Thi tuyển vợ tại Trung Quốc: 'Đại gia' chỉ là ...dân chơi
> Đại gia tuyển vợ: 1 'chọi' 6
> Báo Trung Quốc dạy cách lấy vợ đẹp ở Việt Nam
Hàng nghìn cô gái trẻ Trung Quốc thời gian qua háo hức tham dự các cuộc thi tuyển với mong muốn có cơ hội trở thành vợ của những người được quảng cáo là “triệu phú” hay doanh nhân thành đạt. Tuy nhiên sự thật có lẽ các “đại gia” này chỉ là...dân chơi.
Trong một câu chuyện cổ tích, Lọ Lem đã kết hôn với một hoàng tử và cả hai sống bên nhau hạnh phúc suốt đời. Tuy nhiên cuộc sống không phải chuyện cổ tích.
Để tìm cách kết hôn với một người đàn ông giàu có, hàng chục nghìn cô gái có nhan sắc tại Trung Quốc đã tham dự nhiều vòng thi tuyển, được một công ty nào đó tổ chức để có cơ hội được những người siêu giàu liếc nhìn.
Tuy nhiên, hôm 2/8 vừa qua, Câu lạc bộ các doanh nhân độc thân Trung Quốc, một trong những công ty tổ chức các cuộc thi tuyển vợ như trên, đã bị điều tra vì bị nghi ngờ lừa dối công chúng.
Vậy điều gì thực sự diễn ra trong cuộc thi “hẹn hò với người đàn ông giàu có”?
Trong trường hợp của câu lạc bộ nêu trên, các cô gái đầu tiên phải tham gia một cuộc tuyển chọn lớn, trong đó họ được chấm điểm về ngoại hình, kỹ năng sống, chẳng hạn như là ủi quần áo, pha trà và nấu nướng. Những người chiến thắng được phép vào câu lạc bộ và tiếp tục thi các vòng sau.
Các cô gái được nói rằng 60 người nổi bật nhất trong số họ sẽ được chọn và có cơ hội gặp một người siêu giàu tại một bữa tiệc kín tại câu lạc bộ. Việc tìm một người chồng giàu có đã trở thành một cuộc theo đuổi cả đời của các cô gái và gia đình họ. Vậy nhưng những người độc thân giàu có kia đến từ đâu?
Theo website của Câu lạc bộ các doanh nhân độc thân Trung Quốc, chỉ những người sở hữu tài sản từ 100 triệu nhân dân tệ (16,37 triệu USD) trở lên, hoặc những ai là chủ tịch hoặc tổng giám đốc một doanh nghiệp quốc doanh lớn, hoặc công ty nước ngoài được gia nhập câu lạc bộ này.
Thế nhưng để kiểm tra nhân thân của những “quý ông giàu có” này, nhân viên của câu lạc bộ này chỉ đơn giản là tìm kiếm thông tin trên mạng. Bởi theo họ, “bạn có thể biết họ có thực sự giàu có hay không qua thông tin trên website công ty họ”.
Cheng Yongsheng, chủ câu lạc bộ này còn nói rằng một só thành viên câu lạc bộ đã tìm được bạn gái từ các hoạt động thi tuyển như vậy, nhưng chưa có ai kết hôn.
Các cuộc thi tuyển đình đám khiến dư luận Trung Quốc xôn xao, nhưng những ai thân thiết với Cheng lại tin rằng đó chỉ là trò hề.
Theo sách trắng Người tiêu dùng xa xỉ Trung Quốc năm 2012 được xuất bản bởi tạp chí Hồ Nhuận và ngân hàng công nghiệp, có khoảng 63.500 người Trung Quốc có tổng tài sản từ 100 triệu nhân dân tệ trở lên. Tuổi đời trung bình của họ là 41 và hầu hết trong số này không cảm thấy việc tìm vợ là bức thiết.
Wu Gengzhou, người có 7 năm kinh nghiệm trong ngành dịch vụ cưới xa xỉ cho biết, ông chưa từng thấy một người giàu có nào lại tìm được vợ thông qua các công ty thi tuyển vợ.
Khách hàng của Wu bao gồm nhiều ngời đàn ông giàu có, những người đi lên từ bàn tay trắng, cho tới con của các “đại gia”. Theo ông Wu, những người này có một điểm chung đó là: họ càng có nhiều tiền thì lại càng khắt khe hơn với chuyện hôn nhân. Họ không bao giờ có thể lấy một người lạ làm vợ.
Hầu hết các cuộc “hẹn hò với quý ông giàu có” được tổ chức bởi các công ty tổ chức thi tuyển đơn giản là tạo cơ hội cho đám dân chơi. Một vài trong số họ thậm chí còn đánh cược với nhau về việc ai có thể đưa các cô gái lên giường nhanh hơn, ông Wu khẳng định.
Theo ông, những người giàu luôn chọn những người cùng giới khi kết hôn. Và câu chuyện về nàng Lọ Lem sẽ luôn là một câu chuyện cổ tích.
Đây không phải lần đầu tiên các cuộc thi làm tuyển vợ “đại gia” tại Trung Quốc bị đặt dấu hỏi về tính nghiêm túc. Hồi tháng 7, Tang Miaomiao, một trong những cô gái từng là ứng viên thi tuyển cho biết sẽ không bao giờ tham gia các cuộc thi như vậy nữa, sau khi bị một “đại gia” gạ gẫm làm bồ nhí ngay trong lần đầu gặp mặt.
Người đàn ông này đã mang ra một chiếc đồng hồ đắt tiền để tặng cô và “ông ta cho biết bản thân đã kết hôn”, và rằng ông có thể tặng cô một chiếc xe Beetle nếu tôi chấp nhận “cặp kè”, Tang thuật lại.
Theo Thanh Tùng
Dân Trí