TPHCM có thể cấm xe máy từ 2030

TP - Để đạt mục tiêu hạn chế và kiểm soát phương tiện cá nhân từ năm 2030, TPHCM cần có giải pháp đồng bộ, lộ trình rõ ràng để xây dựng và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng đi sâu vào các hẻm nhỏ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
TPHCM cần lộ trình cụ thể để có thể cấm xe máy từ năm 2030.

Cấm xe máy khi đủ phương tiện thay thế

Ngày 14/7, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) trình bày với Sở GTVT TPHCM đề án tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM. Trong đề án, phương tiện cá nhân được phân làm hai loại gồm vận tải người và chở hàng. Trong đó, ngoài xe máy, ô tô con thì xe công vụ, xe ba gác, xe tải… cũng sẽ bị hạn chế lưu thông vào trung tâm thành phố từ 2030.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, hiện nay TPHCM đang mất cân đối giữa phát triển giao thông cá nhân với kết cấu hạ tầng giao thông. Theo tính toán, nếu toàn bộ xe đậu trên mặt đường chiếm 37% diện tích mặt đường đô thị; 60% phương tiện lưu thông với vận tốc bình quân 18 – 20km/h trên đường thì diện tích mặt đường đô thị toàn thành phố vượt năng lực khoảng 1,2 lần. Riêng các quận trung tâm tỉ lệ sẽ tăng từ 1,8 – 2 lần năng lực của hệ thống hạ tầng giao thông đô thị thành phố.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng bùng nổ  phương tiện cá nhân theo Viện này là do hệ thống vận tải hành khách công cộng kém phát triển. Bên cạnh đó, tình hình ùn tắc giao thông diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế - xã hội. “Tình hình ô nhiễm môi trường không khí do các hoạt động giao thông gây ra đang ở mức báo động. Vì vậy, cần tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TPHCM là cần thiết”- đề án nêu.

Theo Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, để hạn chế phương tiện cá nhân và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, TPHCM cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như: tăng cường phát triển xe buýt, xe buýt nhanh, đường sắt đô thị, xe đạp công cộng… Kiểm soát xe cá nhân lưu hành theo biển số chẵn - lẻ (theo ngày và theo giờ), hạn chế dừng đỗ, hạn chế và cấp phép cho xe đi vào nội đô, giới hạn đăng ký xe ở từng quận - huyện, kiểm soát chặt xe công loại nhỏ lưu thông trên đường phố. Đồng thời, thực hiện thu phí chống ùn tắc, đấu giá biển số, đặc biệt là đăng ký, bán đấu giá biển số xe taxi.

Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng từ nay đến năm 2030, TPHCM không cấm xe máy mà chỉ nghiên cứu cũng như thực hiện các biện pháp để kiểm soát việc sử dụng loại phương tiện này cùng các phương tiện giao thông cá nhân khác. “Chỉ khi nào chứng minh được có đủ phương tiện giao thông công cộng cho người dân đi lại thì TPHCM mới tính đến việc cấm xe máy” – ông Cường nói.

Xe buýt là chủ lực

Phản biện và đóng góp ý kiến cho đề án này, nhiều chuyên gia, nhà khoa học cho rằng, để hạn chế xe cá nhân thì TPHCM phải có lộ trình. Ngoài ra, TPHCM cần tập trung phát triển hệ thống giao thông công cộng đi vào từng ngõ ngách. Phải tính toán khi cấm xe máy thì người dân đi bằng gì bởi đặc thù TPHCM có rất nhiều hẻm nhỏ dài, nhu cầu sử dụng xe máy để làm ăn của người dân rất lớn.

TS Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế- đô thị cho rằng, TPHCM phải xem xe buýt là loại hình giao thông công cộng chiến lược và chủ lực từ nay đến năm 2030, từ đó có chính sách đầu tư và phát triển. “Nhiều năm qua tôi đã tham gia tranh luận trên mạng xã hội về vấn đề giao thông đô thị và xe máy. Khi Hà Nội thông qua đề án cấm xe máy, mạng xã hội tranh luận rất nhiều, có nhiều ý kiến đồng tình nhưng cũng nhiều ý kiến phản đối. Trong đó, vấn đề nhiều người quan tâm nhất là nếu cấm xe máy thì dân đi bằng gì?” – TS Nam nhấn mạnh.

