Trung Quốc lại chối cãi chuyện đảo nhân tạo

TP - Sau khi tiếp tục bị tố sắp hoàn thành các công trình quân sự trên biển Đông và có thể triển khai máy bay quân sự ra bất kỳ lúc nào, Bộ Quốc phòng Trung Quốc hôm qua nói rằng, không có cái gì gọi là đảo nhân tạo ở khu vực tranh chấp trên biển Đông; những công trình của nước này đều vì mục đích dân sự.
Hệ thống hạ tầng mà Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: AMTI.

Những công trình mà Trung Quốc xây dựng ở khu vực tranh chấp trên biển Đông gồm sân bay, bến cảng, hệ thống radar, hệ thống tên lửa, hầm chứa… Trung Quốc đã đổ một lượng cát lớn để mở rộng diện tích trên các bãi san hô hoặc những cấu trúc chỉ nổi lên khi thủy triều xuống.

Nhưng phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm nói đó là sự hiểu nhầm; Bắc Kinh có “quyền làm như vậy ở vì Trường Sa là lãnh thổ vốn có của Trung Quốc (?!)”. “Không có gì gọi là đảo nhân tạo. Hầu hết các công trình đều vì mục đích dân sự, bao gồm các cơ sở phòng thủ cần thiết”, AP hôm qua dẫn lời ông Ngô nói trong cuộc họp báo thường kỳ.

Đại diện Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho rằng, biển Đông nhìn chung ổn định trong thời điểm này, nhưng một số nước ngoài khu vực cảm thấy lo lắng về điều đó nên muốn khuấy động tình hình và tạo căng thẳng.

Cách nói này thường nhằm ám chỉ Mỹ. Khi được yêu cầu làm rõ câu nói rằng không có đảo nhân tạo trên biển Đông, ông Ngô từ chối nêu rõ, chỉ nói rằng Trung Quốc đã giải thích đẩy đủ về hoạt động xây dựng của họ.

Vẫn quân sự hóa

Đầu tuần này, một tổ chức tư vấn chính sách của Mỹ nói rằng, Trung Quốc có vẻ đã hoàn thành phần lớn các cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo mà nước này xây dựng trên biển Đông và nay có thể triển khai máy bay chiến đấu hoặc các vũ khí, khí tài khác ra đó bất kỳ lúc nào.

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình hôm qua cho biết, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xác minh tình hình.

Ông Bình tái khẳng định, Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý, bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Các bên liên quan cần tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, hành xử có trách nhiệm, không có những hành động làm phức tạp thêm tình hình ở biển Đông, ông Bình nói.

Trước việc Đài Loan tập trận bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình, ông Bình tuyên bố: “Việc Đài Loan tổ chức diễn tập bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này, đe dọa hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở biển Đông. Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan không tái diễn các hành động tương tự”.

Đóng tàu tấn công đổ bộ lớn nhất

Trung Quốc đã bắt đầu đóng các tàu tấn công đổ bộ mới nhằm tăng cường sức mạnh của hải quân, trong bối cảnh lực lượng này đóng vai trò chi phối trong việc thể hiện sức mạnh của Trung Quốc ở nước ngoài, báo Hong Kong South China Morning Post hôm qua dẫn các nguồn tin quân sự.

Boong tàu trực thăng 075 đang được một công ty đóng tàu ở thành phố Thượng Hải chế tạo. Loại tàu đổ bộ này lớn hơn nhiều những chiếc có cấu tạo tương tự được trang bị cho hải quân Trung Quốc. Tàu 075 có thể hoạt động như tàu sân bay và các chuyên gia quân sự nói rằng, chúng sẽ giúp hải quân Trung Quốc sử dụng máy bay trực thăng để tấn công các tàu hải quân, lực lượng mặt đất của đối phương hay tàu ngầm trên biển Đông và Hoa Đông. Trung Quốc tiết lộ loại tàu mới khi nước này đang ngày càng chú trọng vào tầm quan trọng của hải quân và vẫn giữ những yêu sách chủ quyền phi lý trên hầu khắp biển Đông.

Tư lệnh Hải quân Trung Quốc, Phó đô đốc Thẩm Kim Long, đến thăm công ty đóng tàu Hudong Zhonghua cuối tuần qua. Công ty này thông báo trên trang web rằng, họ chuyên chế tạo các boong tàu cho máy bay trực thăng hạ cánh.

Một nguồn tin thân cận với hải quân Trung Quốc nói rằng, chuyến thị sát của ông Thẩm xác nhận việc đóng loại tàu mới đang diễn ra. “Việc đóng các tàu Type 075 sẽ mất hơn 2 năm. Con tàu đầu tiên sẽ được hạ thủy năm 2019 và sẽ hoạt động đầy đủ từ năm 2020”, nguồn tin nói.

Bắc Kinh dự kiến hạ thủy tàu sân bay nội địa đầu tiên, Type 001A, vào ngày 23/4, báo chí Trung Quốc đưa tin. 23/4 là ngày kỷ niệm 68 năm thành lập hải quân Trung Quốc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể dự lễ hạ thủy.

“Năm nay là năm lớn đối với hải quân vì Quân ủy Trung ương đã thông báo sẽ mở rộng lực lượng này. Đó là lý do lễ hạ thủy được tổ chức vào dịp sinh nhật hải quân”, chuyên gia hải quân Li Jie từ Bắc Kinh nói.

Trước đó, South China Morning Post dẫn các nguồn tin quân sự nói rằng, Trung Quốc có kế hoạch tăng lực lượng hải quân từ 20.000 lên 100.000 người để bảo vệ các lợi ích ngày càng tăng của nước này ở nước ngoài.

Hoàn tất dự thảo khung đầu tiên cho COC

Các quan chức ASEAN đã hoàn tất dự thảo đầu tiên về khung pháp lý cho Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên biển Đông (COC), Kyodo đưa tin ngày 30/3. Các quan chức ASEAN và Trung Quốc sẽ tiếp tục thảo luận về dự thảo này tại cuộc họp ở Trung Quốc vào tháng Năm. Năm ngoái, Trung Quốc bày tỏ ý định hoàn tất đàm phán về dự thảo COC trong nửa đầu năm nay.

Tại cuộc họp báo thường kỳ hôm qua, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết quan điểm của Việt Nam trước việc Trung Quốc và Philippines sắp đàm phán song phương về vấn đề biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình khẳng định, quan điểm nhất quán của Việt Nam là hoan nghênh các bên tranh chấp ở biển Đông giải quyết hòa bình, hữu nghị các tranh chấp, dựa trên luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Đối với các tranh chấp liên quan đến hai bên thì giải quyết song phương; đối với với tranh chấp đa phương thì phải có sự tham gia của nhiều bên.

Về câu hỏi Việt Nam kỳ vọng gì vào sự kiện đại diện ASEAN và Trung Quốc đang bàn về COC tại Campuchia, ông Bình nói rằng, lợi ích chung của ASEAN là duy trì hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và ở biển Đông. Trên cơ sở đó, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, mong muốn sớm có một bộ quy tắc ứng xử hiệu quả, để bảo đảm hòa bình, an ninh, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông, trên cơ sở luật quốc tế, trong đó có UNLCOS.