Trong cuộc trưng cầu ý dân về việc đi hay ở lại EU hôm 23/6 vừa qua, 62% cử tri Scotland đã ủng hộ Anh ở lại EU trong khi 32% cử tri ủng hộ Brexit. Theo một thỏa thuận liên quan tới chia sẻ một số quyền hạn của Vương quốc Anh cho Scotland, Xứ Wales và Bắc Ireland, đạo luật do London ban hành nhằm thông qua quyết định rời EU sẽ phải có được sự đồng thuận của 3 cơ quan lập pháp của cả 3 vùng trên.
Gần 3 triệu người Anh đã ký vào một bản kiến nghị kêu gọi tổ chức trưng cầu dân ý lần hai, chỉ vài ngày sau khi cử tri Anh bỏ phiếu ủng hộ rời Liên minh châu Âu trong cuộc trưng cầu dân ý hôm 23/6. Theo quy định của Anh, quốc hội phải cân nhắc tiến hành thảo luận về bất kỳ đơn kiến nghị nào được đăng tải trên trang web của cơ quan này mà thú hút trên 100.000 chữ ký. (XEM CHI TIẾT)
Thụy Sỹ ngày 26/6 cho biết sẽ đề xuất đàm phán với EU về việc cho phép bảo vệ một số lĩnh vực kinh tế ở các khu vực đặc biệt trước làn sóng nhập cư. Đến tháng 2 năm sau, chính phủ Thụy Sỹ phải thực hiện một quyết định đưa ra sau cuộc trưng cầu ý dân mang tính ràng buộc năm 2014 về việc giới hạn dòng người nhập cư trong bối cảnh 1/4 dân số nước này là người nước ngoài. Tuy nhiên, việc hạn chế dòng người nhập cư có thể vi phạm một số hiệp định kinh tế song phương mà trong đó Thụy Sỹ cho phép lao động tự do đi lại.
Ngày 26/6, Thủ tướng Hàn Quốc Hwang Kyo-ahn đã tới Trung Quốc để thảo luận với lãnh đạo nước chủ nhà về các vấn đề Triều Tiên cũng như các vấn đề song phương. Trong ngày 27/6, ông Hwang Kyo-ahn sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và người đồng cấp Lý Khắc Cường ở Bắc Kinh để thảo luận về vụ phóng tên lửa Musudan gần đây của Triều Tiên, cũng như ảnh hưởng của động thái này đối với hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.
Quân đội Afghanistan ra tuyên bố cho biết 16 phiến quân Taliban đã bị tiêu diệt trong một trận oanh kích bằng máy bay không người lái của Mỹ ở tỉnh Kunduz, miền Bắc nước này. Sư đoàn 20 Pamir đồn trú ở tỉnh Kunduz ra tuyên bố xác nhận: "Thủ lĩnh cấp cao Taliban là Mullah Jannat Gul cùng với 15 thuộc hạ của hắn đã bị tiêu diệt sau khi một máy bay không người lái của lực lượng quốc tế tấn công 2 xe đang chạy dọc quốc lộ Quash Tipa, huyện Chahar Dara đêm 25/6".
Ngày 26/6, tổ chức khủng bố "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng đã công bố đoạn băng video quay cảnh hành quyết 5 nhà hoạt động truyền thông làm việc tại thành phố do IS chiếm đóng ở miền Đông Syria.
Đoạn video dài 15 phút đã được công bố trên internet vào ngày 26/6, song Tổ chức giám sát nhân quyền Syria (SOHR) cho rằng 5 nhà hoạt động truyền thông trên đã bị IS bắt giam từ tháng 10/2015 và được cho là đã bị giết hại hồi tháng 12/2015.
Bộ trưởng Giao thông Australia Darren Chester, quan chức chịu trách nhiệm giám sát cuộc tìm kiếm chiếc phi cơ mang số hiệu MH370, cho biết "một mảnh vỡ máy bay" đã được phát hiện ngoài khơi đảo Pemba của Tanzania hôm 26/6. Cục An toàn Giao thông Australia đang thu thập thêm thông tin để xác định liệu mảnh vỡ trên có phải là của máy bay MH370 hay không. (XEM CHI TIẾT)
Một quan chức quốc phòng giấu tên cho biết một máy bay vận tải quân sự C-130 của Malaysia, trong khi bay thường kỳ qua khu vực quần đảo Natuna của Indonesia, đã bị hai chiến đấu cơ Indonesia chặn lại. Chiếc C-130 trên hôm 25/6 khởi hành từ phía Tây Malaysia để tới bang Sabah ở phía Đông nước này. Theo vị quan chức trên, chuyến bay qua quần đảo Natuna là tuân theo lộ trình thường kỳ.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Ursula von der Leyen lần đầu lên tiếng kêu gọi Nga công khai số lượng binh sĩ có trong biên chế và sự dịch chuyển quân của nước này. Bà Ursula von der Leyen nói: “Sẽ là hợp lý nếu Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Nga công khai về sự dịch chuyển và số lượng quân trong khuôn khổ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Về phía NATO, vốn là liên minh phòng thủ, đề nghị đó đã được đưa ra từ lâu”. (XEM CHI TIẾT)