Chiều 3/8, UBND TPHCM tổ chức hội nghị phối hợp công tác giữa TPHCM và Bộ GTVT.
Suýt “thất thủ”
Giám đốc Sở GTVT TPHCM Bùi Xuân Cường cho hay, lượng hành khách qua sân bay TSN năm 2017 đạt hơn 35,8 triệu, tăng 10,3% so với năm 2016 và vượt 43,4% so với quy hoạch đến năm 2020 (25 triệu khách/năm). Trong 6 tháng đầu năm, lượng khách qua sân bay đạt gần 19,7 triệu người, tăng 7,9% so với năm 2017.
Trong khi đó, hệ thống giao thông kết nối khu vực sân bay chỉ có một lối ra vào nên vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đô thị với sân bay hết sức khó khăn. Sân bay bình quân mỗi ngày có khoảng 200.000 lượt hành khách ra vào, cần trên 6.500 lượt xe taxi và 1.000 lượt xe hợp đồng để trung chuyển khách. Hiện nay, tốc độ xe trung bình khu vực sân bay TSN giờ cao điểm sáng là 22,3km/h và cao điểm chiều là 20,3km/h.
Ông Cường kiến nghị Bộ GTVT phân bố giờ bay phù hợp để tránh quá tải vào các khung giờ cao điểm, đồng thời chấp thuận chủ trương cho TPHCM phối hợp các địa phương thí điểm tổ chức các tuyến xe buýt không trợ giá từ sân bay TSN đến các tỉnh Ðồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu (và ngược lại). Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Võ Huy Cường nói ngay: Từ tháng 7/2017, ngành hàng không đã nâng công suất khai thác của sân bay TSN lên 44 chuyến bay/giờ. Theo ông Võ Huy Cường, thủ tục nâng cấp sân bay TSN đang ở giai đoạn cuối cùng. Sau khi xây thêm nhà ga hành khách, mở rộng sân đỗ máy bay, TSN có thể khai thác 30 chuyến/giờ vào ban đêm.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết, trong số 34 điểm ùn tắc, khu vực sân bay TSN là mục tiêu trọng điểm nên ông đã trực tiếp chỉ đạo Sở GTVT tập trung tháo gỡ. “Vừa qua, tình trạng tụ tập đông người gây rối nếu kéo dài thêm 20 phút nữa thì TSN đã “thất thủ”. Rất may, lực lượng chức năng đã phản ứng kịp thời”, ông Phong cho hay.
Không bỏ Tân Sơn Nhất
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Ðông cho rằng, TPHCM cần rà soát lại quy hoạch kết nối về đường bộ, đường sắt giữa hai sân bay TSN và Long Thành. Theo ông Phong, nút giao An Phú (quận 2) đang là điểm nghẽn gây ùn tắc giao thông. Xe tải lớn từ cầu Phú Mỹ qua cảng Hiệp Phước, Cát Lái, ảnh hưởng đến cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây. Việc xây dựng nút giao này đang là yêu cầu rất cấp bách.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đồng tình: Sắp tới, sân bay Long Thành sẽ được triển khai xây dựng, chậm nhất là đến năm 2025 hoàn thành sân bay Long Thành (giai đoạn 1). Vì vậy, phải tính đến việc kết nối giữa hai sân bay này. “Chưa có sân bay Long Thành, cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây hiện nay đã quá tải”, ông Thể lưu ý.
Người đứng đầu ngành GTVT chỉ ra đô thị ngày càng mở rộng, hệ thống giao thông đô thị nếu vẫn duy trì như hiện nay thì sẽ trở thành điểm nghẽn lớn nhất. Khoảng 5-10 năm tới, TPHCM sẽ kẹt cứng.
“Tôi khẳng định sân bay TSN không bỏ. Nếu không nâng cấp, mở rộng, xây thêm nhà ga thì tình trạng quá tải càng nghiêm trọng hơn. TSN sẽ không còn hấp dẫn và khách sẽ chuyển sang sân bay Long Thành”, ông Thể nói. Bộ trưởng GTVT cho biết vừa qua đã làm việc với Thượng tướng Phan Văn Giang, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam. Thứ Hai tuần tới, Quân ủy Trung ương sẽ có ý kiến về quy hoạch mở rộng sân bay TSN.
“Sẽ làm nhà ga ở phía Nam diện tích khoảng 70 - 80 ha và khu hậu cần trên 100 ha ở phía Bắc sân bay TSN. Phải tính đến việc kết nối đường bộ, đường sắt, đường hàng không… để sân bay TSN đảm bảo khả năng cạnh tranh với sân bay Long Thành”, ông Thể cho biết.
“Bộ GTVT sẽ xem xét, kết nối sân bay TSN và sân bay Long Thành bằng đường bộ, đường sắt nhẹ…”.
Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể
Nhiều hãng bay phải xếp hàng chờ giải quyết
Hiện nay, một đường cất hạ cánh của sân bay TSN đang xuống cấp, cần phải bảo trì. Nếu khai thác một đường băng, công suất tối đa của sân bay chỉ đạt 32 chuyến bay/giờ. “Vừa qua, có 20 hãng bay đã đăng ký mở đường bay và đang chờ giải quyết vì giờ bay đã kín”, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Võ Huy Cường nói.