Thực phẩm bẩn vào cửa hàng thực phẩm sạch: Niềm tin lung lay

TP - Cuối tháng 11/2016, cơ quan chức năng thu giữ gần 50 kg thịt quá hạn sử dụng tại một cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch mới nổi tại Hà Nội. Một lần nữa, niềm tin người tiêu dùng lại bị lung lay trước “ma trận” thực phẩm.
Đoàn cán bộ Viện Nghiên cứu rau quả kiểm tra sản phẩm tại một hệ thống cửa hàng rau sạch. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Thịt quá hạn trong cửa hàng thực phẩm sạch

Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 2, Chi cục QLTT Hà Nội vừa kiểm tra đột xuất về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tại 2 cửa hàng thuộc chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch SB trên địa bàn quận Hoàn Kiếm. Cơ quan chức năng thu giữ gần 50 kg thịt quá hạn sử dụng nhưng vẫn được để trong tủ đông lạnh. Trao đổi với PV Tiền Phong, chủ chuỗi cửa hàng giải thích: Hàng hết hạn không bán, chỉ để cho nhân viên ăn. Nhưng nhân viên “quên” không đưa ra khỏi quầy bán hàng? Ngoài ra, cả hai cửa hàng trên đều không có giấy chứng nhận về VSATTP, nhân viên chưa được tập huấn về VSATTP.

Ghi nhận tại một số cửa hàng thực phẩm sạch trên phố Yên Hòa, Xuân Thủy (Cầu Giấy), Phố Huế, Nguyễn Công Trứ (Hai Bà Trưng),… Từ tờ mờ sáng, đã có những chiếc xe máy tất tả chở rau đến từng cửa hàng. Rau được chở lộ thiên, không hề che chắn. Tiếp đó, nhiều cửa hàng còn đánh vảy cá, lọc thịt ngay ngoài đường. Chưa cần biết nguồn gốc thực phẩm có thực sự “sạch” hay không nhưng riêng cách sơ chế đã hoàn toàn không đảm bảo vệ sinh.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, chủ một cửa hàng bán thực phẩm sạch trên quận Hai Bà Trưng thông tin: Đúng là các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch đang phát triển rầm rộ, nhưng đa phần là tự phát, không được đầu tư bài bản. Các cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay chủ yếu có 3 nguồn hàng: nhóm tiêu chuẩn GAP, nhóm hữu cơ và nhóm đặc sản vùng miền. Trong đó, nhóm đặc sản vùng miền, nuôi dân dã đang được người tiêu dùng chọn lựa nhiều nhất, tuy nhiên, đây cũng là nhóm khó kiểm soát nhất. “Do đặc thù của mỗi hộ dân chỉ nuôi từ 2, 3 con lợn, cho ăn truyền thống rồi thả rông nên hầu như chính quyền địa phương không kiểm soát”, ông Tùng nói.

Nhiều kẽ hở trong kiểm soát

Trao đổi với PV, đại diện một chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch nhận định: Hầu hết các cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay tự xây dựng uy tín, để gây dựng niềm tin với người tiêu dùng. Còn lại hiện nay chưa có một chính sách cụ thể nào để quản lý, đảm bảo thực phẩm ở các cửa hàng thực phẩm sạch 100%! Vị này thừa nhận, ngay chính cơ sở của mình cũng không đủ điều kiện để pha lọc thịt, đánh vẩy cá… Đa số các cửa hàng thực phẩm sạch hiện nay chỉ có diện tích từ 30-50 m2, do đó không đủ điều kiện sơ chế các loại thực phẩm. Theo tiêu chuẩn, để được phép lọc thịt, đánh vẩy cá… các cửa hàng đều phải có khu sơ chế cách ly, 1 chiều, cách biệt với khu buôn bán.

Theo ông Trần Anh Hiếu, Phó Chánh Thanh tra Sở NN&PTNT Hà Nội, thịt lợn tươi chỉ được bán trong 3 ngày. Nếu giải thích là đóng gói đông lạnh để nhân viên ăn là nguỵ biện. Hiện nay còn đang có hiện tượng đẩy date (tăng hạn sử dụng cho sản phẩm) đối với mặt hàng thịt đông lạnh nhập từ nước ngoài. Thịt được đóng gói chuyển về, đến khi dỡ bao ra, các cửa hàng lại đóng nhãn, thời hạn sử dụng mới của cửa hàng vào. “Việc này phải bắt tận tay mới xử lý được”, ông Hiếu nói.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển Chăn nuôi Hà Nội cho biết, các siêu thị, cửa hàng tiện ích là xu hướng tiêu dùng tương lai. Hiện Hà Nội đã hình thành 15 vùng chăn nuôi chuyên canh, tập trung; 76 xã chăn nuôi trọng điểm. Đây là tiền đề quan trọng để Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, trong các chuỗi của Hà Nội vẫn thiếu các doanh nghiệp đầu mối đủ mạnh để đảm nhận khâu sơ chế đóng gói sản phẩm thành thành phẩm như thịt mát, thịt cấp đông có nhãn hiệu để cung cấp vào các siêu thị, cửa hàng tiện ích… Thực trạng kênh bán lẻ hiện nay vẫn còn việc trà trộn sản phẩm chưa rõ nguồn gốc tiêu thụ để cung cấp cho người tiêu dùng.

Đại diện Chi cục QLTT Hà Nội cho biết, do nhu cầu tiêu dùng thực phẩm dịp Tết tăng gấp nhiều lần so với thời điểm khác trong năm, để tạo niềm tin mua sắm cho người tiêu dùng, liên ngành đang triển khai đồng bộ các giải pháp tăng cường các hoạt động kiểm tra, kiểm soát việc sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng mặt hàng thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán.