Toàn bộ tàu sân bay Mỹ nguy cơ vắng bóng trên biển

Việc thiếu tàu sân bay để duy trì sự hiện diện liên tục tại các điểm nóng có thể đe dọa đến khả năng răn đe và chiến lược xoay trục sang châu Á của Mỹ.
Một chiếc tàu sân bay Mỹ đang chạy thử trên biển. Ảnh: National Interest

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hôm 3/11, Phó Đô đốc John Aquilo, phụ trách Bộ Tư lệnh Trung tâm hải quân Mỹ, thú nhận rằng trong những năm sắp tới, Mỹ có thể đối mặt với nguy cơ không có bất cứ tàu sân bay nào hiện diện ở các khu vực quan trọng chiến lược như Trung Đông và Đông Á, theo National Interest.

Đây là lần đầu tiên một quan chức hải quân Mỹ công khai thừa nhận nguy cơ tàu sân bay Mỹ không có khả năng duy trì sự hiện diện liên tục ở cả khu vực Trung Đông và Đông Á.

Cũng trong phiên điều trần, Chuẩn Đô đốc Tom Moore, giám đốc chương trình tàu sân bay Mỹ, cho biết, hải quân Mỹ đã vất vả điều hành 10 tàu sân bay kể từ khi tàu sân bay USS Enterprise ngừng hoạt động từ tháng 12/2012 và hiện đang trong giai đoạn bảo trì. Trong số 10 tàu sân bay hiện có, một nửa hạm đội đang phải neo đậu để sửa chữa và 5 tàu khác đang gần như hoạt động hết công suất để đáp ứng yêu cầu tác chiến.

Theo đó, tàu USS Abraham Lincoln hiện đang trong quá trình đại tu và tiếp nhiên liệu, USS George Washington dự kiến sẽ bắt đầu quá trình tương tự vào năm 2017, USS Nimitz chỉ còn vận hành trong 14 tháng, USS George H.W. Bush còn 8 tháng trong khi USS Carl Vinson chỉ còn 6 tháng vận hành.

Để duy trì sự hiện diện liên tục của tàu sân bay tại các khu vực chiến lược, hải quân Mỹ cần ba tàu sân bay để hỗ trợ cho việc triển khai một tàu: một sẵn sàng triển khai ở cảng nhà, một tàu đã triển khai và một tàu trở về nước.

Năm sau, hải quân Mỹ sẽ có trong tay 11 tàu sân bay khi tiếp nhận tàu USS Gerald R. Ford vào biên chế, nhưng tình hình căng thẳng hiện tại sẽ không mấy cải thiện vì mãi tới năm 2021 tàu này mới sẵn sàng cho việc triển khai.

"Những khoảng trống mà tàu sân bay để lại đe dọa hủy hoại khả năng kiềm chế xung đột và đối phó các cuộc khủng hoảng của Mỹ", Randy Forbes, chủ tịch tiểu ban Hải lực và triển khai lực lượng thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ nói trong phiên điều trần hôm 3/11.

"Các tổng thống Mỹ trong 70 năm qua đã hỏi tàu sân bay của chúng ta ở đâu trong thời điểm nổ ra khủng hoảng. Và các đời tổng thống sắp tới của chúng ta cũng sẽ đặt câu hỏi tương tự, có lẽ chúng ta sẽ chỉ biết im lặng", ông Forbes nói.

Cuộc khủng hoảng tàu sân bay là thất bại của Mỹ trong chính sách duy trì sự hiện diện liên tục của ít nhất một tàu sân bay ở các điểm nóng trên thế giới. Tại khu vực Trung Đông, tàu USS Theodore Roosevelt đã rời khỏi Vịnh Ba Tư đầu tháng trước và tàu USS Hary S.Truman dự kiến mùa đông này mới đến nơi.

Theo ông Moore, đây là hậu quả của việc Mỹ thực hiện chính sách duy trì 10 tàu sân bay thay vì 12 chiếc như đề xuất của hải quân, buộc hải quân phải vận hành chúng với cường độ cao hơn thiết kế.

"Tàu Dwight D.Eisenhower phải hoạt động liên tục suốt 24 tháng, trong khi thời gian vận hành dự kiến của nó chỉ 14 tháng. Từ năm 2008 đến nay nó đã được triển khai thực hiện nhiệm vụ 4 lần nhưng chỉ được bảo dưỡng đúng một lần. Cường độ vận hành quá cao so với thiết kế khiến thời gian bảo trì cũng gấp hơn. Không có gì ngạc nhiên nếu có những hậu quả theo sau", ông Moore cảnh báo.

