THẾ GIỚI 24H: Trung – Nhật trao đổi về Sách Trắng quốc phòng

TPO - Một phái đoàn giới chức báo chí của Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã tới thăm Nhật Bản trong 2 ngày 17-18/6 và trao đổi quan điểm với những người đồng cấp Nhật Bản về các Sách Trắng cũng như thông cáo báo chí.
Quân đội Trung Quốc. (Nguồn: TTXVN/www.ibtimes.com)

Các nguồn tin Bộ Quốc phòng Trung Quốc ngày 18/6 cho biết chuyến thăm trên là 1 phần của chương trình trao đổi quốc phòng giữa 2 quốc gia trong năm nay.

Phái đoàn Trung Quốc đã giải thích cho phía Nhật Bản về Sách Trắng "Chiến lược Quân sự Trung Quốc" công bố hồi tháng 5, trong khi phía Nhật Bản cũng giải thích về Sách Trắng của nước này. Hai bên cũng trao đổi quan điểm về công thức và nội dung của Sách Trắng, đồng thời bày tỏ sự tin tưởng rằng việc trao đổi này sẽ giúp tăng cường sự hiểu biết và giải tỏa quan ngại, theo Vietnamplus.

Các vấn đề về hợp tác và an ninh Biển Đông đã được đưa ra thảo luận trong Hội thảo quốc tế diễn ra ngày 18 tháng 6 tại Moscow, Liên bang Nga.

Nhà nghiên cứu chính trị Maxim Syunnerberg, một trong những vị khách tham dự hội nghị cho biết: “Việc cần thiết phải tổ chức diễn đàn khoa học này xuất phát từ thực tế là xung đột Biển Đông đã trở thành một trong những điểm xung đột căng thẳng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á nói chung. Các nước xung đột đã mất nhiều thời gian đàm phán, nhưng đến giờ vẫn chưa thể thỏa hiệp và tìm được phương án giải quyết. Về tình hình này, các chuyên gia có những cách đánh giá khác nhau, và quan điểm của các nhà khoa học từ những nước không trực tiếp tham gia xung đột đặc biệt có giá trị”, theo Sputnik. 

Trong một cuộc họp với cựu Thủ tướng Anh Tony Blair ngày 18/6, Tổng thống Ukraine Poroshenko đã đề nghị ông này giữ một vị trí trong Hội đồng Tư vấn Quốc tế về cải cách đất nước Ukraine.

Theo ông Poroshenko, ở vị trí này, cựu thủ tướng Anh Blair có thể chia sẻ kinh nghiệm của của mình trong lĩnh vực hành chính công. Phản ứng của cựu Thủ tướng Anh về đề xuất này hiện vẫn chưa rõ. Hội đồng Tư vấn Quốc tế về cải cách dưới thời Tổng thống Ukraine Poroshenko được thành lập ngày 13/2/2015, gồm thành viên của nghị viện châu Âu, Jacek Saryusz-Wolski, cựu Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thụy Điển Carl Bildt và cựu Thủ tướng Lithuania Andrius Kubilius.

Hạ viện Mỹ ngày 18/6 đã thông qua dự luật “quyền xúc tiến thương mại” (TPA – Trade Promotion Authority) – một dự luật thúc đẩy quyền của tổng thống trong đàm phán các thỏa thuận thương mại.

Sau khi được hạ viện thông qua, phiên bản TPA này sẽ được đưa trở lại thượng viện để các nghị sĩ bỏ phiếu. Trên thực tế, trước đó, Thượng viện đã thông qua TPA nhưng số phận của nó gắn liền với dự luật Điều chỉnh Hỗ trợ Thương mại (TAA) - dự luật đã bị các nghị sĩ Dân chủ ở hạ viện đồng loạt bỏ phiếu chống hồi tuần trước.

Ngày 18/6, phái đoàn Iran, Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đã tiến hành gặp ba bên tại Vienna (Áo) thảo luận về vấn đề hạt nhân của Tehran. Dự kiến ngày 19/6 phái đoàn Nga và Trung Quốc cũng sẽ tham gia đàm phán.

