, nhà Nguyễn đã xác lập chủ quyền và đảm bảo an toàn hàng hải tại quần đảo Hoàng Sa. Các châu bản của triều Nguyễn chứng minh điều này.
16/06/2014 17:36
Ông Trần Duy Hải cho biết, Việt Nam đã nỗ lực giải quyết tình hình căng thẳng trên Biển Đông, thông qua đàm phán và các biện pháp Hòa Bình, nhưng Trung Quốc đã phản ứng thiếu tính xây dựng.
Việt Nam đã nỗ lực liên lạc và đối thoại với Trung Quốc dưới nhiều hình thức, nhiều cấp để Trung Quốc chấm dứt các hành vi vi phạm, tạo điều kiện hai bên đàm phán, ổn định tình hình. Việt Nam tiến hành hơn 30 lần tiếp xúc với các cơ quan có thẩm quyền của Trung Quốc, nhưng Trung Quốc từ chối thiện chí của Việt Nam.
Hơn nữa, Trung Quốc còn bóp méo sự thật, vu cáo Việt Nam đâm va hơn 1.500 lần vào tàu Trung Quốc, mà không có một bằng chứng nào về cáo buộc này. Trong khi đó, Việt Nam có rất nhiều bằng chứng về hành động phi pháp, vô nhân đạo của Trung Quốc.
Tình hình căng thẳng hiện nay do Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển Việt Nam, nhưng họ cho rằng, đó là hành động hợp pháp và khăng khăng không đàm phán, không rút giàn khoan. Vì vậy, Trung Quốc nói cánh cửa đàm phán vẫn rộng mở là không thực tế.
16/06/2014 17:38
Ông Trần Duy Hải: Một lần nữa, Việt Nam yêu cầu Trung Quốc rút ngay giàn khoan và các phương tiện khác ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Yêu cầu Trung Quốc giải quyết các tranh chấp thông qua biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp Quốc tế. Trong đó có công ước về Luật Biển 1982. Ảnh: Như Ý
16/06/2014 17:57
Ông Nguyễn Quốc Thập, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN): Trong hơn 40 năm qua, PVN đã triển khai bình thường các hoạt động thăm dò khai thác dầu khí trong EEZ và thềm lục địa của Việt Nam, trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa. PVN đã và đang hợp tác với nhiều đối tác quốc tế. Đến nay, hơn 100 hợp đồng khai thác dầu khí, 61 hợp đồng trong số đó vẫn đang có hiệu lực. Tất cả các hoạt động dầu khí này đều nằm trong thềm lục địa và EEZ của Việt Nam.
Giai đoạn trước 1975: Ngay từ 1969, 1970, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã khảo sát 2D trên 12.000 cây số tuyến do công ty của Mỹ thực hiện. Trong 2 năm 1973 - 1974, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa tiếp tục hợp tác với hai công ty của Mỹ khảo sát địa chấn 2D, dự án 2D bao trùm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam trên 13.400 cây số tuyến và dọc bờ biển miền trung Việt Nam.
Giai đoạn 1975 - 1996: Quốc hội đã phê chuẩn việc Việt Nam tham gia UNCLOS 1982. Công ty tiền thân của PVN đã khảo sát ở vùng biển dọc miền trung Việt Nam, bao gồm cả khu vực Hoàng Sa và vùng lân cận. Năm 1983, Đại học Tổng hợp Hà Nội và đối tác Pháp đã thăm dò, lấy mẫu ở vùng biển Hoàng Sa, miền Trung và Đông Nam Việt Nam.
Từ năm 1996 đến nay, PVN và các đối tác quốc tế hoạt động trong EEZ và thềm lục địa Việt Nam, hoàn toàn tuân thủ luật pháp quốc tế. Từ năm 2007, PVN thực hiện nhiều dự án với công ty của Na Uy, Singapore ở khu vực Hoàng Sa và lân cận. PVN cũng thực hiện nhiều nghiên cứu đánh giá tiềm năng dầu khí ở Hoàng Sa, Trường Sa, bãi Tư chính Vũng Mây. Nhiều công trình nghiên cứu về quá trình này đã được trình bày tại các diễn đàn quốc tế và được thừa nhận.
