Sau lệnh truy tố của Viện KSND huyện Năm Căn, phóng viên báo Tiền Phong đã trở lại đây để ghi nhận về đời sống của những gia đình bỗng dưng vướng vòng lao lý. Lật dở 12 trang cáo trạng (số 11/KSĐT-KT, ngày 24/4/2017) của Viện KSND huyện Năm Căn, lý lịch 9 bị can trộm cắp sò huyết có chung cảnh nghèo, không đất, thất học và không nghề nghiệp.
Cha con cùng vướng vòng lao lý
Chúng tôi tìm đến căn nhà lá bên bờ kinh xáng Lò Heo (ấp Rạch Chèo, xã Rạch Chèo, huyện Phú Tân), nơi vợ chồng Lê Hoàng Hải (25 tuổi) đang ở đậu. Bà Nguyễn Thị Lan, hàng xóm, chỉ tay về căn nhà trống hoác, nói: “Sau khi Hải bị tạm giữ, tịch thu vỏ máy, vợ chồng ôm con về ở đậu nhà cha mẹ vợ. Thấy cảnh vợ chồng ôm hai đứa con nhỏ, lội sình, ai cũng thương, nhưng biết làm sao”.
Hàng ngày, vợ chồng Hải đi giăng lưới bắt cá, mò cua, bắt ốc ngoài bãi bồi. Cơn mưa đầu mùa bất chợt ập xuống, giăng mờ mịt. Từ phía biển, những chiếc vỏ máy lướt sóng vào cửa sông Bảy Háp chở theo nhiều người mò cua bắt ốc trở về. Vợ chồng Hải cũng trong số đó, toàn thân ướt lướt thướt. Vừa dọn lưới và rinh máy vỏ lãi lên nhà, Hải vừa nói: “Ngày mai Tòa gọi qua làm việc, nên phải nghỉ đi giăng lưới. Công an xã Rạch Chèo cũng nhắn tin cho mấy anh em cùng bị khởi tố trộm cắp sò huyết biết việc Tòa gọi”.
Tháng 7/2016, khi xảy ra vụ trộm sò huyết, Công an huyện Năm Căn tạm giữ xuồng máy của những người vi phạm. Hải cho biết, chủ bán chịu vỏ lãi đòi hoài nhưng không trả nổi. Biết hoàn cảnh bị bắt bớ nên họ đành cho khất nợ. Với người dân đánh bắt ven bờ, bị tịch thu xuồng máy thì chẳng khác nào bị cụt chân. Do vậy, vợ chồng Hải bồng bế hai con nhỏ lên TPHCM, thuê nhà trọ, làm phụ hồ. Nhưng rồi bị chủ quỵt nợ, giật lương, hai vợ chồng đành quay về kiếm sống trên Bãi Bồi. Huỳnh Thị Trang, vợ Hải, cho biết, hai vợ chồng phải vay tiền mua vỏ lãi cũ để làm ăn với giá 4 triệu đồng, đóng lãi 40.000 đồng/ngày. Còn máy nổ mua qua ngân hàng, trả góp 850 ngàn đồng/tháng. “Bây giờ, đi giăng lưới cá, bắt cua trên bãi bồi khó lắm, không còn chỗ trống và bị phạt liên tục”- Trang than thở.
Ông Huỳnh Văn Ba, cha vợ của Hải, cũng là nghi can trộm cắp sò huyết, bi phạt hành chính 1,5 triệu đồng. Nhìn Hải, ông Ba ái ngại: “Con rể bị mời lên mời xuống, đói khổ, mang tai tiếng, nhưng tôi có rầy la được gì, vì bản thân tôi cũng trộm cắp sò huyết. Cuộc sống áo cơm đẩy đến đường cùng, biết sao?”.
Anh Văn Thanh Tâm (35 tuổi), nhà đối diện trụ sở UBND xã Rạch Chèo, hàng ngày chạy xe ôm nuôi con trai đi học và chờ ngày ra tòa. Tâm bị quy tội trộm cắp sò huyết trong đợt đó. “Tôi nghe lời bạn bè rủ, đi cào sò huyết giống nhưng không biết sò huyết đã có chủ nuôi”-Tâm giãi bày.
Sau khi chồng bị khởi tố và cấm rời khỏi nơi cư trú, chị Trần Thị Oanh, vợ Tâm, ôm con gái 5 tháng tuổi lên Bình Dương tìm việc làm để nuôi sống gia đình. Thương cháu nội còn nhỏ, bà Lâm mẹ Tâm phải đi cùng để trông cháu. Để tìm được việc, chị Oanh phải trả 500.000 đồng tiền môi giới mới xin vào làm ở một xưởng gỗ với mức lương 3,2 triệu đồng/tháng.
