Mới 8 giờ sáng, không khí oi bức đã bao trùm lấy buôn Tơ Lia (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk), tay đang xách thùng nước về ông Y Krin Ê ban, quệt vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đen nhẻm nhăn nhó: "Giếng của gia đình đã nạo vét mấy lần rồi nhưng vẫn trơ cạn đáy. Tờ mờ sáng, tôi ra con suối cách nhà 2 cây số đào cát ngồi chờ mãi mới lấy được từng này nước về. Lấy được nước mới yên tâm đi làm rẫy".
Tại xã Yang Réh (huyện Krông Bông), các giếng nước sinh hoạt đã cạn khô. Ông Nguyễn Đình Thu (45 tuổi, buôn Jang Réh, xã Yang Réh, huyện Krông Bông) thở dài, giờ nhà nào cũng cử người đi tìm nước. Nhiều người phải dùng xe cày, xe trâu, xe bò chở thùng phuy và can đi khắp nơi xin nước.
“Hằng ngày, tôi phải đi vài cây số để mua nước. Giá một can nước là 10 nghìn đồng. Dùng tiết kiệm nhất mỗi ngày nhà tôi cũng hết 6 can. Nước sau khi rửa mặt phải dồn lại để dành tưới cây. Nước rửa rau, vo gạo đem cho gia súc uống. Không có nước cực khổ lắm”, ông Thu than.
Đang gùi nước trên vai, chị H'Bung (xã Ea Sin, huyện Krông Búk) buồn rầu: "Nước giờ khan hiếm lắm, gia đình nào cũng phải tranh thủ đi lấy, trẻ con cũng phải đi cùng để phụ xách thêm được vài chai nước mang về".
Giếng nước sinh hoạt gia đình ông Y K'Rin đã cạn khô.
Ông Trần Văn Thiện - giám đốc công ty TNHH MTV cấp nước và đầu tư xây dựng Đắk Lắk cho biết: “Công ty còn khoảng 4.000m3 nước sinh hoạt, đáp ứng được khoảng 75 - 80% nhu cầu của người dân, hiện chúng tôi đã cúp nước luân phiên. Nếu trời không mưa, người dân tiếp tục dùng máy bơm hút nước tưới cà phê, các điểm lấy nước ngầm của Công ty sẽ thiếu hụt nghiêm trọng hơn”.
Theo Sở NN&PTNT Đắk Lắk, tính đến tháng giữa tháng 3/2015 toàn tỉnh đã có 3.200ha cà phê và hơn 1.000ha lúa khô cháy, không còn nguồn nước chống hạn. Tình hình hạn hán còn khiến trên 1.000 hộ sử dụng nước giếng sinh hoạt bị thiếu hụt nguồn nước như huyện: Krông Bông, Lắk, Krông Năng…
Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Krông Bông đến giữa tháng 3, toàn huyện đã có 965 hộ - khoảng hơn 5.000 người - thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Các huyện Lắc, Krông Năng cũng có khoảng 300 hộ không còn nước sinh hoạt, chủ yếu là các hộ sử dụng giếng đào. “Tình hình khô hạn tại Đắk Lắk đang diễn biến phức tạp do sự biến đổi khí hậu gây nên.
Sở NN&PTNT Đắk Lắk đã có văn bản đề nghị UBND các huyện, Công ty TNHH MTV quản lý công trình thủy lợi cần: Theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến thời tiết, nguồn nước; Tổ chức nạo vét hệ thống kênh mương, cửa vào các cổng lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy. Cần thực hiện biện pháp lâu dài là trồng rừng đầu nguồn tại các công trình thủy lợi để giữ và tăng nguồn nước ngầm”, Ông Nguyễn Hoài Dương - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk cho biết.