PVN trong thời gian tới sẽ tiếp tục hợp tác với các công ty quốc tế tiếp tục thăm dò khai thác trong EEZ của VN như PVN từng làm trong 40 năm qua.
16/06/2014 17:59
Cũng theo ông Nguyễn Quốc Thập, từ năm 2006 đến nay, Trung Quốc nhiều lần thuê giàn khoan của các công ty nước ngoài hoặc mời thầu các lô dầu khí trong EEZ của Việt Nam. Tuy nhiên, hành động của Trung Quốc là phi nghĩa nên không có công ty quốc tế nào tham gia.
16/06/2014 18:03
Ông Nguyễn Quốc Thập: PVN một lần nữa cực lực phản đối các hành động trái phép của Trung Quốc, yêu cầu rút ngay giàn khoan khỏi EEZ của Việt Nam và chấm dứt các hành động tương tự trong tương lai. Ảnh: Như Ý
16/06/2014 18:08
Ông Hà Lê, Phó Cục trưởng Cục kiểm ngư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: Sau khi phát hiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981 trái phép trong EEZ của Việt Nam, cảnh sát biển và kiểm ngư Việt Nam đã ra thực địa, thực hiện chức năng đảm bảo thực hiện pháp luật trên biển. Trung Quốc mỗi ngày duy trì khoảng 120 tàu để chủ động vây ép, húc đẩy, đâm va, phun vòi rồng, bật đèn pha công suất lớn làm ảnh hưởng đến cảnh sát biển Việt Nam.
Trung Quốc còn sử dụng các phương thức nhằm tạo tư liệu giả, vu cáo tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc. Đến nay, chưa có bất kỳ trường hợp nào tàu Việt Nam chủ động đâm va tàu Trung Quốc như Trung Quốc vu cáo. Trong khi thực tế, 15 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương vì tàu Trung Quốc đâm va.
16/06/2014 18:12
Ông Hà Lê, cũng cho biết: Trung Quốc còn đơn phương áp lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 16/5, nhưng trong thực tế chính Trung Quốc áp dụng lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển bao trùm cả quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc còn huy động một lực lượng tàu cá vỏ sắt vào vùng biển này tham gia cùng tàu quân sự phá hỏng ngư cụ, đâm chìm tàu cá Việt Nam đang hoạt động bình thường trên ngư trường truyền thống của Việt Nam. Từ 1/5 đến nay, hàng trăm lần tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc xua đuổi, uy hiếp. 17 tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc gây thiệt hại, nhiều ngư dân bị thương, trong đó có 3 ngư dân bị thương nặng.
Ngày 13/6, Trung Quốc thông báo rằng, tàu cá Việt Nam hôm 26/5 tự đâm vào giàn khoan và tự lật, rằng các tàu Trung Quốc cố gắng vào cứu hộ nhưng bị tàu Việt Nam ngăn cản nên “không thể vào được”. “Tôi xin khẳng định, tàu cá Việt Nam hoạt động trong khu vực này thường xuyên bị tàu Trung Quốc uy hiếp. Đỉnh điểm là ngày 26/5, tàu cá của ngư dân Đà Năng bị đâm, đuổi đến lúc bị chìm. Tàu Trung Quốc còn ngăn cản các tàu khác của Việt Nam vào cứu hộ. Trên thực địa, kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục kiềm chế, sử dụng biện pháp hòa bình để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, kiên quyết bảo vệ ngư dân bám biển” – Ông Hà Lê nói.
16/06/2014 18:15
“Trên thực địa, kiểm ngư Việt Nam vẫn tiếp tục kiềm chế, sử dụng biện pháp hòa bình để kiên quyết bảo vệ chủ quyền, kiên quyết bảo vệ ngư dân bám biển” – Ông Hà Lê nói. Ảnh: Như Ý
16/06/2014 18:22
Thông báo về tình hình thực địa, ông Ngô Ngọc Thu, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cho biết, hiện nay, sau những ngày điều chỉnh, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã ổn định. Vào ngày 15/6, Trung Quốc sử dụng 110 tàu bảo vệ giàn khoan Hải Dương 981, trong đó có 6 tàu chiến. Cụ thể, hai tàu hộ về tên lửa số hiệu 534, 535, các tàu tên lửa tấn công nhanh như 751, 756, 2 tàu hải giám, 34 tàu hải cảnh, tàu quét mình tàu kéo, tàu ngư chính, tàu cá các loại.