Giải pháp ứng phó

Hồi tháng 7, nghị sĩ Mike Conaway đã đề xuất một dự luật yêu cầu hải quân Mỹ duy trì hạm đội tàu sân bay 12 chiếc khi tàu sân bay mới USS F. Kennedy được biên chế vào năm 2023.

"Các đối thủ của chúng ta đe dọa quyền tự do hàng hải và hoài nghi về khả năng của quân đội Mỹ. Giờ là lúc chứng tỏ sức mạnh và sự quyết tâm với cộng đồng quốc tế bằng việc tăng số lượng tàu sân bay để hải quân Mỹ có thể thực hiện những cam kết cả ở trong nước và nước ngoài", ông Conaway nói.

Theo chuyên gia phân tích quốc phòng Tyler Rogoway của Foxtrolalpha, cuộc khủng hoảng "khoảng trống tàu sân bay" sẽ khiến hải quân Mỹ chú trọng hơn tới những chiếc tàu sân bay nhỏ hơn, có chi phí chế tạo và vận hành ít hơn.

Các tàu sân bay Mỹ hiện nay đều có kích cỡ siêu lớn, trong khi các phi đội chiến đấu cơ trên tàu sân bay ngày càng bị thu hẹp lại trong hai thập kỷ qua. Trong thời Chiến tranh Lạnh, có gần 90 chiến đấu cơ trên một tàu sân bay lớp Nimitz, còn hiện nay số máy bay trên mỗi tàu chỉ còn 60-65 chiếc.

Rogoway cho rằng việc vận hành một siêu tàu sân bay có chi phí đóng khoảng 12 tỷ USD để chứa ngần này chiến đấu cơ là quá lãng phí, trong khi vai trò đó hoàn toàn có thể được đảm đương bởi các tàu sân bay nhỏ hơn, với chi phí ít tốn kém hơn.

Thay vì đóng mới một siêu tàu sân bay lớp Ford, hải quân Mỹ có thể mua hai tàu sân bay lớp Queen Elizabeth. Nếu thay thế tất cả siêu tàu sân bay khác bằng tàu sân bay lớp Queen Elizabeth cải tiến, hải quân Mỹ có thể gia tăng đáng kể tính linh hoạt của lực lượng tàu sân bay.

Sử dụng những tàu sân bay nhỏ hơn như Queen Elizabeth có thể giúp hải quân Mỹ vượt qua cuộc khủng hoảng tàu sân bay. Ảnh: Realitymod

Với số lượng nhiều hơn các tàu sân bay kích thước nhỏ, các chỉ huy hải quân Mỹ có thể kết hợp tốt hơn các nguồn lực sẵn có với các nhiệm vụ trong quyền hạn của mình tốt hơn. Chẳng hạn, Mỹ không cần một siêu tàu sân bay cho những việc đơn giản như tăng cường sự hiện diện trong một khu vực, hỗ trợ cho các nhiệm vụ tác chiến cường độ thấp, huấn luyện phi hành đoàn, hay thực hiện các chuyến đi thiện chí.

Thực tế, các tàu sân bay nhỏ hơn sẽ thực hiện mọi nhiệm vụ mà một siêu tàu sân bay có thể làm dù tỷ lệ số lần xuất kích bị giảm sút. Đối với các nhiệm vụ cần khả năng của một siêu tàu sân bay, hai tàu sân bay nhỏ hơn triển khai cùng một nơi hoàn toàn có thể gánh vác được.

Trong bối cảnh hải quân Mỹ phải triển khai cùng lúc ở nhiều nơi hơn bao giờ hết, việc tăng cường lực lượng tàu sân bay là cần thiết để đáp ứng các yêu cầu nhiệm vụ của tương lai. Điều này đặc biệt đúng khi Mỹ đang muốn "xoay trục sang Thái Bình Dương" và phải đương đầu với chiến lược chống tiếp cận/chống xâm nhập khu vực của Trung Quốc, nơi nhiều tàu sân bay nhỏ sẽ hữu ích hơn vài siêu tàu sân bay, Rogoway nhấn mạnh.

Theo Theo Vnexpress