Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga, Thiếu tướng Igor Konashenkov ngày 4/2 tuyên bố: “Chúng tôi có những cơ sở nghiêm trọng để nghi ngờ Thổ Nhĩ Kỳ đang tích cực chuẩn bị cho một cuộc xâm lược quân sự vào lãnh thổ của quốc gia có chủ quyền – Cộng hòa Ả Rập Syria… Những dấu hiệu của việc chuẩn bị bí mật các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ cho những hành động trên lãnh thổ Syria đang được chúng tôi ghi nhận ngày một nhiều hơn”. Theo ông Konashenkov, Nga trước đó đã công bố trước cộng đồng quốc tế những bằng chứng video không thể chối cãi, quay cảnh các tổ hợp pháo tự hành Thổ Nhĩ Kỳ đang nã đạn vào các khu dân cư Syria ở phía bắc Latakia.
Ngày 4/2, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã từ chối cho phép một máy bay trinh sát của Nga bay qua phần lãnh thổ nước này gần Syria vì không chấp nhận kế hoạch bay này, trong bối cảnh quan hệ Moscow – Ankara đang ở mức thấp nhất thời hậu Chiến tranh Lạnh. Bộ trên nêu rõ: “Không thể đạt được sự nhất trí về hành trình của chuyến bay trinh sát từ ngày 2-5/2/2016 theo yêu cầu của phía Liên bang Nga”. Tuyên bố trên được đưa ra một ngày sau khi Nga cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm hiệp định Bầu trời mở khi từ chối cho máy bay Nga bay qua không phận.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tuyên bố nước này không có ý định tham gia chạy đua vũ trang với Mỹ, song bất kỳ bước đi không thân thiện nào sẽ nhận được sự đáp trả thích đáng. Bà Zakharova khẳng định: "Chúng tôi đã đưa ra tuyên bố về kế hoạch của Lầu Năm Góc về tăng chi tiêu quân sự lên 4 lần vào năm 2017, với trọng tâm chính là chiến trường châu Âu. Điều này diễn ra với cái cớ là để kiềm chế Nga."
Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), cơ quan đang giám sát tình hình ở miền Đông Ukraine, cho biết đã ghi nhận tình trạng bạo lực "tăng mạnh" tại khu vực bất ổn này trong những ngày vừa qua. Phó trưởng Phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE ở Ukraine (SMM), ông Alexander Hug nêu rõ: "Tình trạng (bạo lực) gia tăng không chỉ ở mức nguy hiểm mà thậm chí còn tồi tệ hơn, nó ở mức phi lý. Mức độ bạo lực khiến tôi nhớ lại những ngày tồi tệ nhất của cuộc xung đột. Nó khiến lệnh ngừng bắn giống như một trò hề."
Ngày 4/2, Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Seiji Kihara đã nhóm họp với đại diện của 9 nước ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) tại thủ đô Tokyo về vấn đề Triều Tiên. Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Kihara cho biết Nhật Bản muốn phối hợp chặt chẽ với các nước trên để kêu gọi Triều Tiên kiềm chế, trong đó có cả kế hoạch phóng tên lửa của Bình Nhưỡng.
Ngày 4/2, các lực lượng đặc nhiệm của Mỹ, được huấn luyện để đối phó với vũ khí hủy diệt hàng loạt của Triều Tiên, đã đến Hàn Quốc để tham gia cuộc tập trận chung với Bộ chỉ huy chiến tranh đặc biệt tại đây. Các binh sĩ nêu trên thuộc Trung đoàn biệt kích số 75 và Nhóm các lực lượng đặc nhiệm số 1 – là những thành phần chủ chốt của các chiến dịch đặc biệt trên bộ của Mỹ. Việc triển khai này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang do Triều Tiên có kế hoạch phóng một tên lửa tầm xa trong khoảng từ ngày 8-25/2, vài tuần sau vụ thử hạt nhân lần thứ 4 của Bình Nhưỡng hôm 6/1.
Ngày 4/2, một quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên cho biết tại Libya đã chứng kiến sự gia tăng số lượng các phần tử cực đoan thuộc nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, trong khi số lượng các phần tử thánh chiến tại Iraq và Syria đã giảm hàng nghìn tay súng. Theo nguồn tin, khoảng 5.000 chiến binh IS hiện đang có mặt tại Libya, cao hơn so với tính toán trước đó là từ 2.000-3.000 người. Mỹ tin rằng hiện có khoảng 19.000-25.000 chiến binh IS tại Iraq và Syria, thấp hơn so với ước tính trước đó là từ 20.000-30.000 tay súng.
Ngày 4/2, nhà điều hành các sân bay Tây Ban Nha Aena cho biết theo kế hoạch, chuyến bay mang số hiệu SVA 226 sẽ cất cánh lúc 10h54 theo giờ địa phương từ Madrid tới Riyadh. Tuy nhiên, chuyến bay đã bị hoãn lại sau khi người ta phát hiện một cảnh báo trong nhà vệ sinh rằng “trên máy bay có bom”. Aena cho hay toàn bộ hành khách và phi hành đoàn đã được sơ tán khỏi máy bay. Báo động trên không ảnh hưởng tới bất cứ chuyến bay đến và đi nào khác của sân bay này.
Ngày 4/2, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương (CCDI) Đảng Cộng sản Trung Quốc thông báo cách chức Tỉnh trưởng, Phó Bí thư Tỉnh ủy Tứ Xuyên, ông Ngụy Hoành, vì "vi phạm kỷ luật nghiêm trọng". Theo CCDI, điều tra cho thấy ông Ngụy Hoành không trung thành và không trung thực với Đảng và phớt lờ nhiều cơ hội sửa chữa sai lầm. Ông Ngụy Hoành đã tìm cách cản trở điều tra và không chịu nhận tội, vi phạm nghiêm trọng quy tắc hành vi về chính trị và tổ chức của Đảng. Ngoài ra, ông còn bị phát hiện can thiệp vào các hoạt động tòa án.
Ngày 4/2, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) cho biết nước này sẽ tham gia tích cực và thúc đẩy các thỏa thuận thương mại tự do khu vực mang những đặc tính minh bạch, thông thoáng và toàn diện. Tuyên bố của MOC nêu rõ bộ này đã chú ý sự kiện ký Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang cân nhắc về thỏa thuận thương mại khu vực mà Trung Quốc chưa ký kết này. MOC đánh giá TPP là một thỏa thuận có phạm vi rộng, và Trung Quốc đang nghiên cứu, tiến hành đánh giá về thỏa thuận này.