Ngày 15/6, hai lần máy bay KJ200, 9421 bay ba vòng và máy bay I12 bay 2 vòng trên các tàu của Việt Nam với độ cao từ 200 đến 300 m. Trung Quốc sử dụng 16 tàu gồm các tàu hải cảnh và hai tàu kéo ngăn cản các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, như tàu Cảnh sát biển 4032, 4033, 8003 từ khu vực cánh giàn khoan từ 8,2 tới 10 hải lý.
Phương thức hoạt động của các tàu Trung Quốc từ đầu tháng 6 tới nay không thay đổi, sử dụng 10 -15 chiếc, tiến hành áp 2 bên mạn, chặn đầu, chặn đuôi các tàu thực thi pháp luật Việt Nam. Đồng thời, tàu Trung Quốc sẵn sàng sử dụng súng phun nước và đâm va các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam. Họ còn sử dụng máy phát tần số, rọi đèn pha, hú còi làm ảnh hưởng tâm lý tới các thuyền viên trên các tàu Việt Nam.
Lực lượng tàu cá Trung Quốc (40 đến 45 chiếc) luôn bám sát ngăn cản tàu cá Việt Nam từ 35 - 40 hải lý về phía tây tây nam giàn khoan Hải Dương 981, với sự hỗ trợ của các tàu hải cảnh Trung Quốc. Hiện nay, mặc dù thời tiết không tốt, các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam vẫn bám trụ hiện trường để đấu tranh với hành động phi pháp của Trung Quốc.
16/06/2014 18:27
Ngày 13/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tổ chức họp báo về giàn khoan Hải Dương 981 trong đó đưa ra nhiều thông tin sai lệch tại hiện trường. “Chúng tôi xin làm rõ một số vấn đề trước công luận, như việc Trung Quốc tuyên bố các tàu Việt Nam đâm húc 1547 lần vào các tàu Trung Quốc. Chúng tôi bác bỏ các thông tin sai lệch và phi lý trên”- Ông Ngô Ngọc Thu nói.
Thực tế là tàu cá DNa 90152 có 10 ngư dân trên tàu đang khai thác thủy sản bị nhiều tàu cá Trung Quốc bao vây, uy hiếp và cuối cùng tàu Trung Quốc 11209 đã đâm chìm tàu DNa 90152 vào 26/5/2014 tại khu vực cách giàn khoan 16,5 hải lý về phía Tây Nam.
Từ 3/5 tới nay, tổng cộng có 15 kiểm ngư viên và 2 ngư dân Việt Nam bị thương.
Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng tố cáo các hành vi ngang ngược, sai trái của Trung Quốc.
Về việc Trung Quốc vu khống Việt Nam thả nhiều người nhái và thả trướng ngại vật, ông Ngô Ngọc Thu khẳng định, Việt Nam không hề sử dụng lực lượng người nhái tại hiện trường.
16/06/2014 18:29
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng về việc Trung Quốc đưa tàu chiến và máy bay tới hiện trường, dù Trung Quốc không thừa nhận.
Mặc dù các tàu bảo vệ của Trung Quốc có nhiều hành động vi phạm pháp luật nhưng các tàu Việt Nam vẫn kiềm chế, không phun nước, không đâm vào cá tàu Trung Quốc, mà chỉ phát loa tuyên truyền. Cho tới nay, Việt Nam vẫn thực hiện chủ trương không sử dụng vũ lực và không đe dọa sử dụng vũ lực, đây là phương châm nhất quán của Việt Nam - Ông Ngô Ngọc Thu
16/06/2014 18:30
Ông Ngô Ngọc Thu giới thiệu clip về tàu Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam. Ảnh: Như Ý
16/06/2014 18:35
Asahi: Trong những ngày qua, Trung Quốc đưa ra những bằng chứng, hình ảnh cho thấy tàu Việt Nam chủ động đâm tàu Trung Quốc. Ông Ngô Ngọc Thu đã xem những hình ảnh này chưa và suy nghĩ như thế nào? Ông nghĩ như thế nào về việc Trung Quốc nói Việt Nam cử lực lượng người nhái đến hiện trường và tạo chướng ngại vật nổi để ngăn cản tàu Trung Quốc?
