Trung Quốc đang đe dọa ngư dân

TP - “Nhân diễn đàn này, tôi muốn nói với quý khách quốc tế biết rằng, Hoàng Sa - Trường Sa là ngư trường truyền thống của ngư dân miền Trung từ bao đời nay. Ngư dân miền Trung đang bị đe dọa bởi giàn khoan trái phép và đường lưỡi bò của Trung Quốc”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu ngày 3/6 tại Quảng Nam.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trao đổi với các chuyên gia quốc tế tham gia diễn đàn

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Diễn đàn phát triển bền vững khu vực duyên hải miền Trung do Bộ KH&ĐT, Ngân hàng Thế giới tổ chức tại TP Hội An (Quảng Nam) ngày 3/6. Diễn đàn thu hút sự quan tâm của các chuyên gia trong và ngoài nước, bộ, ban, ngành và lãnh đạo 9 tỉnh từ Hà Tĩnh tới Phú Yên.

“Những ngày qua, chúng ta chứng kiến Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam, tàu cá của ngư dân đánh bắt ở ngư trường bị xua đuổi, thậm chí bị đâm chìm. Chúng ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng mọi biện pháp hòa bình trên cơ sở pháp luật quốc tế, kêu gọi cộng đồng quốc tế ủng hộ lẽ phải và chính nghĩa.

Chúng ta rất lo lắng cho sự an toàn cũng như cuộc sống mưu sinh bám biển của người dân. Điều đó, càng khiến kinh tế biển đóng vai trò quan trọng trong phát triển bền vững vùng duyên hải miền Trung, thực hiện chiến lược phát triển kinh tế gắn với quốc phòng và giảm nghèo bền vững”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, khẳng định.

Phó Thủ tướng kêu gọi các đối tác phát triển, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phi chính phủ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các địa phương trong vùng qua các hình thức như hỗ trợ kĩ thuật, tài chính và tăng cường nhân lực thể chế, chuyển giao công nghệ, kinh nghiệm quản lý, đào tạo nhân lực...

“Tôi mong muốn, tuyên bố Hội An được xây dựng tại diễn đàn sẽ thể hiện được ý nguyện, quyết tâm và cam kết của tất cả các bên trong nỗ lực hỗ trợ vùng duyên hải miền Trung phát triển bền vững”, Phó Thủ tướng nói.

Đầu tư phát triển ngư trường Hoàng Sa - Trường Sa

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng, nói rằng, kể từ khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép, Chính phủ hành động rất kịp thời, có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển. Cùng với đó, lực lượng cảnh sát biển, kiểm ngư đã kịp thời sát cánh với ngư dân miền Trung trên biển.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, vẫn còn nhiều hạn chế trong việc phát triển kinh tế biển hiện nay, như việc hỗ trợ ngư dân vẫn còn thấp; mỗi tỉnh đều thành lập hội nghề cá, nhưng trong hoạt động chưa có sự phối hợp… Hiện tại, miền Trung có số lượng tàu thuyền nhiều nhưng công suất còn thấp, kết cấu không đảm bảo để vươn khơi.

“Chính phủ cần đầu tư có trọng điểm vào ngư trường truyền thống chính để ngư dân vươn khơi vừa bám biển vừa bảo vệ chủ quyền Tổ quốc”, ông Tuấn kiến nghị.

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, nói rằng, Chính phủ đã có chủ trương, chúng ta cần huy động các tổ chức quốc tế, các nguồn vốn từ bên ngoài để đầu tư đóng mới tàu thuyền cho ngư dân, vừa đảm bảo việc đánh bắt xa bờ an toàn hiệu quả, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Theo ông Nguyễn Quân Chính, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, 9 tỉnh duyên hải miền Trung chưa tạo được sự kết nối với nhau trong việc phát triển kinh tế biển. Các nhà đầu tư thường chú trọng vào các địa phương phát triển, trong khi đó, nhóm kém phát triển chưa được quan tâm.

Hạ tầng phục vụ cho kinh tế biển chưa được đầu tư. “Nên chăng cần có một tuyến đường quốc lộ ven biển từ Hà Tĩnh đến Phú Yên để tạo hành lang phát triển kinh tế biển, hướng ra biển? Tuyến đường này sẽ giúp các hoạt động trên biển được thuận tiện và hiệu quả cao hơn”, ông Chính kiến nghị.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nói: “Chúng tôi rất mong muốn hợp tác cùng các địa phương để thu hút đầu tư. Ngân hàng Thế giới sẵn sàng đồng hành để cùng đầu tư phát triển kinh tế biển”.

Chính phủ đã có một số cơ chế ưu đãi trong thu hút đầu tư và quy hoạch tổng thể phát triển vùng Bắc Trung bộ thành vùng kinh tế năng động. Đến nay, duyên hải miền Trung có 13 khu kinh tế đang được đầu tư xây dựng, nhiều dự án lớn được triển khai...

Tuy nhiên, vùng duyên hải miền Trung vẫn kém phát triển, kinh tế hạ tầng chưa đồng bộ, bình quân hộ nghèo cao (17%), cao hơn bình quân của cả nước (7,8%), vùng có 25/62 huyện nghèo nhất cả nước, mức độ đầu tư vào vùng vẫn ở mức trung bình thấp so với các vùng khác…