Buổi sáng là vụ một chiếc ôtô Honda Civic đang bon theo hướng Thanh Xuân - Ngã Tư Sở bỗng “lãnh đủ” một thanh sắt từ công trường đường sắt đô thị (ĐSĐT) Cát Linh - Hà Đông rơi xuống, may mà sượt qua nên chỉ bị vỡ tay nắm cửa. Buổi chiều, một tai nạn nghiêm trọng hơn trên đường Cầu Giấy : Sập cần cẩu vào nhà dân từ công trường dự án ĐSĐT Nhổn - Ga Hà Nội làm 2 người đi xe máy ngã xuống đường, trong đó có một thai phụ đang mang thai phải nhập viện. Thân cẩu nặng cả chục tấn nằm chắn ngang đường khiến giao thông cả khu vực tê liệt hàng tiếng đồng hồ.
Trớ trêu thay, hai vụ tai nạn liên tiếp kể trên xảy ra vào đúng hôm lãnh đạo UBND TP Hà Nội đang họp rút kinh nghiệm về vụ thanh dầm thép nặng cả tấn của dự án đường sắt Metro Nhổn - Ga Hà Nội rơi xuống đường hôm 10/5. Trước đó, ngày 6/11/2014, sắt từ công trường ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông rơi xuống dòng người đang lưu thông trên đường Nguyễn Trãi làm một người thiệt mạng. Tiếp theo, ngày 28/12/2014, sập giàn giáo tuyến ĐSĐT Cát Linh - Hà Đông đè bẹp một taxi, tài xế và ba hành khách thoát chết trong gang tấc. Như vậy hàng loạt vụ tai nạn, trong đó có vụ chết người, đã liên tục xuất hiện tại thủ đô từ cuối năm ngoái
đến nay.
Hà Nội vốn dĩ đã “bức bí, ngột ngạt” vì “vỡ” quy hoạch. Cao ốc chọc trời liên tục mọc lên trên những khu đất trước kia là nhà máy, xí nghiệp phải di dời. Tiến độ di dời trường học, bệnh viện, trụ sở bộ ngành từ nội đô ra ngoại thành ì ạch suốt cả chục năm qua, thậm chí có trụ sở mới vẫn giữ luôn cả trụ sở cũ.
Nay thêm ẩn họa lơ lửng treo trên đầu mỗi khi ra đường, không ít người dân thủ đô nơm nớp lo sợ khi lưu thông trên các tuyến đường có các công trường ĐSĐT thi công. Dòng thác người ken đặc phía dưới, trên đầu họ là cần cẩu, dầm, sắt thép, vật liệu xây dựng, giàn giáo… có thể rơi xuống bất cứ lúc nào nếu các biện pháp an toàn lao động không được thực thi một cách nghiêm ngặt nhất.
Với hàng loạt vụ tai nạn “từ trên trời rơi xuống” giữa thủ đô, đã đến lúc cần có biện pháp khẩn cấp để chặn đứng hiểm họa khôn lường từ các công trường đang thi công trên đầu người dân. Vẫn biết thủ đô đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng, trong đó có giao thông, và đó là sự phát triển tất yếu.
Song thủ đô là bộ mặt của cả nước, tính mạng và sự an toàn của người dân và du khách là trên hết. Dư luận bức xúc đặt câu hỏi, cơ quan nào sẽ phải chịu trách nhiệm chính trong việc để xảy ra liên tiếp các vụ tai nạn lao động, với tần suất ngày một tăng trên đường phố thủ đô?