THẾ GIỚI 24H: Tổng thống Nga Putin nói gì khi tái xuất?

TPO - Xuất hiện lần đầu sau 11 ngày vắng bóng với vô số đồn đoán, chiều 16/3, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xuất hiện trở lại trong cuộc gặp người đồng cấp Kyrgyzstan và vui vẻ nói rằng: Cuộc sống sẽ rất nhàm chán nếu thiếu tin đồn.
Tổng thống Nga Putin tái xuất sau 11 ngày vắng bóng

Phát biểu trước báo giới về những suy đoán của giới truyền thông toàn cầu về “sự mất tích” của ông trong hơn 10 ngày qua, Tổng thống Nga vui vẻ nói rằng: “Cuộc sống sẽ thật nhàm chán nếu thiếu tin đồn”. Sự xuất hiện của người đứng đầu nước Nga được truyền thông Nga đưa tin là diễn ra tại một cuộc họp với người đồng cấp Kyrgyzstan, ông Almazbek Atambayev tại St. Petersburg, Liên bang Nga vào chiều nay 16/3. Ông Putin đã không xuất hiện trước công chúng cũng như không lên sóng truyền hình trực tiếp kể từ ngày 5/3. Trước đó đã xuất hiện nhiều tin đồn liên quan đến tình trạng sức khỏe của Tổng thống Putin sau khi ông hoãn chuyến thăm tới Kazakhstan theo dự kiến vào ngày 13/3. (Xem chi tiết)

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 16/3 cho rằng những kế hoạch của Mỹ, nhằm chuyển vũ khí cho Ukraine để giao tranh với quân ly khai ở miền Đông Ukraine, sẽ tác động trực tiếp tới thỏa thuận hòa bình Minsk được ký hồi tháng trước. Trước đó, Ukraine đã đề nghị Mỹ viện trợ sát thương cho nước này. Trong khi đó, Quốc hội Mỹ muốn Tổng thống nước này Barack Obama phản ứng cứng rắn hơn sau khi các cơ quan tình báo Mỹ cáo buộc các xe tăng và pháo của Nga vượt qua biên giới sang lãnh thổ của Ukraine

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko ngày 16/3 đã tới Berlin để hội đàm với người đồng cấp Đức Joachim Gauck trước khi có cuộc gặp với Thủ tướng Merkel, thảo luận về cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine. Trước đó, khi trả lời phỏng vấn tờ nhật báo Bild của Đức, Tổng thống Poroshenko cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn Minsk đang bị vi phạm đồng thời kêu gọi phương Tây gia tăng lệnh trừng phạt Nga. Tổng thống Poroshenko cáo buộc phe đòi ly khai ở miền Đông do Nga hậu thuẫn đã vi phạm lệnh ngừng bắn với quân đội Ukraine.

Nhận định tình hình ở khu vực xung đột ở Donbass tiềm ẩn nhiều rủi ro, Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk yêu cầu Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang nước này luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Hãng Lenta chiều ngày 16/3 dẫn lời Thủ tướng Ukraine Yatsenyuk cho biết: “Tình hình ở khu vực xung đột Donbass tiềm ẩn nhiều rủi ro. Yêu cầu Bộ Quốc phòng và Bộ Tổng tham mưu đảm bảo các lực lượng vũ trang Ukraine luôn ở trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất”. Thủ tướng Ukraine nói rằng: “Tình hình còn khó khăn, ‘quân khủng bố’ sẽ không rút lui ở thời điểm này. Vì vậy, tất cả chúng ta cần nêu cao tính kỷ luật và trách nhiệm”. (Xem chi tiết).

Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine đã hoàn thành phần bổ sung nói về sự kiện Maidan và chiến tranh Ukraine-Nga vào sách sử lớp 11. Cơ quan báo chí Bộ Giáo dục và Khoa học Ukraine ngày 16/3 cho biết, một nhóm nhà giáo dục đã viết ra cuốn hướng dẫn giảng dạy dày 40 trang dành cho giáo viên và một mục bổ sung trong cuốn giáo khoa Sử lớp 11 dày 25 trang. Phần bổ sung này đề cập đến "cách mạng nhân phẩm" (cách mà các nhà cầm quyền gọi những sự việc xảy ra trong tháng 1,2/2014 tại Ukraine), đến cuộc đảo chính và về "cuộc chiến tranh Ukraine-Nga". Bộ Giáo dục Ukraine khẳng định tài liệu này không được in bằng ngân sách quốc gia và sẽ sớm được ra mắt.

