Thoát mô hình

TP - Thời xoá đói giảm nghèo, kinh tế mô hình trong nông nghiệp tỏ rõ vai trò tích cực. Một nông dân trồng cây hoặc nuôi con vật nào đó đạt được năng suất cao là đủ ăn, thoát đói giảm nghèo. Nông dân ở gần học kinh nghiệm, cũng thoát được đói giảm được nghèo.

> Tổng Bí thư nhấn mạnh, gợi mở sáu vấn đề
> Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại ĐH Hội Nông dân VN

Việc trồng cây hay nuôi con vật ấy trở thành “mô hình xoá đói nghèo” trong nông dân.

Khi đó, Hội Nông dân đã tổ chức các phong trào “nhân rộng mô hình” khá sôi nổi, bằng cách đưa nông dân ở xa đến tham quan học tập kinh nghiệm tại nơi sản xuất giỏi và mở hội nghị tuyên dương nông dân điển hình. Đất nước từ đói ăn trở thành dư thừa lúa gạo và nhiều nông sản khác. Những nông dân đi đầu được dân gian tôn là “Vua”. Thời kỳ ấy nông dân có thật nhiều “Vua” và nông sản dồi dào, nông nghiệp phát triển, nông thôn đổi mới. Hội Nông dân rộn ràng với nông dân gần xa.

Hơn hai mươi năm trôi qua, nước ta đã khẳng định vị trí của một cường quốc xuất khẩu gạo và vài nông sản khác, tính theo sản lượng. Nông dân Việt Nam chứng tỏ khả năng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tuyệt vời, đạt được năng suất cao nhất nhì thế giới ở nhiều cây trồng, vật nuôi.

Không còn mục tiêu xoá đói giảm nghèo, nông dân Việt Nam đứng trước mục tiêu xoá nghèo làm giàu. PGĐ Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng Hồ Quang Cua, người lai tạo nên giống lúa thơm ST nổi tiếng nói rằng, muốn đạt được mục tiêu mới phải nâng cao giá trị nông sản hàng hoá. Ông nói: “Công tác xây dựng thương hiệu nông sản đang nổi lên vị trí hàng đầu”.

Đó cũng chính là công tác xây dựng các chuỗi giá trị ngành hàng nông sản. Từ sản xuất đến tiêu thụ, cả nội địa lẫn xuất khẩu, phải liên kết chặt chẽ với nhau để giảm giá thành, nâng cao chất lượng và hiệu quả kinh tế. Sản xuất nông nghiệp bức bách nhu cầu đi vào các quy trình ngành hàng hiện đại, chứ không còn ở mức công nghiệp hoá với các quy trình kỹ thuật rời rạc, để tạo ra chuỗi giá trị gia tăng cao và ngày càng nhiều.

Đòi hỏi đổi mới mạnh mẽ cả khía cạnh kỹ thuật lẫn thể chế, tư duy. Một quá trình đầy khó khăn, cần tập trung nhiều nỗ lực lớn nhưng đáng tiếc là Hội Nông dân lại chưa tỏ rõ được sự mạnh mẽ. Là nơi bảo vệ quyền và nghĩa vụ của thành viên cũng như tham vấn các chính sách hữu hiệu giúp nông dân gỡ khó.

Trả lời Tiền Phong cuối tháng 6 mới rồi, ông Huỳnh Kim Hải, gần 60 tuổi, nông dân sản xuất giỏi ở thị trấn Sa Rài (Tân Hồng, Đồng Tháp) đang làm 8 ha lúa, cho biết vợ chồng ông không vào Hội Nông dân. Ông giải thích: “Hội Nông dân chỉ có cái tên là nông dân còn lãnh đạo là cán bộ của Nhà nước nên không còn giúp ích gì được cho nông dân. Một bác lão nông có cho tôi biết, năm 1998, Hội Nông dân thị trấn đến đưa cho bác ấy tấm thẻ hội viên rồi từ đó đến nay chẳng hoạt động gì cả”.

Nông dân đã thoát khỏi kinh tế mô hình, đang bươn trải đi lên hiện đại hoá. Hy vọng Hội Nông dân cũng thoát khỏi mô hình không còn thích hợp, lại có mặt bên cạnh nông dân như từng có mặt để làm nên kỳ tích mới cho đất nước.

Theo Báo giấy