“Quy mô và tốc độ các hoạt động của Trung Quốc trên biển Đông, đối với đa dạng sinh học khu vực, tầm quan trọng của quần đảo Trường Sa đối với sinh thái khu vực khiến người ta đặc biệt quan ngại các động thái của Trung Quốc”, báo cáo trình Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung viết. Theo báo cáo, từ tháng 12/2013 tới tháng 10/2015, tại quần đảo Trường Sa, Trung Quốc đã cải tạo khoảng 3.000 mẫu (0,4 hécta) đất trên 7 bãi đá mà nước này chiếm đóng, trong khi Malaysia cải tạo 70 mẫu, Philippines cải tạo 14 mẫu.
Báo cáo do Matthew Southerland, nhà phân tích chính sách an ninh và ngoại giao công tác tại Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung, thực hiện, dẫn nhiều nguồn, trong đó có các nhà khoa học biển và chính phủ Philippines. Báo cáo được đưa ra trong bối cảnh tòa án quốc tế sắp ra phán quyết về vụ Philippines kiện Trung Quốc yêu sách chủ quyền lãnh thổ trên biển Đông quá phi lý, vi phạm các điều khoản về bảo vệ môi trường trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển…
Các máy nạo vét của Trung Quốc đã chất đống cát sỏi trên diện tích 13 km2 của các bãi đá ngầm, phá hủy các rạn san hô bên dưới, theo báo cáo trình Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung. Các máy nạo vét cũng xới tung bùn cát, hủy hoại các mô của san hô và ngăn cản ánh sáng mặt trời rọi tới san hô khiến chúng không thể sống nổi. Đống cát sỏi trải dài cũng giết chết tôm cá hoặc đuổi chúng khỏi các bãi đá ngầm, báo cáo dẫn lời John McManus, giáo sư sinh thái và sinh vật học biển Trường Đại học Miami (Mỹ). Việc hủy hoại môi trường này cũng ảnh hưởng tiêu cực tới các ngư trường, ngành ngư nghiệp nhiều nước, báo cáo viết.
Trung Quốc không công bố đủ thông tin về đánh giá tác động môi trường của các hoạt động của nước này trên biển Đông. “Trung Quốc dường như cũng không cung cấp thông tin bổ sung cho bất kỳ tổ chức quốc tế nào”, báo cáo của Ủy ban Xem xét An ninh và Kinh tế Mỹ-Trung viết. Ủy ban này được Quốc hội Mỹ thành lập năm 2000.