Chương trình vẫn theo mạch âm nhạc đã định hình tên tuổi của Trọng Tấn gần 20 năm qua. Ca sĩ không tiết lộ tên bài hát, chỉ biết chương trình được chia làm 3 phần: hát mộc kiểu acoustic, hát kiểu bán cổ điển với dàn dây và hát âm hưởng dân gian với dàn nhạc dân tộc. Bộ ba Trọng Tấn - Đăng Dương - Việt Hoàn sẽ tái ngộ trong chương trình này với chùm 3 ca khúc họ chưa từng hát, theo phong cách acoustic. Một khách mời nữa tưởng chừng không mấy liên quan là Hồ Quỳnh Hương. Tại cuộc thi Tiếng hát Truyền hình Toàn quốc 1999, Trọng Tấn đoạt giải Nhất, Hồ Quỳnh Hương nhận giải Giọng ca trẻ triển vọng và được đặc cách vào Trường Nghệ thuật Quân đội. Dù sau này theo dòng nhạc khác, nhưng chất giọng qua đào tạo với âm vực ba quãng tám của Hồ Quỳnh Hương xem ra tương xứng khi đặt cạnh “ông hoàng nhạc đỏ” Trọng Tấn. Hồ Quỳnh Hương sẽ xuất hiện trong phần bán cổ điển trong một sáng tác của Lê Minh Sơn Trăng lưỡi liềm. Nhạc sĩ Thanh Phương, người chuyên làm mới nhạc đỏ tại Giai điệu tự hào, đảm nhiệm vai trò giám đốc âm nhạc của Bài ca không quên.
Trong bằng ấy năm làm nghề, Trọng Tấn hầu như không đi khỏi đường ray “chính ca”. Trọng Tấn nói: “Tôi đang đi ngang và sẽ cố gắng giữ sự đi ngang càng lâu càng tốt. Nếu đi chệch khỏi quỹ đạo quá xa, sợ là mình sẽ văng đi mất. Sự mạo hiểm của tôi bao giờ cũng có tính toán”. Anh cũng giải thích vì sao hay hát bài cũ: “Các nhạc sĩ chưa đáp ứng được mong muốn sáng tạo của nghệ sĩ như chúng tôi. Kể cả ca sĩ hát pop bây giờ muốn chọn những tác phẩm mới mà có giá trị thì cũng phải chờ lâu lâu mới có”.
Cùng với đêm nhạc riêng, Trọng Tấn cũng chính thức giới thiệu công ty giải trí Hoa Đăng (tên vợ anh) và do chính vợ anh làm giám đốc. Bài ca không quên chính là tên gọi của chuỗi chương trình giải trí nghệ thuật giải trí cao cấp mà công ty dự định làm mỗi năm 1-2 lần. Trọng Tấn khẳng định, làm nên sự “cao cấp” không phải là kinh phí nhiều, mà là sự tập trung tốt nhất cho âm nhạc. Anh cũng hé lộ ý tưởng đem dòng nhạc mình theo đuổi tới Trung tâm Hội nghị Quốc gia hoặc sân vận động.