Ông Ngô Ngọc Thu: Tôi chưa được xem clip Trung Quốc công bố ngày 13/6, nhưng tôi có được thông báo nội dung cuộc họp báo. Trung Quốc đưa ra số liệu nói tàu Việt Nam đâm tàu Trung Quốc 1.547 lần. Tôi khẳng định đó là thông tin sai sự thực. Trên thực tế, chỉ có tàu Trung Quốc đâm va tàu Việt Nam. Không có chuyện tàu Việt Nam đâm vào tàu Trung Quốc.
Trong họp báo, họ nói rằng, Trung Quốc dùng nhiều người nhái, dùng lưới, vật thể nổi cản phá. Chúng tôi bác bỏ thông tin này. Đến nay, Việt Nam không sử dụng người nhái trên hiện trường.
Một số vật thể nổi, lưới Trung Quốc vớt về thực chất là lưới của tàu ngư dân Việt Nam. Tàu ngư dân bị Trung Quốc uy hiếp nên phải bỏ cả lưới để chạy. Một số vật trôi nổi như thùng sắt là những thùng đụng dầu nhớt, sơn của tàu ngư dân. Tàu Trung Quốc còn đâm vỡ những tàu của ngư dân. Phía Trung Quốc vớt được và cho đó là vật thể Việt Nam thả xuống.
16/06/2014 18:38
Người Lao động: Trước những bằng chứng của Việt Nam khẳng định chủ quyền ở Hoàng Sa, xin cho biết những bằng chứng đó có thể được sử dụng để đòi khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này?
Các văn bản pháp lý từ thời phong kiến Việt Nam cho thấy các nhà nước phong kiến Việt Nam đã cử các đội ra khai thác, làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa và Trường Sa.
Một quốc gia khi muốn xác lập chủ quyền của mình đối với một vùng lãnh thổ thì phải thực thi các hoạt động chủ quyền dưới danh nghĩa nhà nước. Tất cả những văn bản Việt Nam có được đều được thừa nhận về mặt pháp luật để khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo.
16/06/2014 18:40
VOV: Hôm 13/6, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Việt Nam rút khỏi 29 đảo đá thuộc Trường Sa mà Trung Quốc nói Việt Nam chiếm giữ trái phép. Xin cho biết bình luận?
Ông Trần Duy Hải: Đề nghị của Trung Quốc hết sức vô lý, chúng tôi hoàn toàn bác bỏ. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ pháp lý và lịch sử. Trên thực tế, Việt Nam đã quản lý, khai thác hòa bình liên tục ở Trường Sa. Chính Trung Quốc dùng vũ lực xâm chiếm một số bãi ở Trường Sa của Việt Nam. Chính Trung Quốc phải rút khỏi những bãi mà họ chiếm trái phép của Việt Nam năm 1988.
16/06/2014 18:42
16/06/2014 18:47
AP: PVN cho biết đã ký hơn 100 hợp đồng thăm dò, khai thác ở Biển Đông. Cho đến nay, các đối tác nước ngoài có bày tỏ lo ngại gì trước việc Trung Quốc đặt giàn khoan không? Nếu có, Việt Nam xử lý như thế nào? Ông Dương Khiết Trì dự kiến đến Việt Nam trong tuần này để dự cuộc họp của ủy ban liên chính phủ hai nước. Cuộc họp có đề cập vấn đề Biển Đông không? Việt Nam có hy vọng gì cuộc họp sẽ giúp làm giảm căng thẳng trên Biển Đông không?
Ông Nguyễn Quốc Thập: Trước việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan 981, cũng như sau đó Trung Quốc tuyên bố Việt Nam có 57 lô dầu khí nằm trong vùng biển tranh chấp, chúng tôi đã gặp gỡ, làm việc với tất cả các công ty đối tác như Exxol Mobil Mỹ, Gazprom Nga, cũng như các đối tác Canada, Ấn Độ.
