Trồng rau đặc sản từ nguồn nước giếng cổ nghìn năm

Ở vùng Gio An (Gio Linh, Quảng Trị), nhờ nguồn nước ngầm mát lành từ các giếng cổ mà người dân trồng được loại rau liệt đặc sản, ngon và sạch có thể ăn sống ngay tại ruộng.

Rau liệt, tên phổ thông là xà lách xoong, được người dân xã Gio An trồng nhiều đời nay, nhưng không ai nhớ rõ có từ khi nào.

Mùa rau thường từ tháng 10 âm lịch hàng năm và kéo dài khoảng 4-5 tháng, tùy theo thời tiết. Ruộng rau là những bãi nhỏ xen kẽ giữa các ngọn đồi đất đỏ bazan.

Cây rau chỉ bám nhẹ trên đất đá, dinh dưỡng chủ yếu lấy từ nguồn nước chảy. “Ngoài vùng đất này ra thì không nơi nào ở Quảng Trị trồng được rau này. Nhiều người thử bơm nước giếng lên chảy vào ruộng rau nhưng không trồng được. Rau phát triển nhờ nước ngầm và trời mát, nắng nóng là lá rau héo, không lên được”, anh Lê Phước Thành ở thôn An Nha, có 10 năm gắn bó với nghề trồng rau liệt, cho hay.

“Trồng rau này không phân bón, thuốc trừ sâu và cũng không mất công chăm sóc. Rau sống nhờ nguồn nước ngầm chảy ra từ các giếng cổ, rất sạch nên hoàn toàn có thể ăn sống tại ruộng mà không sợ gì”, anh Thành nói thêm.

Đầu vụ, người dân lấy gốc rau còn sót lại từ vụ trước để nhân giống rồi rau phát triển tự nhiên cho đến hết vụ. Khoảng 15-20 ngày, rau được cắt một lần. Giá thu mua tại ruộng vào đầu vụ khoảng 6.000 đồng mỗi bó, và giảm còn 2.000 đồng vào chính vụ ở thời điểm sát Tết Nguyên đán.

Bà Ngô Thị Loan ở thôn Hảo Sơn có 2 sào rau cho hay, riêng thôn Hảo Sơn mỗi ngày xuất ra thị trường khoảng 5.000-6.000 bó rau, bán trong tỉnh và ở Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế. Vào mỗi buổi chiều, người dân thường gọi nhau quang gánh ra ruộng cắt rau bỏ mối cho thương lái.

Trong khi đó, bà Trương Thị Phúc cho biết có 40 năm làm nghề buôn rau liệt do mẹ truyền lại. Mỗi ngày, ôtô của bà Phúc vào thu mua tận thôn Hảo Sơn khoảng 2.000 bó rau và chở vào chợ đầu mối ở Thừa Thiên - Huế bán sỉ.

Hàng chục người khác thu mua với số lượng ít hơn, sử dụng xe máy chở đi các chợ trong tỉnh để bán. Bản thân người Hảo Sơn ngoài cắt rau bán sỉ, cũng thường tự đi bán rau ở chợ huyện.

Nhờ có các giếng nước cổ nên khoảng 80 hộ dân xã Gio An phát triển được 8 ha rau liệt. “Mỗi vụ cho thu hoạch khoảng 500-600 triệu đồng/ha”, ông Nguyễn Đăng Diệu, Phó chủ tịch xã Gio An, thông tin.

Khoảng 2 năm trở lại đây, huyện Gio Linh bắt đầu xây dựng đề án thương hiệu rau liệt Gio An. “Người dân rất ủng hộ xây dựng thương hiệu cho rau, và chúng tôi đang tích cực đẩy nhanh tiến độ”, ông Diệu cho hay.

Rau liệt được cho là thực phẩm dễ tính khi dễ dàng chế biến với các loại thịt hay hải sản. Tùy vào khẩu vị, rau liệt được ăn sống, xào hoặc nấu canh, có vị ngọt giòn, hăng nhẹ.

Theo Theo VnExpress