Gia đình TPO
Khi chúng tôi học những năm cuối cùng tại Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng là lúc Tiền Phong online ra đời và chập chững bước vào làng báo. Lúc ấy ở Việt Nam (2005 - 2008), cùng với truyền hình, báo in vẫn đóng “ngôi vương” trong làng báo.
Khi chúng tôi gia nhập ngôi nhà ấy đã là thế hệ cộng tác viên thứ hai (thế hệ thứ nhất có Káp Thành Long, Tuấn Đức..). Khó có thể tả hết những cảm xúc bồi hồi khi nhớ lại giai đoạn đẹp đẽ ấy. Tôi cùng với Phạm Minh Thuỳ, Hải Yến, Linh Nga và nhiều cộng tác viên khác đang là sinh viên tại các trường đào tạo báo chí ở Hà Nội đã được làm việc ở toà soạn như một phóng viên thực thụ. Ban ngày đi chạy tin, viết bài, biên tập bài cho online; ban đêm thức đẩy bài báo giấy. Tòa soạn trở thành nhà theo đúng nghĩa đen bởi nhiều hôm xong việc đã 2 giờ sáng, chúng tôi ngủ luôn tại đó.
Trong “hành trang” gia nhập ngôi nhà online của cộng tác viên TPO lúc ấy có một thứ không thể thiếu đó là chiếc chiếu đơn và tấm chăn mỏng. Những cộng tác viên như chúng tôi sẵn sàng lao ra khỏi nhà lúc nửa đêm chỉ để đưa tin một đám cháy, một vụ án mạng hay một sự cố nào đó, một cách say mê, yêu nghề như một phóng viên tâm huyết với đề tài điều tra đang theo đuổi.
Dĩ nhiên là khi xong tin ảnh đẩy lên CMS cũng là lúc thời gian cho giấc ngủ chẳng còn là bao. Thế nên, với nhiều cộng tác viên TPO lúc ấy, toà soạn còn thân thiết hơn nhà bởi tần suất ngủ ở nhà ít hơn ở toà soạn.
Sự gắn bó của đám cộng tác viên chúng tôi với TPO không chỉ bởi đặc thù công việc. Điều quan trọng hơn chính là cái không khí của môi trường làm việc mà chúng tôi được hoà mình vào.
Về nguyên tắc, các anh chị phóng viên, biên tập viên là thành phần “cứng” của toà soạn, có lương, có chỗ ngồi. Ấy thế nhưng hễ cộng tác viên nào được tuyển vào TPO và làm được việc, toà soạn cũng đều phân chỗ ngồi và máy tính. Hàng ngày, trong các cuộc họp của TPO, cộng tác viên tham gia như phóng viên, được giao đề tài, được phân công công việc.
Các anh chị phóng viên, biên tập viên ở TPO gần như không có sự phân biệt đồng nghiệp là cộng tác viên hay phóng viên. Chúng tôi vẫn nhớ như in những lần cả toà soạn kéo nhau đi ăn trưa, rầm rộ như một đoàn đi ăn cỗ cưới. Trong “đoàn quân” ấy, cộng tác viên còn nhiều hơn cả phóng viên. Cuối tuần, cả những người có ca trực hay không đều kéo lên toà soạn rồi đi ăn uống, hát hò. Rồi cả những chuyến dã ngoại ngoại thành. Đi đâu, TPO cũng gần như đông đủ các thành viên.
Mỗi lần có đề tài “dễ thở”, nhất là khi định mức của các anh chị đã đủ, câu cửa miệng của chị Lan Anh, chị Hiếu Thảo, anh Phạm Tuyên, anh Mai Xuân Cường hay chị Mai Hoa là “dành cho cộng tác viên vì chúng nó không có lương”.
