Đắt, hiếm cả rau lẫn giống
Ý tưởng này bắt nguồn từ sở thích ăn rau dại của gia đình anh Nghĩa. Song, không phải lúc nào đi chợ cũng có rau để mua, chưa kể giá rau dại còn cao gấp cả chục lần các loại rau cơ bản khác hay đắt ngang thịt. Thấy vừa đắt, vừa hiếm, vợ chồng anh mới tìm giống về trồng trên sân thượng.
Mới đầu, vợ chồng anh chỉ trồng rau dền cơm, rau sam bởi hai giống này dễ kiếm, dễ trồng. Sau đó, anh tìm và trồng thêm được một vài loại rau dại nữa như: sâm đất, tầm bóp, càng cua, rau má,...
Tuy nhiên, anh Nghĩa bảo, để có một vườn rau dại với hơn 10 loại rau như hiện nay, vợ chồng anh phải bỏ rất nhiều công sức tìm mua giống. "Giống rau dại hầu như không mấy nơi bán, anh phải hỏi khắp các cửa hàng bán giống rau ở Hà Nội nhưng cũng chỉ mua được giống dền cơm. Mà cửa hàng ấy cũng bảo không có bán, chỉ nhận mua hộ từ người bà con ở quê. Những giống khác anh toàn phải tự đi tìm. Có lần anh phải đi gần 40km chỉ để xin giống rau dại về trồng", anh Nghĩa chia sẻ.
Tương tự, chị Cao Ngân Khánh (ngõ 22, Tôn Thất Tùng, Đống Đa, Hà Nội) cho biết, trồng rau dại trên sân thương ở Hà Nội đang trở thành mốt. Ngoài trồng các loại rau cơ bản như muống, mùng tơi, cải,... thì phần lớn diện thích trên ban công, sân thượng nhà chị là trồng các loại rau dại.
Theo chị Khánh, hầu như không ở đâu bán các loại giống rau dại cả. Để có giống, mọi người đều phải tự đi tìm. Song, chị cũng tiết lộ cách đơn giản hơn để có giống là lên các diễn đàn, fanpage của những người thích trồng rau đăng tin "giao lưu", ai có giống rau dại thì trao đổi. Cứ nhà nọ có giống này thì đổi cho nhà kia, đỡ mất công lặn lội tìm kiếm.
Sau hơn một năm tìm giống, giờ rau dại được chị trồng cả vườn trên sân thượng, thậm chí dưới gốc mấy cây cảnh chị cũng trồng các loại rau sam, rau dền cơm.
"Rau dại dễ trồng, dễ chăm, rau lâu tàn, hầu như chỉ bỏ hạt, hoặc cấy cây con xuống đất là nó tự mọc lên, chẳng phải phân tro bón gì mà cây nào cây ấy vẫn tươi tốt mỡ màng. Có nhiều loại như dền cơm, sam, tầm bóp,... chỉ cần trồng một lần. Đến lúc chúng già ra hoa, đậu hạt, hạt đó tự rụng xuống đất rồi lại mọc lên cây, mình không phải trồng lại", chị nói.
Người khôn ăn rau dại
Theo lời chị Ngân Khánh, ngoài dễ trồng, các loại rau dại ăn còn ngon, rất hấp dẫn. Có thể nấu được đủ các món từ nấu canh, xào, luộc đến làm nộm, thậm chí ăn sống được.
Bên cạnh đó, các loại rau dại ăn còn rất tốt cho sức khỏe, nhiều loại được coi như những vị thuốc quý. Ví dụ, rau càng cua chỉ cần rửa sạch, chấm với các món kho hoặc mắm; làm gỏi bằng cách trộn với tép bạc tươi, thịt ba chỉ luộc, đậu phộng rang giã dập và rau húng quế; làm món xà lách với thịt bò, dầu giấm, trứng luộc; với cá mòi đóng hộp và hành tây,... đều là những món giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, giải khát.
"Hay như rau đắng đất, ăn sống hoặc ăn với cháo cá lóc, cá rô đồng. Món này có mùi thơm hấp dẫn, bổ dưỡng, nhuận gan và giải độc".
Tuy nhiên, chị Khánh cũng bật mí, khi chế biến các loại rau dại, không nên nấu rau trực tiếp vì chúng thường hay có vị đắng, chát, trước khi nấu nên chần qua một lần nước sôi.
Anh Nghĩa khoe, từ lúc trồng được vườn rau dại trên sân thượng, thỉnh thoảng bạn bè lại ngỏ ý muốn đặt cơm nhà anh để được thưởng thức những món rau dại nhà trồng được.
"Ăn ngon, lạ miệng thảo nào mà các cụ xưa vẫn bảo người khôn mới ăn rau dại. Giờ có thằng bạn thân nhất, cứ cuối tuần nó lại kéo vợ con nó qua nhà xin bữa cơm ăn với rau dại", anh kể.
Các chuyên gia y tế cũng thừa nhận rằng rau dại là loại dễ mọc, dễ trồng, dễ chăm sóc, ăn ngon, lạ miệng và đặc biệt có những loại rau dại còn được coi là vị thuốc quý, tốt cho sức khỏe. Đơn cử như rau càng cua ăn giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc; rau đắng đất ăn giúp nhuận gan, bổ dưỡng; bồ công anh nấu canh hoặc nấu cháo ăn giúp nhuận gan, mật, giải độc, lợi tiểu, tăng cường sức đề kháng, chống loãng xương.
Tuy nhiên, ngoài những lợi ích về sức khỏe khi ăn các loại rau dại, các chuyên gia y tế cũng khuyến cao người dân trước khi ăn nên tìm hiểu kỹ bởi có nhiều loại rau chống chỉ định với một số bệnh, như người bị sỏi thận không được ăn rau càng cua.