Tranh truyện Việt Nam: Bỏ ngỏ đến bao giờ?

TP - Thị trường tranh truyện đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam với sự góp mặt của… truyện tranh nước ngoài. Tranh truyện Việt Nam đang có nguy cơ mất thị trường ngay trên đất mình.

Tranh truyện Việt Nam đang bước vào giai đoạn quá độ, người đọc và người vẽ tranh truyện ngày càng tăng, nhất là trong lớp trẻ (thế hệ 8x, 9x). Từ năm 1992 tới nay, đã có hàng trăm bộ truyện tranh Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc được xuất bản tại Việt Nam. Những bộ sách này đã chiếm thị phần sách khá lớn. Nền truyện tranh nhỏ bé của chúng ta phải đối đầu với một nền công nghiệp tranh truyện lớn mạnh, đã từng chiếm lĩnh thị trường châu Âu.

Mua bản quyền nước ngoài: Vừa rẻ, vừa ít rủi ro

Ý tưởng chuyển tải các đề tài Lịch sử qua những trang tranh truyện, nhằm đưa kiến thức Lịch sử dân tộc đến gần hơn với các độc giả nhỏ tuổi được các Nhà Xuất bản luôn chú ý đầu tư. Nhưng, để có các bộ truyện tranh sử Việt đầy đủ và phong phú lại là chuyện không đơn giản mặc dù thị trường này tỏ ra rất tiềm năng.

Việt Nam chưa có những khảo sát chính xác về doanh thu của truyện tranh nói chung để biết được sức mạnh ngoài thị trường, chưa có nhiều điều tra xã hội học và nghiên cứu rộng rãi để biết được sức ảnh hưởng của nó. Ở các nước phát triển như Mỹ, Anh, Nhật, sách truyện tranh vẫn có đất sống mặc dù phải cạnh tranh với TV (annimation), internet (Webcomic) và điện thoại di động (mobile comic). Những nước như Ấn Độ, Trung Quốc gần đây đã xác định truyện tranh/hoạt hình là một ngành kinh tế mũi nhọn với một kế hoạch mang tính quốc gia – không chỉ nhắm đến thị trường trong nước mà còn có tham vọng xuất khẩu.

"Truyện tranh chủ yếu dành cho đối tượng thiếu nhi bởi các em thường tư duy cảm tính, tư duy trực quan. Thực tế cho thấy truyện tranh nếu không đẹp sẽ khó lưu hành", họa sĩ Lương Xuân Đoàn, nhận định. Ở Việt Nam, truyện tranh vẫn còn rất khiêm tốn do thị trường nhỏ, giá bán thấp. Vì thế, các nhà xuất bản có khuynh hướng mua bản quyền về rồi in – vừa rẻ và vừa ít rủi ro.

Hiện tượng, học trò quay lưng lại với môn Sử trong nhà trường, có lẽ phần nhiều là do sách giáo khoa hay phương pháp truyền đạt kém sinh động, thiếu lôi cuốn. Truyện tranh Lịch sử cũng vậy, nếu nội dung truyện kém hấp dẫn thì cũng kém độc giả, nhất là giới trẻ. Hiện nay những gì truyện tranh lịch sử Việt đang vấp phải đó là kịch bản chưa hấp dẫn, các cứ liệu lịch sử thiếu thốn, tư liệu lịch sử nghèo nàn. Một lý do nữa khiến cho khan hiếm các kịch bản Truyện tranh lịch sử là quan niệm viết kịch bản truyện tranh không danh giá, không có thu nhập bằng viết các thể loại khác.

Đẩy mạnh liên kết

Để sản xuất các tác phẩm truyện tranh nói chung và truyện tranh lịch sử nói riêng, cần phải có các nhóm họa sỹ làm việc ăn ý, nhịp nhàng và hiểu từng phần việc của mình. Tuy nhiên, việc liên kết nhóm để hoạt động đồng bộ là điều các họa sĩ Việt Nam đang rất thiếu vì “Cái tôi Nghệ sĩ” trong mỗi họa sỹ quá lớn. Trong khi đó, muốn chuyên nghiệp hóa, đẩy nhanh tốc độ sản xuất, muốn tăng được giá trị các sản phẩm thì bắt buộc phải xây dựng được các nhóm làm việc ăn ý, đồng tâm, đồng sức.