Tại các buổi làm việc, chúng tôi nhận được tín hiệu tốt. Đại diện của tất cả các công ty rằng họ chia sẻ và ủng hộ lập trường và tuyên bố của PVN cũng như chính phủ Việt Nam. Họ khẳng định, hoạt động dầu khí của PVN và của họ là hoàn toàn hợp pháp.
Vì vậy, họ khẳng định tiếp tục thực hiện các cam kết trong những hợp đồng ký với PVN. Chúng tôi hiện nay đang có kế hoạch cùng với các đối tác này triển khai các hoạt động dầu khí hiệu quả nhất, mặc dù phía Trung Quốc có tuyên bố này khác.
16/06/2014 18:51
Lao Động: Trung Quốc nói rằng, thời kỳ thực dân Pháp từng thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với Tây Sa. Vì vậy, việc Việt Nam kế thừa những tài liệu từ thời Pháp là không đúng. Xin cho biết bình luận?
Ông Trần Duy Hải: Trung Quốc hoàn toàn bịa đặt. Sau khi Pháp vào Việt Nam, thay mặt chính quyền Việt Nam, Pháp đã thực thi chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa. Pháp thực hiện quản lý hành chính của Pháp ở mức độ rất cao, ví dụ như việc cấp giấy chứng sinh cho những công dân sinh ra ở đây.
Trong thời kỳ đó, Pháp nhiều lần phản đối các hành động của Trung Quốc đối với Hoàng Sa, trong đó có nhiều công hàm Pháp gửi cho Trung Quốc để phản đối, đề nghị đưa vấn đề ra giải quyết ở cơ quan tài phán quốc tế.
Ví dụ, trong công hàm ngày 18/2/1937 mà chính quyền Pháp gửi Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp, Pháp yêu cầu Trung Quốc giải quyết đàm phán hữu nghị những bất đồng giữa Pháp và Trung Quốc. Nếu Trung Quốc không đồng ý giải quyết bằng thương lượng, Pháp không còn cách nào khác là phải giải quyết qua trọng tài. Pháp luôn phản đối những âm mưu của Trung Quốc ở Hoàng Sa.
16/06/2014 19:04
VOV: Thời gian gần đây, một số nhà ngoại giao khu vực đã đề xuất các nước ASEAN phải có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc để đạt được quy tắc ứng xủ cứng rắn hơn tại biển Đông. Vậy Việt Nam có mong đợi gì, hoặc có hành động gì yêu cầu phía ASEAN có tuyên bố chung của mình về vấn đồ biển Đông?
Ông Trần Duy Hải: Từ đầu buổi họp báo tới giờ, chúng tôi đã khẳng định Việt Nam có đầy đủ các tài liệu pháp lý, lịch sử đối với quần đảo Hoàng Sa và mọi hoạt động của các bên đều không hợp pháp. Việt Nam ủng hộ các nỗ lực duy trì, ổn định, hòa bình tại biển Đông. Việt Nam yêu cầu Trung Quốc chấm dứt tình trạng căng thẳng tại Biển Đông.
16/06/2014 19:06
Tiền Phong: Trong thời gian gần đây, Trung Quốc nói rằng, Trung Quốc chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa là xua đuổi Việt Nam Cộng Hòa. Đại diện Uỷ ban Quốc gia có bình luận gì về việc này?
Ông Trần Duy Hải: Trước hết, tôi xin khẳng định, các phát biểu của Trung Quốc xuyên tạc và bóp méo sự thật lịch sử. Sau khi Pháp rút khỏi Việt Nam, Pháp đã bàn giao cho Chính quyền Việt Nam Cộng Hòa và thực thi quyền quản lý, đồn trú tại quần đảo Hoàng Sa.
Cho tới 1974, trung Quốc lợi dụng tình hình chiến tranh nên tấn công các lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa đồn trú trên đảo Hoàng Sa. Đó là sự thật lịch sử. Ngay Trung Quốc đã đưa rất nhiều hình ảnh về việc Trung Quốc sử dụng vũ lực tấn công Việt Nam Cộng Hòa để xâm chiếm quần đảo Hoàng Sa. Và việc này không thể tạo ra chủ quyền cho Trung Quốc về lãnh thổ.
16/06/2014 19:11
> XEM THÊM: Trung Quốc ngang nhiên xuyên tạc, bóp méo sự thật