Tinh hoa và thói tật

TP - Tuần qua, tới tấp những tin xấu về hình ảnh người Việt ra thế giới. Nghi án nhận hối lộ 16 tỷ trong dự án đường sắt đầu tư bằng vốn ODA của Nhật đến nghi án “bôi trơn” dự án 2,8 triệu đô. 

“Thói xấu” của người Việt qua tâm thư của một du học sinh Nhật, đến việc bắt giữ tiếp viên hàng không Việt Nam cũng như triệu tập thẩm vấn hàng loạt phi công, tiếp viên khác liên quan đến đường dây vận chuyển hàng ăn cắp, cũng tại Nhật...

Thời nay, chuyện xấu “xuất khẩu” ra khắp thế giới nhanh hơn bao giờ hết. Báo chí trong nước vừa đưa tin, chỉ sau cú gõ phím, cả thế giới đã tỏ tường. Vô số những vụ việc bẽ bàng không muốn nhắc lại. Trước 1975, ở miền Nam, nhà văn Vũ Hạnh, dưới bút danh A.Pazzi, đã viết cuốn “Người Việt cao quý”. 

“Đóng vai” một người nước ngoài từng có 20 năm ở Việt Nam, ông hào hứng: “Người Việt là một dân tộc ưu hạng có nền văn minh riêng biệt, có lẽ không giống với bất kỳ nền văn minh nào trên thế giới”. Liệu giờ đây, nhà văn có đủ lạc quan vậy không ?

“Một dân tộc chỉ có thể tồn tại và trở nên phồn thịnh nếu biết tự gò mình vào một kỷ luật mang tính luân lý”, Phạm Quỳnh viết trong bài “Cải cách trí tuệ và luân lý” (bản tiếng Pháp năm 1930 - Phạm Xuân Nguyên dịch). Quan điểm nhất quán của nhà trí thức lớn này, đó là phải nhờ tới vai trò dẫn dắt của “giới tinh hoa”. “Giới tinh hoa phải tự áp đặt cho mình cái kỷ luật này trước khi áp đặt nó cho dân chúng”.

Quan điểm về “giới tinh hoa” xuất phát ở phương Tây từ thời Platon, nếu được Việt hóa theo cách hiểu hiện tại, có thể xem đó là thành phần chính khách, trí thức, nghệ sỹ, doanh nhân ưu tú luôn đau đáu sáng tạo cống hiến, đặt sứ mệnh cao cả với đất nước, xã hội lên trên hết. 

Nhưng “giới tinh hoa” Việt nay đang ở đâu, hay chỉ là vài ba cá nhân xuất chúng đơn lẻ thiếu một tiếng nói và sức mạnh chung? Trong khi vô số người có danh vị, tiếng tăm, và cả tài năng, tự xem mình là “tinh hoa”, nhưng lại chỉ biết gom góp vun quén riêng cá nhân mình, hoặc cấu kết trong những lợi ích nhóm.

Thói tật người Việt thời nào cũng có, cũng như “khuyết tật” của mọi dân tộc khác trên thế giới này. Chỉ có điều khi nó “vỡ òa” - sự đổ vỡ mang tính dây chuyền với mọi thành phần, thế hệ, như đang diễn ra, thì thật nguy hiểm. 

“Kỷ luật luân lý” đã không còn, ngay cả với những bộ phận đáng lẽ phải có trách nhiệm nêu gương. Kẻ bần dân nào có cơ may “được” nhận hối lộ? Phi công, tiếp viên có nghèo không, để phải ăn cắp, buôn lậu? Một “thần tượng” bấy lâu, nay bùng nhùng nợ nần bỗng lăn ra quỳ với kiện.

Có thể cho đến giờ, ông nhà văn vẫn còn nguyên lạc quan rằng người Việt vẫn luôn cao quý. Vì rằng không thể nhìn vào những hiện tượng của một giai đoạn xã hội để phủ nhận toàn bộ giá trị cộng đồng đã trường tồn qua hàng ngàn năm. Có điều, thói tật khi rơi vào giới tưởng là “tinh hoa” có tiếng tăm, quyền chức nơi phòng lạnh, sức tàn phá dữ dội gấp vạn lần so với những dân đen tranh thủ “hôi” mấy lon bia rơi ra giữa đường.