Ngày 16/3, Thứ trưởng Quốc phòng Iraq Ibrahim al-Ilami cho rằng nước này cần thêm các cuộc không kích để đánh bật phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) khỏi thành phố Tikrit. Theo ông al-Ilami, chiến dịch nhằm giành lại thành phố là quê nhà của cố lãnh đạo bị lật đổ Saddam Hussein này bị ngưng trệ trong ngày thứ 4 do các loại bom tự chế và những cạm bẫy khác. Thứ trưởng al-Ilami nói: "Chúng tôi cần sự hỗ trợ trên không từ bất cứ lực lượng nào có thể phối hợp với chúng tôi chống IS”. Liên minh do Mỹ cầm đầu rõ ràng đã vắng bóng trong cuộc tấn công nhằm giành lại quyền kiểm soát Tikrit. Đây là chiến dịch lớn nhất do lực lượng Iraq tiến hành kể từ khi IS giành quyền kiểm soát 1/3 lãnh thổ nước này, trong đó bao gồm cả Tikrit, từ mùa hè năm ngoái.

Theo báo cáo mới nhất của Viện nghiên cứu Hòa bình thế giới Stockholm (SIPRI) công bố ngày 16/3, Nga giữ vị trí thứ 2 trong danh sách các nhà xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới trong giai đoạn 2010-2014. Cũng theo báo cáo này, Mỹ tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu. Cụ thể, Nga hiện chiếm 27% thị phần xuất khẩu vũ khí toàn cầu và tỷ trọng xuất khẩu vũ khí đã tăng tới 37% trong 4 năm qua. Vũ khí Nga được xuất khẩu tới hơn 56 quốc gia trên thế giới và 60% kim ngạch xuất khẩu vũ khí của nước này là dành cho Ấn Độ, Trung Quốc và Algeria. Trong khi đó, Mỹ chiếm 31% thị phần vũ khí toàn cầu, tăng trưởng 23%. Khu vực Trung Đông là “khách hàng vàng” đối với Mỹ khi chiếm 32% tổng giá trị các hợp đồng vũ khí xuất ra nước ngoài của nước này.(Xem chi tiết)

Tập đoàn Airbus Helicopters và đối tác Korean Aerospace Industries (KAI) của Hàn Quốc ngày 16/3 đã ký một hợp đồng khổng lồ chế tạo ít nhất là 300 trực thăng hạng nhẹ dùng cho mục đích quân sự và dân sự. Theo đó, một nửa số trực thăng này sẽ được chế tạo tại Pháp. Đây là một hợp đồng rất lớn vừa mới được ký giữa Airbus Helicopters và đối tác KAI của Hàn Quốc, trị giá 2,8 tỷ euro, trong đó một nửa thuộc về Airbus. Hợp đồng bao gồm việc phát triển và chế tạo 214 trực thăng tấn công hạng nhẹ và khoảng 100 trực thăng dân dụng được dùng vào việc vận chuyển nhân viên và cứu hộ trên biển. Số trực thăng này sẽ là mô hình cải tiến của phiên bản Dauphin 55 của Airbus. Đặc biệt, 50% số trực thăng nói trên sẽ được chế tạo dưới dạng các bán thành phẩm trong các nhà máy của Tập đoàn Airbus tại Pháp và sau đó chuyển cho các dây chuyền sản xuất tại Hàn Quốc. 

Cảnh sát Brazil ngày 16/3 đã tiến hành một đợt bắt giữ mới liên quan tới đến bê bối tham nhũng của Tập đoàn dầu khí quốc gia Brazil (Petrobras), một ngày sau khi nổ ra biểu tình diện rộng phản đối tình hình kinh tế giảm sút. Tuyên bố của cảnh sát liên bang cho biết họ có lệnh bắt giữ đối với 18 đối tượng tình nghi liên quan trong vụ tham nhũng quy mô lớn và rửa tiền ước tính lên tới 3,8 tỷ USD kéo dài suốt một thập kỷ qua. Các lệnh bắt đang được tiến hành tại các thành phố Sao Paulo và Rio de Janeiro. Trong số các mục tiêu của đợt truy quét lần này có cựu Giám đốc phụ trách bộ phận dịch vụ của Petrobras Renato Duque, được cho là một nhân vật có vai trò lớn trong vụ việc. Các đối tượng bắt giữ trong chiến dịch mới nhất này không có ai làm việc trong chính phủ. Đến nay, đã có 49 chính trị gia đang bị điều tra trong bê bối Petrobras.

Đồng euro giảm xuống mức thấp kỷ lục mới trong 12 năm so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày 16/3, trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã khởi động chương trình mua trái phiếu khổng lồ, và nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp trong tuần này của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Trong phiên giao dịch sáng 16/3 tại Tokyo, có thời điểm, đồng euro được giao dịch ở mức 1,0451 USD/euro, mức thấp nhất kể từ tháng 1/2003, so với mức 1,0489 USD tại New York cuối tuần trước, trước khi phục hồi lên 1,0543 USD trong phiên chiều 16/3. Cũng trong phiên chiều 16/3 tại Tokyo, đồng tiền chung châu Âu tăng từ 127,38 yen/euro tại Mỹ phiên trước lên 127,77 yen/euro. Trong khi đó, đồng USD giảm từ 121,44 yen/USD xuống 121,22 yen/USD, theo Vietnamplus.