Thượng tá Ngô Quý Thiệu, Trưởng Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an tỉnh Phú Thọ), cho biết: Về việc một số đối tượng lạ mặt chặt phá cây xanh, đưa máy ủi, máy xúc đào trộm hàng nghìn mét khối đất nằm trong quần thể Khu di tích Đền Hùng mà báo Tiền Phong phản ánh, chúng tôi đã cử lực lượng cán bộ công an xuống địa bàn, nhằm xác minh làm rõ những đơn vị, tập thể, cá nhân liên quan.
Theo ông Thiệu, chiều 7 - 3, công an đã triệu tập Nguyễn Văn Trung (người được cho là liên quan đến vụ đào đất ở đồi Cá Chuối) để phục vụ công tác điều tra.
Sau khi Tiền Phong đăng bài “xẻ thịt voi phục”, UBND tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các ban, ngành tiến hành kiểm tra thực địa. Quá trình kiểm tra thực địa tại khu di tích Đền Hùng (TP Việt Trì), cơ quan chức năng của tỉnh còn phát hiện nhiều căn nhà xây dựng không phép nằm trong khu vực này.
Chiều 7 - 3, bà Nguyễn Thị Kim Hải - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, cho biết: Hiện có khoảng 800 hộ dân sinh sống trong khu di tích Đền Hùng, thuộc vành đai một và vành đai hai, trong đó, 90 hộ sinh sống tại khu vực “Tam Sơn Cấm Địa”.
Tại khu vực này, hai hộ xây nhà không phép là gia đình ông Đào Văn Tình và ông Đào Văn Ân (ở khu 6, xã Hy Cương, Việt Trì, gần chân núi Nghĩa Lĩnh). Xác định đây là nơi cần bảo vệ, nghiêm cấm xây dựng mới nhà ở dân sinh, UBND tỉnh chỉ đạo các ban, ngành cưỡng chế 2 ngôi nhà không phép trên vào ngày 12 - 3.
Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, không chỉ gia đình ông Đào Văn Tình xây nhà không phép, mà nhiều nhà mới khác cũng được mọc lên tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.