Trách nhiệm của ai

TP - Một con số khiến các nhà quản lý Việt Nam phải giật mình là, trong số hơn 63.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép mới (EPS), có tới hơn một vạn lao động hết hạn hợp đồng không chịu về nước, cố tình ở lại làm việc chui.
Trách nhiệm của ai

> Làm việc ở đâu nhiều tiền?
> Cơ hội cho lao động trở lại Hàn Quốc làm việc

Tỷ lệ lao động bất hợp pháp Việt Nam tại Hàn Quốc đã vượt ngưỡng 50%, cao nhất trong số 15 nước được đưa lao động vào nước này (tỷ lệ các nước chỉ ở mức 20%). Trước tình trạng đó, phía bạn đã hết kiên nhẫn và hậu quả là Hàn Quốc dừng Chương trình EPS đối với lao động Việt Nam.

Tại hội nghị hợp tác lao động Việt Nam - Hàn Quốc (tổ chức tại Hải Dương) mới đây, hai bên đã bàn bạc, mổ xẻ nguyên nhân. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tham dự đã thốt lên rằng, vấn nạn lao động Việt Nam bỏ trốn đang khiến bạn rất bức xúc.

Là vấn đề liên quan đến 63 tỉnh, thành phố Việt Nam và liên quan đến hầu hết các cơ quan chức năng hai nước. “Họ quản lý lao động 15 nước nhưng lao động ta lại bỏ trốn nhiều nhất. Chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm và phải làm rõ được động cơ vì sao lao động Việt Nam lại bỏ trốn nhiều thế” - Phó Thủ tướng nói.

Cũng tại hội nghị này, Phó Thủ tướng khẳng định, thực tế, không phải tất cả các tỉnh đều có tỷ lệ lao động bỏ trốn cao mà chỉ tập trung tại 12 tỉnh, thành phố.

Do đó, Bộ LĐ-TB&XH cần phải có biện pháp quyết liệt với những tỉnh, thành phố này, để lãnh đạo thấy rõ trách nhiệm với đất nước. Theo Phó Thủ tướng: “Ở đây, có khả năng qua môi giới mới làm được việc này. Chỗ này ta với bạn liệu có thống nhất được không”.

Thực tế, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH cũng đã tiến hành hàng loạt biện pháp nhưng kết quả thu được chưa cao. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, lao động Việt Nam vẫn tiếp tục bỏ trốn. Nhiều chuyên gia cho rằng, để ngăn chặn, cách duy nhất là phải điều chỉnh bằng chính sách, đánh mạnh vào kinh tế.

Có thể không bắt lao động thế chấp tiền trước khi đi, nhưng trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc, khi lao động gửi tiền về nước, có thể giữ lại một phần ở ngân hàng.

Ai về nước sẽ được trả lại khoản tiền cả gốc và lãi. “Chỉ cần giữ 15% tiền lương hằng tháng, chắc chắn không lao động nào bỏ trốn” - một vị chuyên gia đề xuất.

Còn về lâu dài, Bộ LĐ-TB&XH phải nhanh chóng có biện pháp để làm sao người lao động từ bỏ tâm lý tiểu nông, thủ công và ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Để họ thấy tự hào khi mang trên mình thương hiệu Việt. Giáo dục định hướng tốt để làm sao người lao động thấy rõ trách nhiệm với đất nước.

Để khi họ cố tình bỏ trốn ở lại làm chui, lương tâm họ bị cắn rứt, xấu hổ với bạn bè, người thân, gia đình. Họ bỏ trốn làm mất đi cơ hội sang Hàn Quốc làm việc của hàng vạn thanh niên khác và làm mất đi khoản ngoại tệ hơn 600 triệu USD gửi về hằng năm.

Theo Báo giấy