Không chỉ nhường đề tài, chúng tôi còn được các anh chị chỉ bảo tận tình trong cách khai thác thông tin, cách triển khai bài viết, chia sẻ mối quan hệ với các chuyên gia để phỏng vấn…
Anh Ngọc Nam, lúc ấy là Phó tổng biên tập phụ trách Online, thường tổ chức các buổi trao đổi chuyên môn vào cuối tuần hoặc đầu giờ sáng thứ Năm. Mỗi tuần một chuyên đề, các anh chị phóng viên luôn nhiệt tình chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với cánh “phóng viên mầm” chúng tôi. Nhiều kiến thức tôi đang giảng dạy cho sinh viên hiện nay chính là kiến thức học được từ thời làm việc ở TPO.
Thời gian thấm thoắt dẫn mỗi người tìm một nẻo phát triển cho riêng mình. Nhiều người rời Tiền Phong, trở thành phóng viên chủ chốt của các tờ báo lớn. Người ở lại thì cũng là lực lượng chính của Tiền Phong giấy. Mỗi dịp gặp, chúng tôi vẫn nhắc nhau về giai đoạn ban đầu của gia đình TPO ấy như một sự biết ơn. Bởi nó đã hun đúc nên bản lĩnh, kinh nghiệm của chúng tôi hiện nay.
Sự ra đời của “tổ Video”
Tôi được anh Ngọc Nam “dụ” về cộng tác với TPO lúc đang làm cộng tác viên có lương ở VTV2. Anh Nam chia sẻ thẳng thắn ngay từ đầu về ý định phát triển mảng video ở TPO nên cần người biết về truyền hình. Tôi đang làm ở VTV, dĩ nhiên là một điểm cộng để anh lựa chọn.
Việc đầu tiên khi tôi về TPO là được giao làm một tờ trình để đề xuất toà soạn mua máy móc phục vụ việc thực hiện video clip. Đề xuất ấy không thực hiện được vì kinh phí quá lớn so với định mức dành cho TPO.
“Tổ video” như cách gọi vui của chúng tôi lúc ấy, được anh Ngọc Nam yêu cầu tôi thành lập. Tôi về trường “kéo” thêm những đàn em đang học năm hai, năm ba thích làm truyền hình như Nguyễn Phong Anh, Nguyễn Đình Hậu, Nguyễn Thanh Nga… Sau khi gặp anh Nam, chúng tôi thảo luận kế hoạch tác nghiệp, phân công công việc cho mỗi người.
Từ ngày có video, các bài báo của TPO trở thành các tác phẩm “đa phương tiện” đầu tiên của Tiền Phong. Dù còn rất sơ sài, nhưng chúng tôi luôn được tiếp thêm động lực vì được ghi nhận trong mỗi cuộc họp.
Tổ video của TPO có những lúc phát triển khá mạnh. Các vấn đề nóng lúc ấy ngoài phóng viên toà soạn, luôn có thành viên của tổ video để ghi hình. Năm 2007, vụ bạo hành em bé giúp việc tên Nguyễn Thị Bình suốt 13 năm của chủ quán cơm ở chợ Thượng Đình (Chính Kinh, Thanh Xuân, Hà Nội) gây xôn xao dư luận.
Khi tôi ra trường, được khoa giữ lại làm giảng viên, dù lúc ấy TPO chỉ chờ tôi có bằng là tuyển làm phóng viên. Tôi đã chọn con đường giảng dạy như một trải nghiệm mới, dù lúc ấy đã gần như trở thành người của TPO. Các thành viên khác cũng lần lượt vào các đài truyền hình khi ra trường. Tổ video đầu tiên ấy vì thế cũng dần giải tán không lâu sau đó.
Dù tồn tại không lâu, nhưng các thành viên của TPO thời ấy vẫn nhắc về chúng tôi như là những người đầu tiên đưa video vào báo Tiền phong điện tử. Bây giờ thì sự phát triển của công nghệ đã có thể khiến bất kỳ phóng viên nào cũng ghi được video bằng điện thoại thông minh.
Mỗi lần truy cập vào
tienphong.vn, xem những video hot của phóng viên toà soạn, tôi lại bồi hồi nhớ về “cái thưở ban đầu” chập chững và say mê ấy!
Thanh Hương (ghi)
____________________
(*) CTV TPO giai đoạn 2006 – 2009, hiện là giảng viên của Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông, trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội