Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng các thành viên Chính phủ, đại diện các bộ, ngành.
Theo báo cáo, những năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tăng cường tiếp xúc, trực tiếp đối thoại với đoàn viên, hội viên, các nhóm đối tượng khác nhau trong nhân dân.
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên đối thoại chính sách với công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên... Qua đó, kịp thời lắng nghe và giải quyết tốt hơn nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.
Dẫn lại câu nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của công tác dân vận, tập hợp quần chúng và đại diện cho quyền lợi, nguyện vọng chính đáng của người dân.
"Chúng ta có cánh tay nối dài của Đảng, Nhà nước trong quần chúng chính là các cấp Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và các hội quần chúng, với cách làm của mình đã hằng ngày tiếp xúc với người dân ở từng cơ sở, địa phương", Thủ tướng nhấn mạnh vai trò của các tổ chức này, đồng thời ghi nhận nhiều cán bộ hội, hội viên dù 70-80 tuổi nhưng vẫn cống hiến sức mình cho công tác vận động, đoàn kết nhân dân, là những người gần dân nhất, nói lên tiếng nói của nhân dân.
Trích lại câu nói của Bác Hồ: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới, không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân", Thủ tướng nhấn mạnh không có sự gắn kết giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân thì sẽ không đạt được những kết quả phát triển tích cực trong thời gian gần đây.
Bên cạnh đó, Thủ tướng nêu lên một số vấn đề về công tác dân vận qua một số vụ việc trong thời gian gần đây. Theo Thủ tướng, trong một đất nước hòa bình, xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân, không thể để diễn ra tình trạng nơi này có nổ súng, nơi kia có khiếu kiện đông người, kéo dài.
"Qua một số vụ việc gần đây, chúng ta thấy được sự rạn nứt giữa Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền với người dân. Chúng ta đã thấy những nguy cơ và đặt câu hỏi mình đã làm tốt công tác dân vận chưa? Với vai trò của các tổ chức hội, tổ chức chính trị-xã hội, chúng ta đã làm gì để cùng nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng?", Thủ tướng nói.
"Có tình trạng, khi có sự việc phức tạp xảy ra ở địa bàn thì không thấy hội viên, đoàn viên ở đâu", Thủ tướng lưu ý, đồng thời nhấn mạnh, việc giải quyết những vụ việc từ gốc, từ cơ sở rất quan trọng, không để lâu quá, bức xúc quá.
Nhắc lại "nhiều đốm lửa nhỏ bùng lên sẽ thành đốm lửa lớn", Thủ tướng nhấn mạnh chúng ta phải có trách nhiệm, không để tình trạng "nước đến chân mới nhảy", đồng thời khắc phục sự quan liêu, vô cảm trước nhân dân.
"Dân vận không phải phương pháp, hình thức mà là hành động từ trái tim đến trái tim nên phải chân thành, thuyết phục, phải nêu gương; là trách nhiệm, tâm huyết của những người làm công tác dân vận", Thủ tướng nhấn mạnh. Đảng, Nhà nước vận động, thuyết phục nhân dân chứ không phải dùng quyền lực. Chính quyền là từ nhân dân mà ra, các cấp ngành phải nhận thức được vấn đề này, đồng thời giữ nghiêm kỷ cương, phép nước.
Thủ tướng nêu rõ tinh thần Đảng, Nhà nước, nhân dân hòa quyện, đoàn kết, thống nhất sẽ tạo nên sức mạnh. Cán bộ phải làm đúng, làm gương, chính sách pháp luật phải tốt để phục vụ nhân dân, đồng thời tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt. Những vấn đề này đặc biệt quan trọng trong đặc điểm đất nước có nhiều tôn giáo, dân tộc, nhiều thành phần... Từ đó, Thủ tướng đề nghị các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng cần đổi mới cách làm, tăng cường gặp gỡ để lắng nghe người dân, gần dân hơn, khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại.
Theo Thủ tướng, bệnh quan liêu, hình thức là vấn đề còn tồn tại trong một bộ phận cán bộ, công chức, trong đó có cả ở một số cấp hội. Công tác phối hợp tại một số địa phương còn hạn chế, có nơi còn chưa nắm bắt, sâu sát với tâm tư, nguyện vọng của người dân.
Thời gian qua, việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức, các hội có nhiều tiến bộ, tuy nhiên còn chưa đáp ứng tình hình mới khi tác động xã hội rất lớn, đặc biệt là trước ảnh hưởng của các mạng xã hội, của tình trạng tội phạm, suy thoái đạo đức lối sống, sự chênh lệch giàu nghèo,...
"Người dân ra đường lo tai nạn giao thông, về nhà lo an toàn thực phẩm... Đó là những việc chúng ta phải suy nghĩ, phải nắm bắt tâm tư, tình cảm của người dân", Thủ tướng nói.
Về phương hướng, nhiệm vụ, Thủ tướng đề nghị Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội tiếp tục tuyên truyền các chính sách, pháp luật; là cầu nối của Đảng, Nhà nước và nhân dân để tạo đồng thuận xã hội nhằm tạo nền tảng thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng giữ vững vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện, vận động sự tham gia của quần chúng nhân dân, tạo sự lan tỏa, đổi mới, sáng tạo.
Trong đó vận động, thu hút người Việt Nam trong nước và ở nước ngoài, đội ngũ tri thức, doanh nghiệp, nhà đầu tư... đóng góp xây dựng quê hương. Các cấp hội chú trọng công tác nhân rộng các mô hình, điển hình để lan tỏa trong xã hội.