Trẻ em cơ sở bảo trợ bị xâm hại, Bộ Lao động ra công điện 'khẩn'

TPO - Chiều 26/11, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã có công diện gửi lãnh đạo các địa phương khẩn trương tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Do thời gian gần đây hàng loạt vụ xâm hại, đặc biệt xâm hại tình dục trẻ em xảy ra đã khiến dư luận bức xúc.
Trung tâm Hỗ trợ xã hội TPHCM luôn “kín cổng cao tường” nên người dân xung quanh rất khó biết những gì đang diễn ra bên trong. ảnh: H.T

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá, thời gian qua tình hình trẻ em bị bạo lực, xâm hại, nhất là xâm hại tình dục tiếp tục diễn biến phức tạp, chiều hướng gia tăng. Đặc biệt, có nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng quyền trẻ em xảy ra trong cả gia đình, nhà trường, các cơ sở trợ giúp xã hội (nơi các em đáng ra phải được bảo vệ) và cộng đồng. 

Trong đó, nhiều đối tượng gây bạo lực, xâm hại trẻ em là người thân, người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em. Các vụ việc đã gây bức xúc trong dư luận xã hội, cần được quan tâm chỉ đạo giải quyết một cách triệt để, hiệu quả.

Do đó, ông Dung đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành trên cả nước chỉ đạo đưa các chỉ tiêu thực hiện quyền trẻ em vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách địa phương hàng năm và kế hoạch 5 năm. 

Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục đối với gia đình, người dân trong cộng đồng và trẻ em về chính sách, pháp luật liên quan đến quyền trẻ em. 

Đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường và toàn xã hội, nhất là người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong phòng ngừa và xử lý các mối nguy hiểm, hậu quả của các hành vi xâm hại trẻ em. 

Xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cơ sở để xảy ra tình trạng chậm trễ, thực hiện không đầy đủ trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, xâm hại, hoặc bao che vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Các địa phương cần tiến hành ngay việc giám sát, thanh kiểm tra toàn diện việc thực hiện quyền trẻ em của các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cơ sở trợ giúp xã hội, trẻ em trên địa bàn. Xử lý kịp thời, nghiêm minh tất cả vụ việc, đối tượng có vi bạo lực, xâm hại trẻ em.

Kịp thời chuyển hồ sơ vụ việc có dấu hiệu vi phạm hình sự tới các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

Mới đây nhất, dư luận đã phẫn nộ khi nhiều em gái tại Trung tâm hỗ trợ xã hội TPHCM tố bị 1 cán bộ trung tâm này có hành vi dâm ô các em. Thậm chí, vụ việc có dấu hiệu bao che, khi thông tin vụ việc được báo cáo lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH TPHCM, nhưng chậm xử lý. Khi báo chí phanh phui, nam cán bộ của trung tâm này đã bị khởi tố, bắt tạm giam, Sở LĐ-TB&XH Thành phố mới vào cuộc.