Thầy trò Cao đẳng y tế Lâm Đồng vào tâm dịch Bình Dương

TPO - Hiệu trưởng cùng lực lượng tình nguyện của trường Cao đẳng y tế Lâm Đồng điều hành hệ thống xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 dã chiến với năng lực từ 5.000 -10.000 mẫu bệnh phẩm/ngày; đồng thời thăm khám bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến điều trị COVID-19 tại TP.Dĩ An, Bình Dương.
Đa số "chiến sĩ" áo trắng tình nguyện là nữ

Nguồn tin từ Hội Y học giấc ngủ Việt Nam, Bệnh viện dã chiến TP.Dĩ An (Bình Dương) được thành lập trên cơ sở Trung tâm Y tế TP. Dĩ An để đáp ứng yêu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 ở thành phố nói riêng và tỉnh Bình Dương nói chung.

Nơi xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2

Hiện nguồn nhân lực, đặc biệt là bác sĩ chuyên khoa hô hấp nơi đây rất thiếu. Bệnh viện đang tiếp nhận và điều trị cho khoảng 200 người dương tính với SARS-CoV-2, trong số đó có gần 1/3 là các bệnh nhân nặng, trong khi nơi đây chỉ có vài ba bác sĩ khoa cấp cứu, y học cổ truyền và đa khoa.

Là Chủ tịch Hội Y học Giấc ngủ Việt Nam (Tổng Hội Y học Việt Nam) và là Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y tế (CĐYT) Lâm Đồng, GS.TS – Bác sĩ Dương Quý Sỹ đã đề nghị Tổng hội Y học Việt Nam kêu gọi bác sĩ chuyên khoa hô hấp hỗ trợ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại Bệnh viện dã chiến này.

Hội đã phối hợp với trường CĐYT Lâm Đồng thành lập đội hình tình nguyện gồm 32 thành viên (8 giảng viên và 24 sinh viên) do bác sĩ Dương Quý Sỹ làm Trưởng đoàn, xung phong vào tâm dịch TP. Dĩ An để hỗ trợ, phối hợp điều trị, xét nghiệm và chăm sóc bệnh nhân COVID-19.

Thầy trò trường CĐYT Lâm Đồng tình nguyện vào tâm dịch

Hiện bác sĩ Dương Quý Sỹ nhận nhiệm vụ điều hành hệ thống xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2 dã chiến với năng lực từ 5.000 -10.000 mẫu bệnh phẩm/ngày. Gần 10 giảng viên tình nguyện của trường CĐYT Lâm Đồng tham gia làm xét nghiệm. Mặt khác, bác sỹ Sỹ còn thăm khám cho bệnh nhân tại Bệnh viện dã chiến.

Bác sĩ Sỹ (bìa phải) mặc đồ bảo hộ 2 lớp, chuẩn bị khám cho bệnh nhân mắc COVID-19

52 sinh viên tình nguyện của trường CĐYT Lâm Đồng (24 sinh viên đợt này và 28 sinh viên lên đường ngày 22/7) đã được bố trí về các đơn vị y tế của tỉnh Bình Dương, đảm trách nhiều phần việc khác nhau. Đa số sinh viên tình nguyện là nữ nhưng chấp nhận làm những việc khó khăn, vất vả.

Làm xét nghiệm RT-PCR SARS-CoV-2

Hơn 60 giảng viên và sinh viên của trường CĐYT Lâm Đồng ăn ở tạm bợ, chạy đua với thời gian để phòng chống dịch bệnh; điều trị, chăm sóc cho những bệnh nhân mắc COVID-19 mau lành bệnh và giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất.

Sinh viên tình nguyện trường CĐYT tại Bình Dương

Chị Trần Thị Chúc Quỳnh, Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng cho biết những ngày cuối tháng 7 này, toàn tỉnh đã có 2 đợt với gần 90 “chiến sĩ ” áo trắng của trường CĐYT Lâm Đồng và Đại học Yersin Đà Lạt tình nguyện đi chi viện cho Bình Dương chống dịch.

Nữ sinh viên Lâm Đồng mặc đồ bảo hộ làm nhiệm vụ tại Bình Dương

“Điều này thể hiện khí thế tình nguyện và tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng của giới trẻ rất cao, đáng trân trọng. Tất cả các bạn trẻ đã đăng ký tình nguyện là sẵn sàng lên đường, không ai nao núng, thoái lui dù biết công việc mà mình sắp đảm nhận rất khó khăn, vất vả và nguy hiểm”, chị Quỳnh chia sẻ.