Theo PGS.TS Trần Văn Tớp, thu nhập trung bình của giảng viên trong trường gần đạt mức 15 triệu đồng/tháng. Trong đó bao gồm lương I là mức lương theo quy định của nhà nước, lương II là trả theo công việc của từng người. “Các trường cũng giống như các doanh nghiệp, đều phải tìm mọi cách để giữ chân giảng viên. Nếu thu nhập thấp, giảng viên sẽ tìm việc nơi khác. Hiện tượng này ở trường ĐH Bách khoa Hà Nội vẫn có, kể cả trưởng khoa, phó khoa cũng chuyển đi. Không phải họ tìm đến một trường ĐH khác đâu mà đến một cơ quan làm việc nào đó không liên quan đến đào tạo” - PGS.Trần Văn Tớp thừa nhận. Ngoài hiện tượng chuyển việc, chuyển trường, PGS. Tớp còn cho biết có những giảng viên ngoài dạy ở trường còn thỉnh giảng tại trường khác. Trường biết nhưng cũng không thể cấm. Hiểu được bối cảnh thực tế nên tìm mọi cách để tăng thu nhập cán bộ. Theo phân tích của PGS Trần Văn Tớp, với những giảng viên trẻ được phong PGS thì mức lương được khoảng 10 triệu/tháng, những GS, PGS lớn tuổi mức lương cao hơn vì có phụ cấp thâm niên khoảng 12 - 13 triệu. Còn mới tốt nghiệp ĐH hoặc tiến sĩ thì rất thấp. “Theo quy định, tiến sĩ bắt đầu về dạy nhận 80% của mức lương 3.0. Nhưng ở Bách khoa, trường hỗ trợ bằng cách cho các tiến sĩ được nhận 100% mức lương này, tức là khoảng 3,5 triệu/tháng. Cộng với 25% phụ cấp đứng lớp thì lương cơ bản của tiến sĩ mới tốt nghiệp về trường dạy khoảng 5 triệu đồng/tháng” - PGS TS Trần Văn Tớp cho hay. Để đảm bảo đời sống cho giảng viên, trường phải tính toán lương II. Lương này dựa trên cân đối thu chi của đơn vị sự nghiệp có thu và khối lượng công việc mà giảng viên làm trong năm. Tính thu nhập trung bình giảng viên của trường trong năm 2016 khoảng 13 triệu/tháng.
GS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng cho rằng nếu trường được tự chủ thì mới đạt được mức thu nhập là 15 triệu/tháng/giảng viên.
Trong khi đó, với những trường công lập nhưng khó khăn trong tuyển sinh thì mức thu nhập thấp hơn rất nhiều. Trao đổi với Tiền Phong, một giảng viên của trường ĐH Lâm nghiệp cho biết đã dạy tại trường 17 năm. Tổng thu nhập (kể cả lương và phụ cấp hằng tháng) của giảng viên nay là hơn 6 triệu đồng. “Quả thật, với giảng viên ở trường như chúng tôi mà nói thu nhập 15 triệu đồng/tháng thì không biết đến bao giờ. Vì ngoài mức lương cơ bản theo quy định của nhà nước, hằng tháng trường có phụ cấp được tính theo xếp loại thi đua nhưng người được thu nhập thêm nhiều nhất khoảng hơn 2 triệu. Còn thấp nhất là 200.000 đồng hoặc không có gì” - vị giảng viên nói.
Sống bằng nghiên cứu khoa học: cũng còn lâu
Ngoài học phí còn có nguồn thu nữa là nghiên cứu khoa học. Nhưng PGS Trần Văn Tớp nói rằng, đến giờ chưa trường ĐH nào của Việt Nam dám khẳng định nghiên cứu khoa học cho nguồn thu hỗ trợ lại trường. Tại ĐH Bách khoa Hà Nội, kinh phí từ hoạt động khoa học công nghệ và chuyển giao khoa học công nghệ hiện nay cũng có nhưng không nhiều, dao động từ 60 tỷ đến 100 tỷ/năm. Có giảng viên tiếp cận được với nguồn kinh phí của quỹ Nafosted thu nhập tương đối tốt, nhưng số này không nhiều dù hàng năm ĐH Bách khoa có khoảng 250 đến 300 bài được đăng trên tạp chí ISI. Như vậy, theo PGS.Trần Văn Tớp, kể cả các trường được tự chủ thì vẫn rất khó tăng thu nhập cho giảng viên. Vì nguồn thu chủ yếu của các trường ĐH Việt Nam hiện nay và ít nhất ba năm nữa là học phí. Cũng vì thu nhập còn thấp nên ngay cả trong nghiên cứu khoa học, PGS Trần Văn Tớp cho biết, các giảng viên cũng “chân trong chân ngoài”.
GS.TS Vũ Đình Thành, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa TPHCM cũng khẳng định, số người viết bài báo quốc tế, nghiên cứu khoa học của các trường ĐH Việt Nam còn chưa nhiều. Tại trường ĐH Bách khoa TPHCM có khoảng 30% giảng viên tham gia vào các dự án đề tài cấp quốc tế có thu nhập.