'Trù dập thần đồng là tự cô lập đất nước'

TP - Đó là cảm tưởng của nhà thơ Trần Đăng Khoa, người 5 năm nay ngồi ở vị trí giám khảo cuộc thi Ý tưởng trẻ thơ, nên hiểu rõ đầu óc trẻ con bây giờ.

> Sửng sốt với ý tưởng trẻ thơ
> Ý tưởng lạ của trẻ thơ

“Đừng lấy cái bình thường để đo cái bất thường. Thần đồng là trường hợp bất thường, nhưng chỉ hiếm hoi với Việt Nam chứ thế giới thì không. Đừng tự cô lập, tự biến mình thành ốc đảo bằng cách trù dập thần đồng. Những em như Đỗ Nhật Nam so với mặt bằng chung của thế giới là khá và không quá hiếm” –Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Anh cũng nhắc trường hợp em Nguyễn Bình viết sách, “kẻ lười biếng” quay đoạn phim hùng biện phê phán giáo dục… và cho rằng đó đều là nhân tài đáng khuyến khích. Riêng Đỗ Nhật Nam có lối trình bày ý tưởng và tư duy của một người được hưởng sự đào tạo của nước ngoài, rất bình đẳng. Đó là minh chứng cho việc trẻ con có thể nói chuyện đàng hoàng với người lớn và về những vấn đề mang tính toàn cầu.

“Tôi tiếp xúc với trẻ em, có những em không phải thần đồng nhưng điều quan trọng là các em rất tự tin. Càng giỏi càng tự tin” . Anh Khoa từng dự một hội thảo của học sinh trường Lê Duẩn, đều là những liên đội trưởng. Những gì các em nói đã khiến “thần đồng thơ” ngạc nhiên.

“Các em nhận xét Hà Nội hiện nay chẳng ra đâu vào đâu, so sánh Thủ đô như dàn nhạc khổng lồ mà chẳng có chỉ huy, mạnh ai nấy sống. Các em chất vấn: Tại sao người lớn bán diều cho trẻ con mà không tạo ra không gian cho trẻ con thả diều? Tại sao người lớn kiếm tiền trên khao khát vui chơi của trẻ con?”.

Ý tưởng trẻ thơ là cuộc thi toàn quốc do Cty Honda của Nhật tổ chức 6 năm qua. Sáng 15/6 tại Hà Nội, BGK trong đó có Trần Đăng Khoa dự buổi chấm thi đầu tiên của năm 2013 từ hơn 260.000 ý tưởng gửi về từ khắp cả nước.

Ý tưởng trẻ thơ không chỉ là nơi trẻ em thể hiện trí tưởng tượng phong phú (có những ý tưởng rất… viễn tưởng) mà còn cho thấy mối quan tâm của các em. Có những ý tưởng bám sát thời sự: chủ quyền biển đảo, trẻ em gặp tai nạn chết đuối mùa hè, trẻ em tự kỷ… được trẻ em đề xuất giải pháp.

Chẳng hạn, có em muốn xây đường ngầm khổng lồ nối đất liền với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam, hoặc rùa máy bảo vệ biên giới, cá phát hiện xâm phạm lãnh thổ…

Khác biệt lớn nhất giữa trẻ em và người lớn khi nói về các vấn đề xã hội, chính là một bên thì lạc quan và bên kia ngược lại. Người lớn, tâm tư trĩu nặng vì thực tế hiển hiện, thường nhìn thấy ngõ cụt nhiều hơn.

Trẻ em ngược lại, nhìn đâu cũng thấy giải pháp, kể cả những giải pháp mà người lớn cho là viển vông nhất. Nhưng biết đâu trong những ý tưởng viển vông đó, có ý tưởng về sau trở thành sự thật?

Cũng như trường hợp các em bé thần đồng, những người vẫn còn kêu ca “Hãy trả lại tuổi thơ cho các em” có thể nên nghĩ lại. Vì trẻ em nay khác rồi. Mình bình thường không có nghĩa người khác không được phép bất thường. Nếu cứ “níu” trẻ em xuống, biết bao giờ Việt Nam mới có chuyện “sánh vai”?

Theo Báo giấy