Xin ông cho biết, quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH khi đưa ra đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi?
Đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 tuổi, nam lên 62 tuổi của Bộ LĐ-TB&XH xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó có việc tuổi nghỉ hưu hiện nay (nữ 55 tuổi, nam 60 tuổi) đã quy định từ năm 1961, tới nay hơn 50 năm chưa điều chỉnh. Trong khi, các nước trên thế giới đều theo xu hướng nâng dần tuổi nghỉ hưu, nhiều nước tuổi nghỉ hưu hiện đã 65-67 tuổi. Chúng ta cũng muốn thu hẹp khoảng cách tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, Công ước Cedaw (Công ước Loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ - PV) Việt Nam tham gia cũng yêu cầu không có chính sách phân biệt đối xử về giới. Ngoài ra, nhiều tính toán của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), Ngân hàng Thế giới (WB) đều khuyến nghị nâng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân đối Quỹ Bảo hiểm xã hội.
Lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu có nhiều phương án. Trong đó, phương án đưa ra tại Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi là từ năm 2021, mỗi năm tăng tuổi nghỉ hưu thêm 6 tháng, cho tới khi nữ đạt 60 tuổi, nam đạt 62 tuổi sẽ dừng lại. Nhưng về lâu dài có thể sẽ nâng dần tuổi nghỉ hưu lên 65 tuổi.
Còn phương án khác nữa là: mỗi năm nâng tuổi nghỉ hưu 3 tháng, cho tới khi nữ đủ 60 tuổi, nam đủ 62 tuổi. Vì nếu tăng tuổi nghỉ hưu nhanh quá có thể gây sốc cho thị trường lao động.
Nhiều ý kiến nói hiện tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao nhất, hằng năm đều có thêm lực lượng lao động mới tham gia thị trường. Nhưng chúng ta cũng phải nhìn về bối cảnh dân số Việt Nam đang già hóa. Trước đây, mỗi năm có 1,5 - 1,7 triệu lao động mới, nhưng nay chỉ còn khoảng 900.000 lao động mới mỗi năm. Số người ra khỏi lực lượng lao động (nghỉ hưu) xấp xỉ bằng số lao động mới. Đề xuất của chúng tôi là điều chỉnh dần.
Tuổi nghỉ hưu sẽ theo ngành nghề
Việc nâng tuổi nghỉ hưu sẽ thực hiện với tất cả mọi người, hay chia theo nhóm ngành nghề, lĩnh vực thưa ông?
Tất nhiên không phải lao động ở tất cả các ngành nghề đều nâng tuổi nghỉ hưu lên 60, 62 tuổi. Chúng tôi dự kiến có những nhóm tuổi có thể cao hơn tuổi hưu, có nhóm sẽ thấp hơn. Nhưng chênh lệch không quá 5 năm. Theo đó, có nhóm có thể nghỉ hưu ở tuổi 55-57 tuổi, tùy vào lĩnh vực, nghề nghiệp và sức khỏe
của họ.
Ông có thể nói rõ hơn về ngành nghề có thể nâng tuổi hưu, ngành giảm tuổi?
Bộ LĐ-TB&XH vẫn thường xuyên công bố danh mục những ngành nghề nặng nhọc, độc hại mà tới tuổi nào đó, người lao động không còn phù hợp làm việc trong lĩnh vực đó thì có thể về hưu sớm. Còn những ngành nghề lao động sử dụng những chuyên gia giỏi có thể tăng tuổi nghỉ hưu cho lao động. Hiện, ngành Kiểm sát, Tòa án trong luật chuyên ngành đều có quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn mức chung. Bộ LĐ-TB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong việc đánh giá lao động chất lượng cao, những ngành đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm để xem xét nâng tuổi nghỉ hưu.
Những ngành lao động trực tiếp, như dệt may, da giày, thủy sản tuổi lao động đã thấp, nếu tăng thêm tuổi hưu họ sẽ khó về hưu trước tuổi để hưởng lương hưu, liệu như vậy có phù hợp?
Trong tương lai những ngành lao động chân tay sẽ bị máy móc thay thế. Chính sách bảo hiểm thất nghiệp có thể thiết kế lại, để những ngành nghề sử dụng lao động chân tay, đến tuổi nào đó không còn phù hợp họ có thể chuyển đổi nghề để duy trì việc làm cho họ. Hiện Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp vẫn kết dư 60.000 tỷ đồng, nếu hỗ trợ cho lao động bị sa thải sau 35-40 tuổi mỗi tháng 500 nghìn đồng/người, chỉ cần 3.000 tỷ đồng là nửa triệu lao động ở độ tuổi này vẫn tiếp tục được đóng bảo hiểm xã hội.
Với việc nâng tuổi nghỉ hưu, ông có lo ngại sẽ tạo làn sóng xin về hưu sớm trong các năm tới để “chạy” chính sách?
Bất kỳ chính sách xã hội nào đều có lát cắt về thời gian, việc lao động nghỉ hưu sớm để “chạy” chính sách có thể lường trước được. Nhưng tất cả đều phải tôn trọng quyền của người lao động, luật cho phép họ lựa chọn tiếp tục làm hoặc về nghỉ hưu khi đủ điều kiện. Trong tinh thần của cải cách bảo hiểm xã hội sắp tới, sẽ tăng quyền lợi của những người về hưu đúng tuổi.
Cảm ơn ông!
Sáng 17/1, tại Hội nghị Tổng kết ngành LĐ-TB&XH, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý ngành này về việc nghiên cứu tăng tuổi nghỉ hưu. Theo Thủ tướng, hiện có nhiều ý kiến cho rằng, tuổi thọ trung bình của người Việt đã tăng lên 73-74 tuổi, nhưng vẫn để tuổi nghỉ hưu với nữ là 55 tuổi, nam là 60 tuổi liệu còn hợp lý, có gây mất cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội? Vì vậy, Thủ tướng yêu cầu Bộ LĐ-TB&XH tính toán tuổi nghỉ hưu hợp lý, vừa đảm bảo ổn định Quỹ bảo hiểm xã hội, vừa đảm bảo đời sống người lao động, khả năng chi trả của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo môi trường cạnh tranh để thu hút đầu tư.