Theo thông tin trên trang web của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, ngày 25/7, đơn vị này có tổ chức lễ bảo vệ luận án tiến sĩ cấp Viện cho nghiên cứu sinh Bùi Quang Tiến với đề tài: Nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam, chuyên ngành: Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật.
Cũng theo nguồn tin trên, mục đích nghiên cứu của luận án nhằm làm rõ đặc điểm nhận diện của nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn 2005 – 2015 ở Việt Nam; phân tích, so sánh những biến đổi nghệ thuật chữ trong thiết kế bìa sách giai đoạn này dưới tác động của kỹ thuật công nghệ so với các thời kỳ trước.
Tuy nhiên, khi hình ảnh mang tên đề tài luận án tiến sĩ trên xuất hiện trên mạng thì có nhiều ý kiến cho rằng "rất lạ, khó ứng dụng trong thực tế".
Trao đổi với chúng tôi ngày 2/10, ông Bùi Hoài Sơn, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết "đây là một luận án tiến sĩ khoa học và muốn đánh giá thì phải để cho các hội đồng chấm luận án tiến sĩ thẩm định".
"Một luận án tiến sĩ khi ra đời có nhiều quy trình chặt chẽ. Chúng ta không thể nhìn tên luận án mà đánh giá được mà phải đọc cả cuốn.
Tôi cho rằng những người có đánh giá như trên mới chỉ đọc tên chứ hầu hết chưa đọc luận án tiến sĩ này. Nếu chỉ thông qua tên thì không thể hiểu được", ông Sơn cho biết.
Cũng theo ông Sơn, chuyên ngành lý luận nghệ thuật thì không thể đánh giá theo kiến thức phổ thông.
"Chúng tôi sẽ họp và có văn bản gửi Bộ GD&ĐT về vấn đề này. Về ứng dụng của luận án trong thực tế thì nên để hội đồng khoa học trả lời thì chính xác hơn.
Vấn đề khoa học thì nên để các nhà khoa học đánh giá", ông Sơn nhấn mạnh.
Cũng về nội dung trên, một cán bộ của Viện này đã đưa ra nhận định tương tự và cho rằng "mọi người không nên đánh giá qua tên mà nên đọc và xem trong luận án có gì, đúng sai hay chất lượng đến đâu rồi hãy đưa ra đánh giá".
"Một luận án cấp Viện phải qua nhiều vòng thảo luận, phản biện... Tốt nhất mọi người nên nghe đánh giá của các nhà khoa học", vị này nói.