Tổng thống Mỹ và Pháp sẽ gặp nhau bên lề G20 để giải quyết mâu thuẫn về AUKUS

TPO - Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng ông hy vọng sẽ giải quyết được khúc mắc với người đồng cấp Mỹ Joe Biden khi hai người gặp nhau tại Rome (Ý) vào cuối tháng 10.
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp thượng đỉnh của G7 tại Anh hồi tháng 6. (Ảnh: Reuters)

Cuộc gặp mang tính hoà giải bên lề thượng đỉnh G20 (diễn ra từ ngày 30-31/10) tiếp nối cuộc điện đàm giữa hai nhà lãnh đạo vào tháng trước, được kỳ vọng có thể chấm dứt đợt căng thẳng giữa hai nước sau khi Mỹ bí mật đàm phán thoả thuận quân sự mang tên AUKUS với Úc và Anh.

“Chúng ta cần nhìn nhận một cách sáng suốt về quyết định của các đồng minh. Có những lựa chọn được đưa ra và tôi không thể nói rằng Pháp và châu Âu được nghĩ đến, nhưng chúng tôi có lịch sử lớn hơn nhiều”, ông Macron nói khi vừa đến dự cuộc họp thượng đỉnh của các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) tại Slovenia.

Việc Úc quyết định tham gia AUKUS và huỷ thoả thuận tàu ngầm với Pháp từ tháng 9 để chọn tàu công nghệ Mỹ đã khiến Paris nổi giận. Ông Macron khi đó nói rằng đây là dấu hiệu cho thấy EU cần tự hành động nhiều hơn, nhất là trong các cuộc khủng hoảng ở biên giới của khối.

EU cũng đã đề ra chiến lược riêng để tăng cường hiện diện ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Cách EU ứng xử với Trung Quốc và Mỹ là vấn đề trọng tâm của các lãnh đạo EU tại thượng đỉnh lần này.

“Chúng ta đã thấy những điều xảy ra ở Afghanistan, ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ở Trung Quốc”, ông Charles Michel, chủ tịch hội nghị thượng đỉnh nói về chiến lược của Mỹ khiến các ưu tiên của EU bị suy giảm. Ông nói rằng EU cần thể hiện “trí tuệ tập thể” để định hình phản ứng của châu Âu.

Nhiều người ở châu Âu coi việc Mỹ đột ngột rút quân khỏi Afghanistan, mà trong đó nhiều nước đồng minh cảm thấy bị phớt lờ, là dấu hiệu cảnh báo Washington dưới thời chính quyền Biden đang đặt lợi ích đối ngoại của mình lên trên hết.

Tuy nhiên, EU vẫn muốn trở thành một đồng minh hữu ích của Washington.

Là khối thương mại lớn nhất thế giới, EU thể hiện sức mạnh rất lớn trong việc đề ra những quy tắc nhằm định hình chính sách có tác động vượt ra ngoài biên giới, nhưng khối này liên tục thất bại trong hoạch định chính sách chung về quân sự và đối ngoại, khiến tầm ảnh hưởng của liên minh suy giảm.

Điều đó đặc biệt đúng trong quan hệ với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của EU nhưng cũng bị Brussels coi là đối thủ cạnh tranh, trong bối cảnh Bắc Kinh đang tìm cách làm mất lợi thế công nghệ của phương Tây.

Theo Reuters