THẾ GIỚI 24H: Nga không trừng phạt Pháp vụ tàu Mistral

TPO - Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm nay 16/4 tuyên bố Nga sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Pháp về vụ nước này không hoàn thành hợp đồng giao hai tàu tấn công đổ bộ lớp Mistral. 
Chiếc tàu lớp Mistral đầu tiên được Pháp đóng cho Nga. Ảnh: AFP.

Hợp đồng nói trên được ký hồi năm 2011 trị giá 1,5 tỉ USD. Theo đó, Pháp sẽ lần lượt giao cho Nga 2 tàu đổ bộ tấn công lớp Mistral, hay còn gọi là tàu trực thăng, vào năm 2014 và 2015. Tuy nhiên, Pháp đã tạm ngưng giao chiếc đầu tiên trong số 2 tàu lớp Mistral cho Nga do cuộc khủng hoảng ở Ukraine. Ông Putin còn khẳng định quyết định trên của Pháp không làm tổn hại khả năng phòng thủ của Nga.

Theo Đài RFI, Reuters dẫn nguồn hãng tin RIA của Nga cho biết, Hy Lạp đang thương lượng với Nga để mua các tên lửa mới trang bị cho hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 mà Athens hiện đang sử dụng. Chính Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos được cho là đã loan báo tin trên hôm 15/4, đồng thời cho biết bên cạnh việc mua tên lửa mới, Hy Lạp còn nhờ Nga bảo trì hệ thống chống tên lửa.

Theo Kyodo, ngày 16/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho hay, ông sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán với Nhật Bản về tranh chấp lãnh thổ kéo dài hàng thập kỷ qua giữa hai nước theo Tuyên bố chung Nhật-Xô năm 1956. Ông Putin nhấn mạnh Tokyo là bên phải chịu trách nhiệm trước việc các cuộc đàm phán bị đình trệ. Ông Putin cũng cho rằng việc Nga sáp nhập Crimea hồi năm ngoái sẽ không ảnh hưởng tới chính sách ngoại giao của Nga với Nhật Bản, trong đó có việc đàm phán ký kết một hiệp ước hòa bình và tìm cách giải quyết tranh chấp lãnh thổ kéo dài suốt 70 năm qua giữa hai nước.

Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 16.4 tố cáo Washington gây áp lực để một số lãnh đạo thế giới không tham gia những sự kiện bao gồm lễ duyệt binh tại Nga nhân kỷ niệm lần thứ 70 kết thúc Chiến tranh thế giới thứ 2 ở châu Âu. Nga sẽ tiến hành cuộc duyệt binh vào ngày 9/5. Ông Putin nói lễ duyệt binh này là nhằm thể hiện “sự tôn trọng dành cho những nạn nhân của phát xít Đức và để tưởng nhớ những người chiến thắng chủ nghĩa phát xít Đức”, theo Reuters. Tuy nhiên, nhiều lãnh đạo phương Tây đã từ chối tham gia bởi vì Moscow bị cáo buộc viện trợ phe ly khai ở miền đông Ukraine. Nga luôn bác bỏ cáo buộc này. Tổng thống Putin nói: “Đây là lựa chọn cá nhân của mỗi vị lãnh đạo và là quyết định của đất nước mà họ đại diện” và Washington đã bảo họ không nên tham dự “mặc dù nhiều lãnh đạo thế giới muốn tham dự”.

Liên minh châu Âu (EU) thông báo Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc cùng với Đức) sẽ tổ chức các cuộc đàm phán mới tại thủ đô Vienna của Áo vào ngày 22-23/4 nhằm phát triển thỏa thuận khung từng đạt được trước đó liên quan tới chương trình hạt nhân của Tehran. Thông báo cho hay hai bên “sẽ tiếp tục cộng tác để hướng tới một giải pháp toàn diện cho vấn đề hạt nhân của Iran dựa trên những nhận thức quan trọng từng đạt được tại Thụy Sĩ hôm 2/4”.  Phát biểu trong một cuộc họp báo hôm qua, nhà lập pháp tỉnh Anbar ông Khamis al-Mahlawi cho biết, nhóm phiến quân khủng bố đã hành quyết 300 người tại tỉnh này. Phần lớn là người dân các bộ tộc du mục tại Anbar, phía Tây Iraq. Ông al-Mahlawi nhấn mạnh rằng, IS vẫn đang thực hiện những tội ác khủng bố nhằm vào người dân Iraq, đặc biệt là người dân các bộ tộc như Abu Mahal, al-Karabla, al-Salman, Albu Obaid và al-Raoyen. Ông cũng kêu gọi chính phủ Iraq và các lực lượng tình nguyện can thiệp ngay lập tức để chấm dứt tội ác này, đồng thời yêu cầu cộng đồng quốc tế có hành động tiêu diệt phiến quân khủng bố IS. Theo Đài KBS, trang web thông tin chính trị và quân sự của Mỹ, "Washington Free Beacon" hôm 15/4 (theo giờ địa phương) dẫn lời một quan chức tình báo cấp cao của Mỹ cho biết Triều Tiên nhiều khả năng đã xuất khẩu các phụ tùng tên lửa cho Iran trong khoảng cuối năm 2014. Trang này nhấn mạnh nếu đó là sự thật thì Bình Nhưỡng đã vi phạm trắng trợn nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Ngày 16/4 Ấn Độ đã phóng thử thành công tên lửa đạn đạo Agni-III do nước này tự chế tạo có khả năng mang đầu đạn hạt nhân. Tên lửa đất đối đất Agni-III có tầm bắn hơn 3.000 km, được phóng từ một bệ phóng phức hợp tại căn cứ quân sự trên đảo Inner Wheeler, ngoài khơi bờ biển bang Odisha, miền Đông Ấn Độ. Agni-III là tên lửa hai tầng, hoạt động bằng nhiên liệu rắn, dài 16 mét, nặng 48 tấn và có khả năng mang các đầu đạn trọng lượng tới 1,5 tấn.

Tại Hội nghị Đông Á về khôi phục tôn giáo và hội nhập xã hội, hôm 16/4, Phó Thủ tướng Singapore Teo Chee Hean cho rằng mối đe dọa an ninh bắt nguồn từ “những đối tượng tham chiến ở Iraq và Syria trở về nước" sẽ kéo dài hàng thập niên tới. Theo ông Teo Chee Hean, số lượng các tay súng cực đoan hiện lên tới 20.000 người. Chúng có thể tiếp tục thực hiện các vụ tấn công tại quê nhà, hoặc thúc đẩy chương trình bạo lực của IS bằng cách thành lập các nhóm khủng bố riêng ngay sau khi chúng rời khỏi cuộc chiến ở Trung Đông.

Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết nền kinh tế Nga có thể trở lại đà tăng trưởng trong chưa đầy 2 năm tới, đồng thời cho rằng ít có khả năng Phương Tây sớm dỡ bỏ trừng phạt kinh tế nhằm vào Moskva liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine. Ông Putin thừa nhận rằng nền kinh tế Nga gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh giá dầu toàn cầu giảm cũng như hứng chịu các biện pháp trừng phạt, song khẳng định: "Với những gì chúng ta đang chứng kiến, đồng ruble đang mạnh dần và sự tăng trưởng của các thị trường... Tôi cho rằng điều đó (khả năng nền kinh tế Nga trở lại tăng trưởng trong vòng 2 năm) có thể xảy ra sớm hơn." Ngoài ra, ông Putin cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của các cường quốc Phương Tây mang động cơ chính trị, "không liên quan trực tiếp đến các sự kiện ở Ukraine."