Hiện, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các cảng hàng không, sân bay do Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) quản lý, điều hành. Điều này dẫn tới một số bất cập do an ninh tại các sân bay gắn liền với quốc phòng an ninh và đảm bảo trật tự xã hội. Bộ GTVT từng nhiều lần đề xuất tách lực lượng an ninh hàng không thành đơn vị độc lập, trực thuộc bộ này điều hành trực tiếp.
Tại Chỉ thị về việc nâng cao năng lực công tác bảo đảm an ninh, an toàn hàng không trong tình hình mới vừa được Thủ tướng ban hành, Thủ tướng đã giao Bộ GTVT chủ trì, chỉ đạo tổ chức lại lực lượng kiểm soát an ninh hàng không. Bộ GTVT được giao xây dựng và đề xuất Thủ tướng việc tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không để cung cấp dịch vụ theo thông lệ quốc tế, thực hiện nhiệm vụ chính trị, theo nguyên tắc độc lập, thống nhất, chuyên nghiệp, không cổ phần hóa.
Bộ GTVT cũng được giao phối hợp và đề xuất với các đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng cơ chế, quy định mở các khóa đào tạo chính quy tại các trường của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cho chỉ huy, quản lý, điều hành lực lượng kiểm soát an ninh hàng không, giám sát viên an ninh hàng không.
Trong báo cáo đánh giá kết quả thi hành Luật Hàng không dân dụng mới đây, Bộ GTVT cho biết, tính tới tháng 2/2022, lực lượng kiểm soát an ninh hàng không tại các sân bay có khoảng 3.700 người, do ACV quản lý. Lực lượng an ninh hàng không chia làm 3 loại, gồm: Nhân viên an ninh kiểm soát, nhân viên an ninh cơ động và nhân viên an ninh soi chiếu.
Lực lượng kiểm soát an ninh hàng không trực tiếp thực hiện các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không, duy trì trật tự tại cảng hàng không, sân bay; xử lý các vụ việc vi phạm an ninh, đối phó ban đầu khi xảy ra can thiệp bất hợp pháp vào hoạt động hàng không dân dụng.
Dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không được xác định là dịch vụ công ích. Các quy định này không hạn chế, vướng mắc khi áp dụng với doanh nghiệp nhà nước độc quyền quản lý cảng hàng không, sân bay. Tuy nhiên, hiện đã có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp cảng hàng không hiện đã cổ phần hoá (như ACV), hoặc doanh nghiệp tư nhân (Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Quảng Ninh).
Từ đó, Bộ GTVT đề xuất sửa đổi Luật Hàng không dân dụng theo hướng bỏ quy định việc tổ chức cung cấp dịch vụ bảo đảm an ninh hàng không của doanh nghiệp cảng hàng không. Làm rõ quy định lực lượng kiểm soát an ninh hàng không được Bộ GTVT chỉ đạo tổ chức thực hiện; điều tiết lại mô hình tổ chức lực lượng kiểm soát an ninh hàng không sẽ do nhà nước nắm giữ dưới mô hình doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn, tham gia cung cấp dịch vụ tại các cảng hàng không, sân bay.
Hiện, mỗi hành khách đi máy bay đều phải trả phí an ninh sân bay khi mua vé, khoản phí này được hãng hàng không thu hộ (thu trước) cho đơn vị quản lý, điều hành lực lượng an ninh hàng không (ACV, Cảng hàng không Vân Đồn). Với đường bay nội địa, mỗi hành khách phải trả phí an ninh sân bay là 20.000 đồng/người; chặng bay đi các nước ASEAN, châu Âu, Bắc Mỹ, hành khách phải trả phí an ninh sân bay 48.000 đồng/người; chặng bay đi các nước Đông Bắc Á, Úc mức phí an ninh sân bay 68.000 đồng/người.