Tôi Việt hóa “Người phán xử”

TPO - Người Do Thái có câu: “Lúc nào vô công rồi nghề thì người ta sẽ làm những việc long trời lở đất”. Tôi tắc ruột nằm nhà, bất mãn đến long lở mỡ thừa, quyết định làm cái việc kỳ quặc là biến một câu chuyện của người Do Thái thành chuyện của người Việt.
Biên kịch Nguyễn Trung Dũng.

Cuối tháng 3 đầu tháng 4/2015, biên tập viên Thục Uyên của VFC (Trung tâm Sản xuất Phim truyền hình Việt Nam) qua thăm tôi, cóp cho mấy chục tập phim Người phán xử (The Arbitrator/ Ha-Borer) của Israel, bảo khi nào ruột thông rảnh việc thì xem. Xem Mùa 1 mất hết dăm hôm thấy người vẫn oải quá, tôi liền lôi phần thoại phim đã được chuyển ngữ, đọc như đọc tiểu thuyết để biên lời nhận định: Việt hóa phim này là tình nguyện gặm gân gà.

Ngay từ cuộc phán xử đầu tiên: “Chúng giết anh trai tôi. Và vì cái gì cơ chứ? Món nợ 150 ngàn đô la ư?”, “Tôi không cố ý. Tôi trói ông ta vào cây và lái xe đến gần rồi chân bị trượt khỏi côn. Tôi đã chôn ông ấy, còn đọc cả kinh cầu nguyện”, “Kinh Torah có câu: Người mua trâu không trả được sẽ phải thành nô lệ cho chủ nợ, nếu ai đó không trả nợ đôi lúc anh phải đập vỡ đầu gối của hắn. Giờ hãy bắt tay nhau, chuyện xấu giữa hai bên đã hết rồi”... đã chẳng nhìn thấy chút Việt Nam nào.

Dân Israel quen sống giữa phân tranh lãnh địa nên luôn giữ lời hứa trong túi và niềm tin trên đầu. Họ đã tạo ra thứ phim ảnh quái quỷ gì mà đến đúng cao trào đòi súng đạn lại buông câu: “Chính anh đã hứa. Tôi có ép buộc anh đâu? Giờ là vấn đề giữa anh, lương tâm của anh và Chúa” rồi xong, ai về nhà nấy. Bệ nguyên về nhà mình chắc chắn người ta sẽ mắng cho to mặt. Trong thời buổi hợp đồng kinh tế mực xanh dấu đỏ còn bị quỵt nợ ầm ầm nữa là lời hứa. Bởi vậy vào việc tôi quán triệt luôn, đã Việt thì Việt tất, không dở ông dở thằng.

Việt hóa trước là tên tuổi, lời ăn tiếng nói. Khải “Sở Khanh”, Thế “chột”, Hải “khùng”, Hùng “cá rô”. Thôi thì giang hồ Nam Bắc nhào làm một cho hay. Ngôn từ cứ “mày tao chi tớ”, vần vè, “chém, xõa, vãi” cho nó sinh động. Nhân đà hăng hái định làm mới nguyên đường dây tuyến truyện thì lập tức bị đạo diễn Đỗ Thanh Hải chấn chỉnh: đừng thay cái hay của người ta bằng cái dở của mình.

Nhân nói về tên, có anh bạn thắc mắc lý do đặt tay phụ tá của Người phán xử là Lương Bổng. Theo như bản gốc, ông ta mang biệt danh Bulldog – chó bun hoặc chó bò – trung thành và đặc biệt đáng tin cậy. Tôi trả lời, có phần phiến diện, doanh nghiệp nào bây giờ muốn giữ công thần cũng đều phải nhờ vào lương lậu và bổng lộc hết. Trùm Phan Quân chẳng luôn tự nhận mình doanh nhân đó sao?

