Thu phí tham quan Hội An: Không nên lạm thu

TPO - Trước những tranh cãi xung quanh chuyện thu phí tham quan phố cổ Hội An, các chuyên gia, người làm du lịch đặt câu hỏi về sự hợp lý của hình thức thu phí, nguồn tiền này sẽ được đầu tư trở lại cho trùng tu, bảo vệ di tích ra sao.

Không nên gây xung đột về lợi ích

Câu chuyện thu phí tham quan Hội An nóng lên mấy ngày vừa qua. Trưởng ban thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính cho Tiền Phong biết vừa tham khảo ý kiến một số chuyên gia của tổ chức quốc tế như UNESCO.

“Họ cho rằng việc thu phí nên được xem xét dưới hai hình thức. Một dạng thu phí trực tiếp như vé tham quan yêu cầu du khách phải mua, cách thứ hai là thu phí gián tiếp”, ông nói.

Thông thường cách thu phí trực tiếp trên thế giới được áp dụng tại điểm đến, điểm tham quan có một hoặc một vài điểm tham quan tập trung để dễ kiểm soát. Hình thức thu phí gián tiếp thường được áp dụng ở địa phương, vùng có nhiều điểm tham quan, di tích nằm rải rác ở nhiều điểm đến, nằm trên phạm vi rộng.

Cần làm rõ vấn đề đóng góp cho du lịch, bởi ngành du lịch cũng có trách nhiệm để đóng góp nguồn thu giúp địa phương tôn tạo di tích", ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban thư ký TAB.

Ông Hoàng Nhân Chính cho rằng hình thức thu phí gián tiếp có lợi hơn. Có thể lấy ví dụ Paris - nơi có nhiều điểm di tích nằm khắp thành phố. Họ yêu cầu các cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, khu nghỉ dưỡng thu thêm 2 euro để nộp vào phí du lịch.

“Khi thu khoản này, chủ cơ sở lưu trú giải thích cho khách rằng đó là yêu cầu của thành phố để đóng góp cho Paris, thường khách vui vẻ nhận lời. Đều là nguồn thu từ du khách cả, nhưng Paris chọn cách thu gián tiếp”, ông Hoàng Nhân Chính nói.

Chuyên gia cho rằng nên tìm cách thu hút khách, tăng chi tiêu của khách hơn là lạm thu. Ảnh: THANH TRẦN.

Đối với trường hợp phố cổ Hội An, Trưởng ban thư ký TAB đề xuất địa phương cần phân tích kỹ lưỡng, cân nhắc nên chọn cách nào. Muốn như vậy cần có hội thảo kỹ thuật, cuộc họp bàn có sự tham gia của các bên liên quan như người dân, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, lưu trú thậm chí tiếng nói của du khách.

“Cần làm rõ vấn đề đóng góp cho du lịch, bởi ngành du lịch cũng có trách nhiệm để đóng góp nguồn thu giúp địa phương tôn tạo di tích. Du lịch đang hưởng lợi từ di sản nên phải có trách nhiệm đóng góp. Tuy nhiên điều quan trọng là Hội An phải tìm ra giải pháp kỹ thuật để không gây xung đột lợi ích cho các bên”, ông Chính nêu.

Tăng chi tiêu của khách hơn là lạm thu

Là người làm du lịch gần 30 năm nay, ông Phạm Hà - CEO Lux Group - nêu quan điểm thu phí có thể chấp nhận được, tuy nhiên nhiều người quan tâm tới việc sử dụng nguồn thu để phục vụ trùng tu, bảo tồn di sản, di tích sao cho hợp lý và hiệu quả.

“Ở nhiều địa danh, di sản đều có mức thu phí cao như Hạ Long chẳng hạn, tuy nhiên tôi không đồng tình chuyện cứ vào khu vực phố di sản là thu phí. Như thế là lạm thu. Nhiều du khách quay lại Hội An nhiều lần, có thể chỉ để uống cà phê, ăn một tô mì Quảng, đi dạo phố. Tôi đi nhiều nơi trên thế giới trong đó có Roma, đâu phải cứ khách đến là thu tiền”, ông Phạm Hà chia sẻ.

Việc thu phí tham quan Hội An cần bàn bạc thấu đáo. Ảnh: HOÀI VĂN.

Việc thu phí tham quan ở Hội An dễ dẫn tới ấn tượng không thân thiện, khách không đến nhiều nữa. Đô thị cổ Hội An là di sản sống, người dân mưu sinh và bán buôn phục vụ du khách. Chính vì thế ông Phạm Hà cho rằng nên trông vào nguồn tổng thu từ cửa hàng, cửa hiệu (cũng đến từ phục vụ du khách) thay vì thu trực tiếp.

Hội An cũng là di sản của người Việt, người dân cũng có quyền được thụ hưởng. Chúng ta nên tính tới giải pháp làm thế nào để di sản thực sự lôi cuốn được nhiều du khách hơn, để họ chi tiêu nhiều hơn", ông Phạm Hà, CEO Lux Group.

“Tôi quan tâm nguồn phí thu sẽ được đầu tư trở lại cho di sản như thế nào? Làm thế nào để sông Hoài trong xanh hơn, thành phố sạch đẹp hơn? Hội An cũng là di sản của người Việt, người dân cũng có quyền được thụ hưởng. Chúng ta nên tính tới giải pháp làm thế nào để di sản thực sự lôi cuốn được nhiều du khách hơn, để họ chi tiêu nhiều hơn. Khi này nguồn chi tiêu của du khách sẽ thẩm thấu nhiều hơn vào địa phương”, ông Phạm Hà nêu quan điểm.

Để tìm ra phương án tốt nhất, các chuyên gia đều cho rằng cần tìm được tiếng nói chung với cộng đồng, không nên áp đặt mệnh lệnh hành chính.