Tâm cho biết, vừa rồi TAND huyện Năm Căn mời sang làm việc, yêu cầu nộp 1.500.000 đồng tiền thu lợi từ trộm cắp sò huyết nhưng chưa có tiền nộp. “Tôi trông cho vụ này qua mau, nếu không bị tù, tôi sẽ gởi con trai cho hàng xóm, lên Bình Dương lao động, kiếm sống, nuôi vợ con”-Tâm buồn rầu.
Cách nhà Tâm không xa là căn nhà lá xiêu vẹo, rách nát của vợ chồng anh Phù Chí Nguyện. Nguyện cũng bị khởi tố về hành vi trộm cắp nghêu. Khi chồng bị khởi tố và cấm rời khỏi nơi cư trú, chị Lê Thị Út, vợ Nguyện, đi làm phụ hồ và phải lót tay cho người môi giới 500.000 đồng mới có việc với tiền công 150.000 đồng/ngày. Đi làm được ít ngày, chị Út bị xe máy tông gãy chân. Chị được đưa lên Bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) chữa trị, nhưng không có tiền thuốc men, ăn uống nên xin chuyển về Bệnh viện Đa khoa Cà Mau. Sau đó về bó thuốc gia truyền ở địa phương và nằm nhà từ đó đến nay.
Bà Huỳnh Thị Ẩn, mẹ chồng của chị Út, bưng rổ bánh lá dừa và mấy gói thuốc lá rẻ tiền bán rong trong khu dân cư Kinh Năm. Thấy người lạ đến nhà con, bà để rổ bánh ở hiên nhà và bắt chuyện: “Thằng Nguyện bị khởi tố, và cấm đi khỏi nơi cư trú, quanh quẩn ở đây thì làm sao có tiền để nuôi 2 con. Rồi con dâu bị tai nạn, khiến tình cảnh đã khổ lại khốn”.
Vợ chồng Nguyện đều mù chữ nên khi nhận quyết định khởi tố bị can, Nguyện phải nhờ người biết chữ đọc giúp. “Cáo trạng dài quá, anh em ngán đọc dùm nên Nguyện phải nhờ thằng con trai, 12 tuổi, học lớp 5, đọc cho nghe”- ông Phù Văn Uốl, cha của Nguyện cho biết.
Hôm nhận cáo trạng Viện KSND huyện Năm Căn buộc tội chồng là Phù Văn Sơn (39 tuổi) và những người cùng cảnh, chị Ngô Thị Mý (ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải) đang đi giăng lưới bắt cá. Trong khi chờ kéo lưới, chị Mý lấy cáo trạng ra đọc. “Theo cáo trạng này, chồng phạm tội trộm cắp, có thể bị tù giam. Vợ chồng dầm mưa dãi nắng ngày nào, ăn ngày nấy. Nếu bắt giam chồng, mẹ con tôi lấy gì sinh sống?”.
Người nghèo “văng” khỏi cuộc chơi
Sau vài năm cho thuê khoán nuôi sò huyết thực nghiệm, năm 2015, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau xây dựng phương án mở rộng nuôi sò huyết thực nghiệm tăng lên 400 ha trong Khu bảo tồn biển, thuộc xã Lâm Hải (huyện Năm Căn). Mục đích của việc mở rộng nuôi sò huyết thực nghiệm của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau ghi rằng: “Cải thiện sinh kế cộng đồng dân cư, tạo ra nhiều cơ hội việc làm, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững cho cộng đồng trong và ven Vườn quốc gia Mũi Cà Mau”.
Trong phương án trình các cấp thẩm quyền, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau xác định cư dân quanh bãi bồi còn gần 9% hộ nghèo. Ông Nguyễn Việt Bắc-Chủ tịch UBND xã Lâm Hải (Năm Căn) cho biết, xã Lâm Hải còn 275 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 10,21% dân số, chủ yếu ở các ấp ven biển bãi bồi, không đất sản xuất, sống bằng mò cua bắt ốc.
Tuy nhiên, khi triển khai phương án mở rộng khu thực nghiệm nuôi sò huyết, Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã bàn giao diện tích mặt biển khu vực bãi bồi cho 14 tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân như Cty CP Thủy sản Hà Phát CM 100 ha, DNTN Vĩnh Lộc 100 ha, Trạm Bãi Bồi của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau 50 ha, HTX Minh Chiến 30 ha…
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã giao khoán cho những đơn vị, cá nhân kể trên với thời hạn 3 năm, đóng 5% lợi nhuận thu được, đóng 4 triệu đồng/năm/ha trong trường hợp thất mùa, thiên tai không thu hoạch được sò huyết.