Các công ty tư nhân, trong đó có Phan Thị cũng thấy được sức lan tỏa mạnh mẽ của tranh truyện Lịch sử, nên họ cũng tập trung đầu tư vào mảng sách này. Thần đồng Đất Việt là bộ truyện tranh đắt khách của Công ty Phan Thị. Đó là loạt chuyện về cuộc đời của Lê Tí, một Trạng Nguyên của Đại Việt cùng với những người bạn thân của cậu là Sửu ẹo, Dần béo và Cả Mẹo. Bằng tài trí của mình, cậu nhiều phen làm bọn quan tham cũng như bọn sứ thần hống hách đến từ Trung Hoa bẽ mặt.

Truyện tranh mua bản quyền từ nước ngoài hiện đang chiếm lĩnh các nhà sách và sạp báo, nhưng truyện về lịch sử và danh nhân Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Những cách khai thác đề tài lịch sử gần gũi với độc giả nhỏ tuổi như vậy đã khiến tranh truyện lịch sử Việt Nam đang dần tìm tìm được chỗ đứng trên thị trường. Đó là Tranh truyện lịch sử Việt Nam, Hào khí đất phương Nam, Cậu bé rồng (NXB Kim Đồng); Lịch sử Việt Nam bằng tranh (NXB Trẻ); Một thuở nước non này (NXB Giáo Dục); Thần đồng đất Việt, Hoàng Sa – Trường Sa khẳng định chủ quyền (Cty Phan Thị)…

Từ giữa năm 2013, Công ty Sách Đông A cũng rục rịch chuẩn bị xuất bản truyện tranh về các danh nhân nước Việt. Được biết, NXB Trẻ, Công ty Phan Thị hay Đông A đang đầu tư thực hiện và xuất bản các bộ truyện tranh này. Bởi lẽ, truyện tranh mua bản quyền từ nước ngoài hiện đang chiếm lĩnh các nhà sách và sạp báo, nhưng truyện về lịch sử và danh nhân Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Các hướng liên kết xuất bản đã được mở rộng, mới đây Cty Phan Thị đã liên kết cùng Nhà xuất bản Kim Đồng làm bộ truyện tranh nhiều tập về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh, lấy tên “Bác Hồ sống mãi”. Đây là một thử thách rất lớn với các đơn vị làm sách, bởi đây là một đề tài khó và nhạy cảm.

Xã hội hóa truyện tranh lịch sử

Mới đây, họa sỹ Nguyễn Thành Phong, tác giả cuốn truyện tranh từng gây xôn xao dư luận “Sát thủ đầu mưng mủ”, đã kêu gọi đầu tư cho dự án hoàn thành bộ sách “Long Thần tướng” của mình qua mạng xã hội Facebook. Cho đến nay, số tiền đóng góp đã được 300 triệu đồng, phải chăng đây cũng là hướng đi xã hội hóa cho truyện tranh lịch sử?

Các nhóm họa sỹ truyện tranh đã được hình thành, tuy còn lẻ tẻ. Có thể kể ra các nhóm như: nhóm Cỏ 4 lá (TPHCM) do họa sỹ Hoàng Giang phụ trách chuyên nhận thể hiện cho các NXB, nhóm McKids đi theo hướng phát triển nhân vật để nhượng quyền. Họ chấp nhận đầu tư lâu dài từ kịch bản cho vẽ, in ấn, phát hành. Công ty Idea Production ra đời dựa vào số vốn tự đóng góp của các thành viên với slogan là "Vì một nền truyện tranh Việt Nam phát triển"…

Nhà xuất bản Kim Đồng- một Nhà Xuất bản hàng đầu về lĩnh vực làm sách cho thiếu nhi cũng đang đi theo hướng làm sách Lịch sử mới với hình thức truyện tranh comic và đẩy mạnh liên kết xuất bản. Một trong những bộ truyện tranh có thể xem là “hiện tượng” của manga kiểu Việt Nam đang được NXB Kim Đồng thử nghiệm là bộ tranh truyện Cậu bé rồng ra đời từ năm 2009 của hoạ sĩ Kim Khánh, hiện nay đã xuất bản đến tập thứ 103 (dự kiến lên đến 250 tập), mỗi tập 15.000 bản và liên tục tái bản.