Tiếng gọi của cuộc sống

TP - Còn nhớ mười năm trước, khi phải rời khỏi bến xe Kim Mã, ông Nguyễn Mạnh Tiến, Giám đốc Bến xe Kim Mã ngậm ngùi nói: “Đi vậy chứ không biết xuống Mỹ Đình, bến xe có trụ nổi không”?

> Chỉ giảm một nửa lượt xe bị điều chuyển ở Mỹ Đình
> Khắc phục bất cập về quản lý hoạt động Bến xe Mỹ Ðình
> DN vận tải phản đối tập thể ở Mỹ Đình

Đáng khen cho những nhà hoạch định giao thông khi đó đã tạo ra một bến Mỹ Đình như ngày nay. Nhưng cái bất ngờ, bị động đối với những nhà quản lý và ngay cả doanh nghiệp bến xe chính là “Mỹ Đình khổ vì đông khách”!

Thóc đâu, bồ câu đó! Mỹ Đình lớn như thổi với trên 1.000 lượt xe mỗi ngày đã trở nên bức bí khi khoác chiếc áo 19.000m2. Trước cái ngột ngạt của Mỹ Đình, nhiều doanh nghiệp đã mường tượng ra một cuộc “phá sản” hàng loạt khi có hàng trăm lượt xe được đề xuất cắt khỏi bến.

Cuộc đối thoại ngày 4/7 giữa Sở GTVT Hà Nội với các doanh nghiệp vận tải Thanh Hoá, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Hoà Bình phần nào giải tỏa bầu không khí căng thẳng. Nhiều doanh nghiệp xin tự nguyện giảm bớt chuyến, lượt để giảm áp cho bến xe, giảm sức ép cho giao thông Hà Nội.

Đại diện Sở GTVT đã lắng nghe chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp. Cuối cùng, đại diện Sở GTVT khẳng định, thay vì phải cắt bớt 359 lượt xe, giờ đây sẽ chỉ còn 181 lượt xe bị điều chuyển.

Sự sống còn của doanh nghiệp hay yêu cầu bức bách về trật tự giao thông là hai vế của một vấn đề và đều rất quan trọng. Sẽ là cực đoan nếu chúng ta “nhất bên trọng nhất bên khinh”.

Hành động theo tiếng gọi từ cuộc sống chính là mục tiêu để cả doanh nghiệp và nhà quản lý hướng đến. Chìa khóa hóa giải những khó khăn tại Mỹ Đình chính ở chỗ cả doanh nghiệp và nhà quản lý cùng phải lắng nghe chia sẻ cho những cái khó của nhau trên tinh thần trách nhiệm không vụ lợi.

Theo Báo giấy