Tìm lại giọng nói đàn ông

TP - “Một… một… một, cờ một…”,  những âm thanh tưởng chừng đang phát ra từ lớp học của những đứa trẻ mầm non. Thế nhưng, nó lại được những thanh niên tuổi đôi mươi tập phát âm để tìm lại “giọng đàn ông” sau thời gian dài nói “giọng mái”.
Bác sĩ Trang luyện cách phát âm cho bệnh nhân “giọng mái”.

Mặc cảm “giọng mái”

Đang là sinh viên năm 2 một trường đại học ở TPHCM nhưng Trương Minh Giang (20 tuổi, quê TPHCM) lại đang được các bác sĩ dạy cách phát âm như một đứa trẻ mầm non. Ngồi trong căn phòng kín với dụng cụ của bác sĩ gồm một cây đàn và tấm gương soi, Giang làm theo từng động tác hít, thở của bác sĩ rồi lớn giọng đọc theo từng từ như đứa trẻ. Đặt tay lên bụng, hít một hơi thật sâu cho căng bụng rồi Giang đọc: “Một, một, cờ một, mười một, học hành…”, những âm thanh ồm ồm phát ra dù chưa chuẩn giọng nam nhưng đã bớt thanh và ré ré so với trước.

Giang cho biết, mình là em út trong nhà, từ nhỏ Giang đã chơi với hai chị gái nên dường như bị lây chất giọng của các chị mình. Vì vậy từ nhỏ Giang đã nói “giọng mái” (đàn ông nói giọng nữ), tưởng đến khi lớn sẽ đổi được giọng nhưng đến nay vẫn không thể thay đổi được. Từ khi học lên cấp 2 rồi cấp 3 và hiện nay đang học đại học, Giang luôn nép mình trong một góc lớp học, không dám chơi cùng bạn bè vì sợ bị chế diễu bởi “giọng mái”. “Ngày nào lên lớp em cũng ngồi một chỗ tại bàn học. Thấy các bạn vui chơi em cũng muốn ra chơi cùng nhưng lại sợ bị trêu chọc về giọng nói của mình nên thôi. Nhất là những ngày đầu đến lớp gặp bạn mới, hé giọng nói lại bị mặc cảm nên không nói chuyện với ai”, Giang nói.

Mới đây, được người thân giới thiệu bệnh viện Tai Mũi Họng TPHCM có thể chữa từ “giọng mái” sang giọng đàn ông nên Giang tìm đến khám và được các bác sĩ điều trị. Tuy mới vào khám và tập luyện buổi đầu tiên nhưng Giang đã phát âm được một số từ có giọng trầm trầm như giọng nói đàn ông.

Tương tự, anh Trần Hoàng Kha (28 tuổi, quê Hậu Giang) cũng bị chứng nói “giọng mái” từ khi mới dậy thì. Chất giọng thanh thanh re ré đó ám ảnh anh suốt thời gian hơn chục năm trời. Đến năm 27 tuổi anh mới biết có nơi chữa được giọng nói này nên anh tìm cách chữa trị. Anh Kha cho biết, năm 10 tuổi tự nhiên giọng của anh bị đổi, từ giọng nam chuyển sang nói như giọng nữ nên anh thường xuyên bị bạn bè trong lớp trêu chọc.

Phương pháp nắn thanh quản để bệnh nhân phát âm trầm.

Khổ luyện “đòi giọng”

Sau khi nghỉ học vì mặc cảm, anh Kha lên Bình Dương làm việc hơn 4 năm mà vẫn không thay đổi được giọng nói nên đến bệnh viện khám, được các bác sĩ cho biết anh bị chứng rối loạn giọng nói từ thời dậy thì. Hơn 1 năm điều trị với 7 lần đến lớp, được các bác sĩ hướng dẫn cách phát âm và về nhà anh đứng trước gương tập nói suốt thời gian dài, đến nay anh đã tìm lại được giọng đàn ông của mình.

Bác sĩ chuyên khoa I- Trần Thị Thu Trang, Trưởng môn Thanh học (bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM) cho biết, bình quân mỗi năm bệnh viện tiếp nhận gần 100 trường hợp bị “giọng mái”. Nguyên nhân đàn ông bị “giọng mái” là do rối loạn giọng nói tuổi dậy thì. Bởi thời gian dậy thì những người này không chấp nhận được sự thay đổi của giọng nói, muốn giữ giọng trẻ em… Bên cạnh đó, gia đình có quá nhiều phụ nữ, chị em gái khiến trẻ nam cũng bị lây giọng nói của nữ. “Những người bị triệu chứng này thường bị tự ti, ít giao tiếp và khó khăn trong học tập cũng như công việc”, BS Trang nói.

Triệu chứng này đa số gặp ở thanh niên mới lớn. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp đàn ông đã đứng tuổi rồi nhưng vẫn bị “giọng mái”. BS Trang kể, cách đây không lâu, một người đàn ông ngoài 40 tuổi đến khám và tâm sự do mặc cảm về giọng nói của mình nên đến 40 tuổi mà anh này vẫn chưa dám tỏ tình với cô gái nào. “Không những chưa dám tỏ tình vì mặc cảm giọng nói mà công việc của anh ấy cũng không thuận lợi do ngại giao tiếp. Anh đến khám và chỉ sau mấy lần tập nói anh đã chuyển được giọng nam và mới gọi điện báo đã có người yêu”, BS Trang cho biết.

Theo BS Trang, khi bệnh nhân nói giọng nữ đến khám sẽ được đưa đến chuyên viên luyện giọng, sau khi lượng giá giọng nói của bệnh nhân, các bác sĩ sẽ cho luyện từ tư thế ngồi đến cách hít thở. BS Trang nói: “Tư thế ngồi cũng cần phải luyện tập để có dáng như đàn ông. Ví dụ ngồi bắt tréo chân thì cổ chân này gác lên đầu gối khác chứ không phải đầu gối chạm đầu gối như phụ nữ. Quan trọng nhất là tập thở phà phát âm bởi hơi thở là năng lượng cho bộ máy nói hoạt động. Chúng tôi thường nói với bệnh nhân rằng “hơi thở là xăng, nước là nhớt” nếu thiếu hai thứ đó thì bộ máy nói sẽ không hoạt động được. Vì vậy, tập thở bụng là điều quan trọng. Sau đó bác sĩ sẽ dạy cách phát âm những âm trầm để bệnh nhân có thể học theo”. 

“Nam mà nói giọng nữ đi ra ngoài giao tiếp không tự tin được. Thời còn đi học cấp 2, cứ hé miệng nói chuyện là bị đám bạn cùng lớp trêu chọc nên càng ngày mình càng tự ti, khép mình vào một góc không dám nói chuyện với ai”

Anh Kha nói