Kể ra lúc biết nghệ sĩ Trung Anh vào vai Lương Bổng tôi thật sự ngạc nhiên bởi vì Bulldog trọc đầu, từ ngoại hình đến phong cách, đúng hệt chú chó bun lực lưỡng dũng mãnh – mong “bác” diễn viên Tây không phiền khi được (bị) so sánh như vậy. Phim lên sóng rồi mới gật gù thừa nhận đạo diễn có lý. Anh Trung Anh diễn mà như không diễn, thoải mái biến “ngài lương lậu bổng lộc” dữ dằn kia ra người nhẹ nhàng như chính anh. Có điều, con người này bình thường vẫn “vô hình” sau lưng Người phán xử nhưng hễ bước lên phía trước là y rằng khiến đối thủ phải giật bắn mình, bất giác sờ tay vào ví tiền… tôi nhầm… bao đựng súng.

Việt hóa đến khâu nhân vật. Cánh già trong phim kiểu Phan Quân (Baruch Asulin), Lương Bổng hay Thế "chột" (Natzi Igal “phát xít”) tương đối sát nguyên mẫu ngoài chuyện đã bớt đô con và đã thêm ít nhiều cái tháo vát của người Việt. Tham vọng "câu" khách của tôi đặt vào Phan Hải, Người phán xử đời thứ hai. Gã này tương ứng với Avi Asulin (con cả của Baruch trong bản gốc), xa hơn nữa là mô phỏng của “Sonny” Corleone (tác phẩm kinh điển Bố già / The Godfather) nhưng được khai thác theo hướng “đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm” – câu cửa miệng của giới trẻ. Hải “thái tử” con ông cháu cha, nhà có điều kiện nên thiệt thòi từ nhỏ vì cái gì cũng bị người khác giành làm hộ hết, kể cả việc nghĩ ngợi. Vẫn nói kiểu giới trẻ thì tôi cực đoan hóa gã thành “thánh phá game”. Có lẽ sau này đọc kịch bản xong, diễn viên Việt Anh thấy vẫn chưa đủ “ngáo” còn ra sức tô đen khiến khiến khán giả nhìn mặt là muốn cười. Lỗi tại ai đó không chịu báo trước với tôi rằng Việt Anh có khiếu diễn hài đến thế.

Bản gốc Ha-Borer được biên kịch và đạo diễn đã mượn đề tài tội phạm để truyền tải thông điệp về triết lý và tôn giáo. Ông trùm Baruch Asulin còn kiêm trưởng hội Do Thái giáo, sẵn sàng đoạn tuyệt với nguồn lợi ma túy đem lại để làm một người Do Thái yêu nước. Lúc biên được chừng nửa kịch bản, tôi cũng đặt câu hỏi: vậy những cuộc phán xử của trùm Phan Quân sẽ mang ý nghĩa gì? Có lẽ chỉ là ranh giới tốt xấu mong manh. Nghệ thuật mang tính đa chiều, thiện ác còn tùy góc nhìn.

Hoàn thành phần kịch bản của mình (tôi chỉ Việt hóa 25 tập đầu) dù tiết chế khá nhiều bạo lực và sex so với bản gốc, tôi vẫn hoang mang liệu phim có được chiếu hay không? Liền lò dò đi gặp vài nhà báo cựu trào – đề nghị không nêu tên – để hỏi về vụ Năm Cam. Ảnh hưởng xã hội tại địa phương của Năm Cam khá tương đồng với Phan Quân. Bản thân hai con người, một phim một thực, cũng có nhiều điểm tương đồng. Câu trả lời chung của các bậc tiền bối dành cho tôi: đã viết về tội phạm, cái không được thiếu nhất là dũng khí. Bởi các vị chưa biết tôi tên Dũng nhưng thấy con chó fox to bằng nắm tay cũng sợ.

Dù sao phim đã được chiếu và được đón nhận nồng nhiệt. Đợt rồi nghe dư luận ì xèo chuyện lộ kết, quay mới, thấy rõ người xem quan tâm đến số phận của ông trùm như thế nào. Anh bạn hiếu kỳ nói trên lại thắc mắc. Đành mang tục ngữ Do Thái mới học được ra nói: Nếu cuộc sống không dần dần tốt lên, thì nó sẽ kém đi. Thời trai trẻ ăn cơm giang hồ, đến khi về già phải trả nợ giang hồ bằng nước mắt và máu là chuyện khó tránh khỏi.