Chủ tịch Trương Tấn Sang thăm cấp nhà nước CHLB Đức:

Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Đức

TP - Nhận lời mời của Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Joachim Gauck, 7h sáng nay (giờ Hà Nội), chuyên cơ chở Chủ tịch nước và Phu nhân cất cánh rời sân bay quốc tế Nội Bài lên đường thăm cấp Nhà nước CHLB Đức (từ 24-26/11).
Tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TPHCM sử dụng ODA của Chính phủ Đức

Dự kiến 13h chiều nay (giờ địa phương), chuyên cơ sẽ đáp xuống sân bay Berlin Tegel. Có 2 máy bay phản lực tháp tùng chuyên cơ khi vào không phận Đức. Cùng ngày, Chủ tịch sẽ có buổi gặp gỡ với những người bạn Đức; gặp gỡ Cộng đồng người Việt Nam tại Đức và dự chiêu đãi của Đại sứ Việt Nam tại Đức. Lễ đón chính thức diễn ra vào lúc 11h ngày 25/11. Ngay sau lễ đón, Chủ tịch nước sẽ hội đàm với Tổng thống Đức, gặp gỡ báo chí.

Chiều cùng ngày, Chủ tịch nước hội kiến Thủ tướng Đức Angela Merkel, gặp Thị trưởng Berlin Michael Müller; đặt vòng hoa tại Đài Tưởng niệm nạn nhân chiến tranh Neue Wache. Trong những ngày Chủ tịch nước ở Đức, hai bên dự kiến sẽ ký kết: Hiệp định cấp Chính phủ về Hợp tác khoa học và công nghệ; Nghị định thư sửa đổi và bổ sung Hiệp định vận tải hàng không năm 1994; Bản ghi nhớ chung về hợp tác trong lĩnh vực lâm nghiệp; Biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương Việt Nam và Hiệp hội doanh nghiệp Đức, Văn phòng đại diện Phòng Thương mại Công nghiệp Đức tại Việt Nam về Đối thoại thường xuyên; Thỏa thuận hợp tác chiến lược giữa VietJet với Tập đoàn hàng không Lufthansa; Hợp đồng khung trị giá 100 triệu USD giữa VietJet với Lufthansa Technik về sửa chữa động cơ cho các máy bay Airbus A320.

Chủ tịch nước cũng phát biểu trước chính giới, học giả Đức tại Viện Korber; gặp Thủ hiến bang Hessen Volker Bouffier và Phu nhân; gặp Chủ tịch Quốc hội bang Hessen; Dự và phát biểu tại Diễn đàn kinh tế tại Hessen; gặp lãnh đạo một số tập đoàn lớn của Đức; thăm Trung tâm đào tạo nghề của Tập đoàn sản xuất ô tô Opel Werk…

Thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược

CHLB Đức nằm giữa lòng châu Âu, có dân số 81,1 triệu người, là nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới, đứng thứ tư sau Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản về GDP (thu nhập bình quân đầu người: 35.247 Euro; GDP năm 2014: 2.903,8 tỷ Euro; tăng trưởng kinh tế năm 2014: 1,6 %, dự kiến năm 2015: 1,7 %).

Việt Nam và CHLB Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23/9/1975. Từ đó đến nay, quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước ngày càng phát triển tích cực, sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Từ nhiều năm nay, Đức là một trong những đối tác quan trọng nhất của Việt Nam ở châu Âu. Sự tin cậy và hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước ngày càng được tăng cường thông qua duy trì trao đổi đoàn cấp cao và các cơ chế hợp tác. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Đức Angela Merkel (tháng 10/2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên.

Về kinh tế thương mại, hai nước đã ký một số hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần; Hiệp định Khuyến khích và Bảo hộ đầu tư, các hiệp định hàng hải, hàng không. 

Hiện Đức là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu, chiếm 19% xuất khẩu của ta sang EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại); là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hoá Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2014 đạt 7,9 tỷ USD (tăng nhẹ so với 7,7 tỷ USD năm 2013); 9 tháng đầu năm 2015 đạt 6,66 tỷ USD. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu chủ yếu sang Đức là điện thoại và linh kiện máy tính, hàng dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản… và nhập từ Đức chủ yếu là máy móc thiết bị phụ tùng, phương tiện vận tải, ô tô, hóa chất, dược phẩm. Đức ủng hộ EU sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam, có vai trò tích cực trong quá trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) nhằm tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước.

Từ năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp khoảng 2 tỷ USD cho các dự án ODA tại Việt Nam thông qua hợp tác kỹ thuật và hợp tác tài chính. Tín dụng ưu đãi của Đức có mức ưu đãi cao, lãi suất thấp 0,75%/năm, thời gian vay 40 năm, 10 năm ân hạn. Tại kỳ họp đàm phán về hợp tác phát triển giữa Chính phủ Việt Nam và Đức tháng 5/2015, Chính phủ Đức đã cam kết dành cho Việt Nam khoản ODA 220 triệu Euro để thực hiện các dự án trong 3 lĩnh vực hợp tác ưu tiên là năng lượng, môi trường và đào tạo nghề trong giai đoạn 2015 - 2017.

Một số dự án lớn sử dụng ODA của Chính phủ Đức: Xây dựng tuyến tầu điện ngầm số 2 tại TP Hồ Chí Minh (240,75 triệu Euro); Nâng cao hiệu quả năng lượng khu vực nông thôn (120 triệu Euro); Giảm cường độ phát thải trong cung cấp năng lượng điện (120 triệu Euro), Nhà máy điện gió Phú Lạc 1 (35 triệu Euro)…

Tính đến tháng 9/2015, Đức có 261 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,413 tỷ USD, đứng thứ 22/105 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Các doanh nghiệp Việt Nam đã có 17 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư đạt trên 92 triệu USD. Các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư sang Đức trong các lĩnh vực tài chính - ngân hàng, dịch vụ ăn uống và lưu trú, kinh doanh bất động sản, tin học, kinh doanh thương mại...