Để hạn chế xe máy, ông Nam cho rằng, TPHCM cần phải mang lại cho người dân hệ thống giao thông công cộng hiện đại, an toàn văn minh và rẻ hơn xe máy. Đồng thời cần phải có lộ trình và chiến lược cụ thể để phát triển xe buýt cũng như nghiên cứu thay đổi giờ học, giờ làm việc. Bên cạnh đó, cấm xe máy phải gắn liền với cải tạo đô thị, dần dần tiến tới xóa bỏ nhà phố, xây dựng đô thị cao tầng. Nên hạn chế phương tiện cá nhân theo vành đai hạ tầng, áp dụng tại các quận trung tâm trước.

Còn theo TS Trần Anh Tuấn, giảng viên Đại học Việt Đức, TPHCM cần phải phân tích từng chi tiết trong bức tranh toàn cảnh về giao thông công cộng để xây dựng một kịch bản khả thi nhất đến năm 2030. Về lâu dài thì cần đầu tư hệ thống vận tải hành khách công cộng số lượng lớn như đường sắt đô thị. Nếu tính phương án thu phí thì cần quy định cụ thể về việc thu phí phương tiện vào trung tâm thì thu bao nhiêu, thu xe gì, thu như thế nào… Với riêng loại hình Uber, Grab, TS Tuấn cho rằng, đây là đối tượng vận tải hành khách công cộng, không nên cấm mà có biện pháp quản lý. “Thay vì 10 nhà với mỗi nhà 1 ô tô, giờ không cần mua mà có thể đi Uber, Grab nên cần phát triển hợp lý loại hình này. Tuy nhiên, không nên phát triển ồ ạt mà phải phân tích tác động ngắn hạn và dài hạn”, TS Tuấn phân tích.

PGS.TS Phạm Xuân Mai, giảng viên Đại học Bách khoa TPHCM cũng cho rằng, TPHCM muốn có hệ thống xe buýt bao phủ thì cần 21.000 chiếc xe buýt cả lớn và nhỏ. Có xe buýt nhỏ trung chuyển hành khách ra các tuyến xe buýt lớn và giao thông công cộng vì TPHCM có nhiều tuyến hẻm nhỏ. Hơn nữa, nhất thiết phải xây dựng giải pháp tổ chức quản lý chính quyền giao thông đô thị. “Rất nhiều người dân sử dụng xe máy để làm ăn. Nếu cấm thì phải tính phương án dân đi bằng gì, nên có xe buýt nhỏ chỗ để trung chuyển hành khách. Xe tải nhỏ loại 500kg được di chuyển trong thành phố cả ngày lẫn đêm để người dân mưu sinh”, ông Mai nói.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TPHCM, xe buýt vốn đang được xem là một trong những loại hình chủ lực của thành phố cho đến khi có những tuyến vận tải hành khách khối lượng lớn như metro, xe buýt sẽ dần được chuyển đổi từ chủ lực qua trung gian để chuyên chở hành khách đến các tuyến metro. “Trước mắt, Sở GTVT sẽ phối hợp Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải, UBND các địa phương khảo sát để nắm bắt nhu cầu, thói quen đi lại cũng như quan điểm về các chính sách quản lý giao thông để tiếp tục xây dựng đề án kiểm soát xe cá nhân. Dự kiến trong tháng 7/2017 sẽ phát khoảng 30.000 phiếu khảo sát đến từng hộ gia đình” – ông Cường cho biết.

“Phần lớn người dân thành phố sử dụng xe máy để làm ăn. Vì vậy, vấn đề quan trọng nhất là cấm xe máy thì người dân đi bằng gì? Hệ thống giao thông công cộng phải phục vụ người dân đến từng con hẻm nhỏ”.

PGS.TS Phạm Xuân Mai