Thuế phí, Giờ Trái đất và túi ni lông

TP - Dân tình đang rộ lên chuyện thuế, phí giao thông, mà dường như không để ý tới việc Bộ Công Thương vừa mới đây đề nghị tạm ngừng áp dụng Luật thuế Bảo vệ môi trường đối với túi ni lông.

> Một giờ tắt điện, tiết kiệm 712 triệu đồng

Giờ Trái đất tắt điện bảo vệ môi trường, chỉ mang ý nghĩa tượng trưng, trước việc hàng ngàn vạn hecta rừng đã và đang bị đốn trụi vì thủy điện.

Luật thuế Bảo vệ môi trường chính thức hiệu lực từ ngày 1-1-2012, trong đó túi ni lông chịu mức thuế cao nhất trong số 8 loại hàng hóa độc hại môi trường phải chịu thuế này: 40.000 đồng/kg. Đây có lẽ là loại thuế không thể khiến người dân kêu ca phàn nàn, dù trên thực tế thuế này đánh chính vào túi tiền của họ.

Tất nhiên, sẽ không còn cảnh phát không túi ni lông tràn lan khắp chợ, siêu thị, mà phải mua bằng tiền. Dẫn đến thói quen sử dụng túi ni lông bừa bãi giảm xuống. Thế nhưng, tính ra mới tròn 3 tháng thực hiện, thuế túi ni lông đã có nguy cơ ngừng lại, không phải vì phản ứng của người tiêu dùng, mà lại từ các nhà sản xuất mặt hàng này.

Vẫn biết Luật mới này đề nghị tạm dừng để điều chỉnh, bởi vẫn chưa có những văn bản hướng dẫn cụ thể, và còn khá nhập nhằng giữa các loại sản phẩm bao bì ni lông, và với loại túi ni lông được coi là “thân thiện với môi trường” (dù chưa có cơ quan nào kiểm chứng)… Tuy nhiên, kêu ca của các doanh nghiệp này về việc đánh thuế làm giảm sản lượng, doanh thu, giảm sức mua là khó thể chấp nhận. Bởi túi ni lông càng ít tràn ra thị trường, chợ búa thì càng mừng chứ sao!

Ông Nguyễn Sự ở Hội An đơn độc vì cho đến nay mới chỉ có mình ông thực hiện thành công chủ trương “nói không với túi ni lông”. Túi ni lông đã sạch bóng ở Cù Lao Chàm và nhiều nơi tại Hội An từ cách đây 3 năm.

Một việc làm không quá khó, chỉ cần quyết tâm thực sự của một người lãnh đạo. Trong khi mọi nơi hoặc thờ ơ, hoặc vẫn chỉ khuấy động, hô khẩu hiệu trong vài dịp ra quân. Và đến giờ là chuyện kêu ca về thuế túi ni lông.

Liên tưởng đến khoảng thời gian 500-1.000 năm để một túi ni lông có thể phân hủy được dưới lòng đất, với một giờ tắt điện vừa diễn ra tối qua. Bao nhiêu năng lượng được tiết kiệm, bao nhiêu sức nóng môi trường được “nguội” bớt trong một giờ ấy? Còn lại những giờ khác, thì dành cho việc phá rừng làm thủy điện? Như ở Quảng Nam, diện tích rừng “hy sinh” cho thủy điện quá lớn, khiến mới đây Thủ tướng phải yêu cầu Bộ NN&PTNT kiểm tra làm rõ và báo cáo gấp.

Nên, Giờ trái đất, sẽ chỉ là một cuộc trình diễn vui vẻ, không ích lợi gì nhiều, nếu từ suy nghĩ đến việc làm trên thực tế vẫn diễn ra trái ngược.

Theo Báo giấy