Các xã Lâm Hải (Năm Căn), Nguyễn Việt Khái, Rạch Chèo (Phú Tân) được giao 10 ha để thành lập HTX, giải quyết việc làm, đời sống cho dân nghèo. Nhưng khi diện tích mặt biển được giao về các xã, người nghèo cũng không được tham gia nuôi. Ông Đào Văn Tính-Bí thư xã Rạch Chèo cho biết, xã Rạch Chèo giao cho Huỳnh Chí Linh, cán bộ Văn phòng UBND xã, liên kết với đối tác để thả nuôi sò huyết, nhưng không nói rõ cách thức sản xuất, phân chia lợi nhuận như thế nào. Người dân nghèo tại địa phương cũng không được thuê mướn trông coi, nuôi sò hoặc khai thác.
Ông Châu Công Bằng-Phó GĐ Sở NN- PTNT Cà Mau nói: “Chúng tôi rút kinh nghiệm sâu sắc để làm sao quản lý tài nguyên rừng, biển mà vẫn giải quyết được sinh kế, việc làm, đời sống cho người nghèo là mục tiêu hướng đến”.
Trong văn bản trả lời phóng viên báo Tiền Phong, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho biết, VQG Mũi Cà Mau có chức năng xây dựng và thực nghiệm các mô hình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên. Theo đó, VQG Mũi Cà Mau đã xây dựng phương án quản lý, bảo vệ, khai thác và ươm nuôi một số loài thủy sản và đã được Bộ NN- PTNT và Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho phép. Thực hiện phương án trên, ngày 2/8/2013, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thống nhất chủ trương cho phép VQG Mũi Cà Mau thực hiện nuôi sò huyết thực nghiệm trên diện tích 30 ha, tại Phân khu bảo tồn biển VQG Mũi Cà Mau. Sau khi sơ kết mô hình, tháng 11/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau thống nhất chủ trương mở rộng việc nuôi sò huyết lên qui mô 400 ha tại Phân khu bảo tồn biển. Theo văn bản trả lời của Văn phòng UBND tỉnh, việc thực hiện mô hình nuôi sò huyết của VQG Mũi Cà Mau đúng chức năng và được cấp thẩm quyền cho phép. Mục đích của việc nuôi sò huyết thực nghiệm nhằm để tìm ra mô hình phát huy giá trị kinh tế mặt nước biển, tạo thêm việc làm, cải thiện sinh kế người dân địa phương, tổ chức quản lý theo hướng liên kết cộng đồng, góp phần hạn chế khai thác nguồn lợi thủy sản và chặt phá cây rừng trái phép.
Mặc dù thực tế việc bao ví nuôi sò huyết 400 ha tại khu vực bãi bồi đang ảnh hưởng nghiêm trọng sinh kế của người dân, song Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, điều này không làm thu hẹp điều kiện mưu sinh của người dân. Thực tế Bãi Bồi hiện nay đang đẩy những người dân nghèo vào vùng khốn quẫn. Câu ông cha đúc kết đã biểu hiện: Bần cùng sinh đạo tặc.
Cơ quan CSĐT Công an Năm Căn xác định, người trộm sò huyết nhiều nhất là 4 lần và tổng số tiền bán được chưa đến 10 triệu đồng. Số tiền này chủ yếu dùng để chi tiêu trong gia đình. Cụ thể, ông Lê Văn Kiểm và Nguyễn Minh Phụng dùng vỏ máy 4 lần đi vào khu vực nuôi sò huyết dùng vợt xúc sò huyết bán được gần 10 triệu đồng. Phù Chí Nguyện và Lê Hoàng Hải thực hiện 2 lần trộm sò huyết bán được 5,8 triệu đồng. Nguyện dùng tiền có được mua sách vở cho con… Còn Lê Hoàng Hải sử dụng đồng tiền trộm cắp sò huyết trả góp vỏ máy mà vợ chồng Hải mua của người khác và đã bị tịch thu.
Thượng tá Hồ Hữu Cảnh - Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an Năm Căn cho biết: “Qua điều tra, xác minh nhận thấy các bị can đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thật thà khai báo và ăn năn hối cải. Đối với bị can Phạm Thanh Nhí là người chưa thành niên nên đề nghị Viện KSND, TAND Năm Căn xem xét”.