Chỉ còn chưa đầy 2 tuần nữa là đến thời hạn chót Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) đặt ra để hoàn tất một thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Tehran. Tuy nhiên hiện vẫn còn bất đồng về các vấn đề như cho phép các chuyên gia quốc tế tới các cơ sở hạt nhân và tiếp xúc với các chuyên gia hạt nhân của Iran, kiểm soát xuất khẩu cũng như một số khía cạnh trong chương trình làm giàu phóng xạ và các biện pháp trừng phạt.

Ngày 18/6, các quan chức y tế Thái Lan thông báo một doanh nhân đến từ Oman, 75 tuổi, đã được xác định nhiễm virus Hội chứng hô hấp vùng Trung Đông (MERS).

Đây là trường hợp nhiễm bệnh đầu tiên được phát hiện ở Thái Lan kể từ khi dịch bệnh nguy hiểm này bùng phát ở Hàn Quốc. Bộ trưởng Y tế Thái Lan Rajata Rajatanavin khẳng định: "Qua các kết quả xét nghiệm, chúng tôi có thể khẳng định đã phát hiện virus MERS". Bộ trưởng còn cho biết người đàn ông này đã cùng với gia đình tới Thái Lan vài ngày trước.

Ngày 18/6, Liên Hiệp Quốc (LHQ) thông báo xung đột và bạo lực khắp thế giới đã đẩy gần 60 triệu người vào tình cảnh phải bỏ nhà cửa đi di tản trong năm 2014. Đây là con số cao kỷ lục.

Báo cáo “Thế giới trong chiến tranh” của Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết tính đến cuối năm 2014, tổng cộng 59,5 triệu người buộc phải dời bỏ nhà cửa đi lánh nạn “vì xung đột, bạo lực, các hành vi vi phạm nhân quyền”. Con số này cao hơn hẳn so với mức 51,2 triệu người của năm 2013 và 37,5 triệu người 10 năm trước đây. Nếu tất cả những người tị nạn tập trung thành một quốc gia thì nó sẽ là đất nước có dân số đông thứ 24 trên thế giới.

Quốc hội ngày 18/6 đã phê chuẩn thỏa thuận vay 1,8 tỷ euro (2 tỷ USD) của Liên minh châu Âu (EU). Quyết định trên được Quốc hội Ukraine đưa ra sau khi nhận được sự ủng hộ của 310/450 nghị sĩ. Theo nguồn tin, khoản vay này, phải hoàn trả trong 15 năm, sẽ được giao làm 3 đợt, mỗi đợt là 600 triệu euro trong thời gian 3 tháng/lần. Khoản tiền này được dự kiến sẽ giúp Ukraine bình ổn tài chính và tăng dự trữ ngoại tệ.

Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bà Christine Lagarde ngày 18/6 cảnh báo Hy Lạp sẽ vỡ nợ vào đầu tháng 7 mặc dù không hề muốn chứng kiến việc này xảy ra.

Phát biểu sau cuộc họp với các bộ trưởng tài chính Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu tại Luxembourg, bà Lagarde nhấn mạnh: “Theo như tôi thấy thì 30/6 là ngày Hy Lạp phải thanh toán các khoản nợ một lần cho Quỹ Tiền tệ quốc tế và không có thời gian ân hạn hay hai tháng trì hoãn. Vào ngày 1/7, việc trả nợ của Hy Lạp sẽ không còn giá trị”.

Bộ Tài chính Mỹ ngày 18/6 thông báo, tờ 10 USD sẽ được thiết kế lại với hình ảnh người phụ nữ và sẽ được công bố vào năm 2020 để kỷ niệm 100 năm ngày sửa đổi Hiến pháp Mỹ, công nhận quyền bầu cử của phụ nữ.

Bộ Tài chính Mỹ khẳng định sẽ tham khảo ý kiến của dư luận về việc lựa chọn ai thay thế cho ông Alexander Hamilton, nhân vật hiện đang được in trên tờ 10 USD và từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính đầu tiên của Mỹ. Hình ảnh ông Alexander Hamilton xuất hiện lần đầu tiên trên tờ 10 USD từ năm 1929.