Có mặt tại phố Đội Cấn (quận Ba Đình, Hà Nội) chứng kiến công nhân đội quản lý điện phường số 6 thuộc Công ty Điện lực Ba Đình đang khắc phục sự cố mất điện cho khách hàng, chúng tôi mới thực sự thấm thía nỗi vất vả của người làm Điện trong mùa nắng nóng.
Làm việc không kể thời gian
Mới 9 giờ sáng nhưng cái nắng gắt gao đã bao trùm Thủ đô Hà Nội. Người đi đường “trốn” kín trong những bộ áo quần chống nắng. Tại trạm biến áp trên phố Đối Cấn, anh em công nhân đang làm việc cật lực dưới cái nóng hầm hập của thời tiết. Những chiếc áo cam thấm đẫm mồ hôi, những khuôn mặt đã lấm lem dầu mỡ và in hằn nỗi mệt nhọc.
Anh Lê Đức Huy – Đội trưởng đội quản lý điện điện phường số 6 không thể nhớ hết những lần “chinh chiến” cùng anh em thợ điện đi xử lý sự cố. Anh Huy chia sẻ: “Thợ điện là vậy, mưa không biết chạy, nắng chẳng biết trốn. Đã hơn tháng nay, anh em hầu như không có thời gian nghỉ. Mỗi ngày trung bình phải làm việc từ 16-17 giờ. Hết giờ hành chính lại tiếp tục trực đến 3-4 giờ sáng. Như hôm nay, ngay sau khi nhận được thông báo của Phòng Điều độ, cả đội xuất phát và làm việc liên tục từ 3 giờ đêm cho tới bây giờ. Dự kiến, phải 11 giờ trưa mới khắc phục xong”.
Làm việc giữa trưa nắng, thợ điện không những phải đối mặt với cái nóng của thời tiết mà còn phải hứng chịu sức nóng tỏa ra từ các thiết bị trên cột điện, trạm biến áp. Đó là chưa kể, áp lực từ phía khách hàng, từ cấp trên yêu cầu đóng điện nhanh, đảm bảo chất lượng, an toàn...
“Có lần xử lý sự cố ở Liễu Giai từ sáng đến 3 giờ chiều, nhiệt độ chúng tôi đo được từ các thiết bị trên cột lên tới 50 độ C. Với sự cố ở những trạm biến áp hay cột điện đứng trơ trọi giữa trời, không một bóng cây thì không ngoa khi nói rằng, người thợ điện đang phải làm việc trên cái chảo rang khổng lồ”, anh Huy cho hay.
Anh Huy cũng chia sẻ thêm đã gần 2 tháng nay hiếm khi được ăn cơm cùng vợ con: Nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của người dân lớn nên nhiều khu vực bị quá tải. Các đơn vị điện lực đều phải trực 24/24 để đảm bảo có mặt kịp thời khi khách hàng báo sự cố, bất kể là 1-2 giờ sáng khi mọi người đã yên giấc, hay 11-12 giờ trưa với cái nóng rát da, cháy thịt. Do đó, hầu như chúng tôi không có thời gian dành cho gia đình. Thậm chí, sinh nhật con cũng không kịp tham gia. Mọi việc lớn nhỏ đều đến tay vợ nên thỉnh thoảng vợ cũng giận, cũng hờn. Nhưng giận thế thôi, các chị em đều hiểu và thông cảm cho công việc của chồng”.
Vui vì dân hiểu!
Không có sự bức xúc, không có những hành vi quá khích hay những lời nói khiếm nhã vì mất điện, thay vào đó là những đĩa hoa quả, những cốc nước làm mát lòng người thợ điện, đó là điều mà chúng tôi ghi nhận được ở phố Đội Cấn.
Trước cửa hàng tạp hóa Tiến Duyên, chị Duyên- chủ cửa hàng vừa gọt hoa quả phục vụ các anh thợ điện vừa kể “Mất điện từ 2 giờ sáng, khi ngủ dậy tôi đã thấy thợ điện đang làm việc, mồ hôi mồ kê nhễ nhại. Hỏi mới biết là anh em đã có mặt từ 2 giờ sáng và làm việc liên tục tới giờ. Vất vả quá!”
Công nhân đội quản lý điện số 6 kéo đây tăng cường đường trục đảm bảo cấp điện an toàn, liên tục phục vụ khách hàng.
“Nắng nóng thế này, điện quá tải là bình thường. Như nhà tôi, 3 phòng 3 cái điều hòa, chạy gần như suốt đêm. Tôi phải luôn nhắc nhở các con, bật điều hòa thì phải hạn chế các thiết bị khác. Mình giảm thiểu sử dụng điện thì người khác mới có mà dùng. Suy đi, tính lại sử dụng điện tiết kiệm cũng chính là tiết kiệm chi phí cho gia đình mình”, chị Duyên chia sẻ.
Tương tự, bà Hà Thị Vân bán nước tâm sự: “Thấy anh em thợ điện làm việc vất vả, tôi cung cấp trà đá miễn phí. Chúng tôi mất điện cũng khó chịu vì trời nóng quá. Nhưng mình khổ một, thợ điện còn khổ 10. Nắng nóng, chúng ta được ngồi trong bóng mát, còn thợ điện vẫn phải “phơi” mình, làm việc dưới cái nắng gay gắt”.
Anh Lê Đức Huy cho biết, những năm gần đây, khách hàng đã hiểu,thông cảm và chia sẻ với ngành điện rất nhiều. Trường hợp khách hàng bức xúc khi mất điện cũng có xảy ra nhưng vô cùng ít.
“Chúng tôi luôn đứng ở vị trí khách hàng để hiểu rằng, mất điện giữa cái nóng 37-38 độ C là điều vô cùng khó chịu. Chính vì vậy, mỗi khi có sự cố, chúng tôi luôn có mặt kịp thời, nỗ lực làm việc nhằm cấp điện trở lại cho khách hàng trong thời gian sớm nhất. Với những người làm ngành điện, chẳng có niềm vui nào hơn được nghe được những tiếng reo hò, niềm hân hoan của người dân khi có điện; chẳng có mong muốn nào hơn khi những nỗ lực, sự vất vả của mình đã được khách hàng ghi nhận, cảm thông và thấu hiểu”, anh Huy chia sẻ.