Thành phố “vành đai đỏ”

TP - Arcueil là thành phố vệ tinh ngoại ô Paris (Pháp), nằm ở ngay phía Nam cách cửa ô Orléans 2 cây số. Thành phố nhỏ được coi như Paris (thuộc về zone 2 nghĩa là ngay cạnh trung tâm, trong khi Paris có 8 zone).

Arcueil khoảng hơn 10 năm trước cho đến nay thuộc “vành đai đỏ (cộng sản)”. Chúng tôi đã có thời gian sống ở đây, tận thấy chính quyền chăm lo cho đời sống của dân nghèo ngoại ô Paris như thế nào.

Phố Lê Nin. Ảnh: Lê Anh Hoài

“Vành đai đỏ” để chỉ nơi đảng Cộng sản thắng phiếu trong các cuộc bầu cử địa phương. Trước kia Arcueil cũng như các thành phố vệ tinh khác là khu nghèo. Để giảm bớt mật độ dân số ở trung tâm Paris, việc đô thị hóa các ngoại ô vệ tinh được đặt ra. Khu ngoại ô đã trở thành khu nhà xã hội dành cho người thu nhập thấp.

Đảng Cộng sản ở đây thực sự vì dân, nên luôn giành được số ghế cao trong hội đồng nhân dân. Arcueil cùng các thành phố vệ tinh như Gentilly, Montrouge, Villejuif, Cachan,… trở thành “vành đai đỏ”, nơi nhiều năm thị trưởng là thành viên Đảng Cộng sản hoặc thuộc cánh tả.?

Arcueil có tới 45% là nhà xã hội, tức là gần ½ dân số có thu nhập thấp - được gọi là «thành phố nhà thuê giá rẻ». Chính sách đối với người thu nhập thấp rất tốt. Hầu như mỗi một thành phố vệ tinh Paris đều có trụ sở của đảng Cộng sản hoạt động thường xuyên.

Do đảng Cộng sản thắng phiếu, nên khu này nhiều phố mang tên các nhân vật lịch sử như Lê Nin, Các Mác, Salvador Allende, Youri Gagarine… Lại có những đường phố và quảng trường mang tên Kremlin, Stalingrad…

Ngài thị trưởng bình dân

Hiện nay ngài thị trưởng của thành phố Arcueil là Daniel Breuiller, thuộc cánh tả, đảng Môi trường, trúng chức thị trưởng nhiều khóa, từ 1997 đến nay. Ông cởi mở: “Tôi sinh ra trong gia đình bố mẹ là đảng viên cộng sản nhưng tôi theo đảng Môi trường.

Ông thị trưởng cũ là đảng viên Cộng sản và tôi vẫn tiếp tục thực hiện đa phần các chính sách của ông, nhưng có mở rộng thêm các vấn đề về môi trường mà thôi. Như mở thêm không gian xanh, xây dựng nhà cửa phải dùng vật liệu, thiết kế tiết kiệm năng lượng nhiều nhất, đỡ hại môi trường”.

Cuộc gặp gỡ để rồi phỏng vấn ông thị trưởng thật tình cờ. Chúng tôi gặp ông D. Breuiller đứng xếp hàng mua thuốc ở một hiệu thuốc nhỏ do người Việt làm chủ, như người dân. Không có chế độ ưu tiên cho thị trưởng.?Chúng tôi đứng trước ông, thấy mọi người chào, quay lại, chúng tôi nhận ra ông thị trưởng, nhưng ông khác nhiều so với hình trên áp phích. Chúng tôi tự giới thiệu và xin gặp ông phỏng vấn. Ông đồng ý, giở điện thoại xem ngày hẹn và cười bảo “chưa ai xin hẹn lại ở tiệm thuốc thế này”.

Ông quan tâm đến từng cửa hàng ở thành phố. Biết cửa hàng thuốc Việt Nam này ít khách, có nguy cơ đóng cửa, ông đến mua để kéo thêm khách cho cửa hàng. Theo D. Breuiller, cửa hàng sống được là thành phố tập nập đông vui thêm, và nhiều người muốn đến định cư ở đây. Thành phố sẽ sống động.

Ông thị trưởng bình dị này mỗi tuần ba buổi sáng cũng như dân thường kéo thùng rác để ra ngoài cửa nhà cho xe đến lấy. Chúng tôi cũng như mọi người dân đi qua nhà ông đều thấy cảnh đó.

Biển chỉ đường ở TP Arcueil mang tên các địa danh nổi tiếng (từ trái sang): Kremlin, Stalingrad và trường phổ thông mang tên Các Mác

Thành phố Arcueil kết nghĩa với quận 1 TPHCM - sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, với các chương trình giúp đỡ trẻ em nghèo và trao đổi văn hóa. Thành phố Arcueil thông qua một hiệp hội, giúp bán các đồ thủ công mỹ nghệ sản xuất tại Việt Nam rồi gửi tiền về giúp trẻ em lang thang đường phố. Thành phố còn cho mượn địa điểm trường học để tổ chức dạy tiếng Việt, học võ Việt, kèm học sinh Việt vào thứ 7 hàng tuần, đồng thời tổ chức Tết và Trung thu cho trẻ em Việt Nam.

Mặc dù tòa thị chính Arcueil giúp đỡ quận 1 TPHCM, nhưng khi du lịch Việt Nam, ông D. Breuiller theo đoàn ghé thăm, rồi ra Hà Nội chơi như mọi người. Không lợi dụng chức quyền, không tiền hô hậu ủng.

Ông không muốn đi chơi với tư cách là thị trưởng. Hỏi ông ấn tượng về Việt Nam thế nào, D. Breuiller cười lớn: “Tôi đã dám một lần liều đi qua đường ở Hà Nội, mọi người bày cho tôi cách đi: cứ như con cá bơi, không được bơi ngược. Tôi đi gần như không nhìn thấy gì. Thế mà lại qua được!”.

Rất tự hào, nhưng ông Breuiller không dám qua đường lần thứ hai. Ông cũng đến Hà Giang và ra gần biên giới. Ông nói Việt Nam có nhiều món ăn ngon, và ông rất thích người Mông ở Việt Nam.

Công trình dẫn nước cổ ở Arcueil - một di tích lịch sử - văn hóa của Paris

Thần tượng của ông thị trưởng Arcueil là Nelson Mandela, người chiến sỹ đấu tranh chống phân biệt chủng tộc. Trong phòng làm việc của ông là bức ảnh phóng to hình Nelson Mandela với ông thị trưởng cũ Marcel Trigon, nhân dịp Nelson Mandela đến thăm thành phố này năm 1996. Ông nói đầy tự hào: thành phố Arcueil và trường trung học Dulcie September của thành phố đã vinh dự được đón Nelson Mandela.

Trường học của thành phố này mang tên một người phụ nữ Nam Phi tích cực chống nạn phân biệt chủng tộc. Bà đã bị ám sát ngay tại Paris năm 1988.

Chúng tôi hỏi: Một ngày bình thường của ông bắt đầu như thế nào. Hơi trầm ngâm, ông thị trưởng cho biết: ngủ dậy là phải nghĩ ngay đến việc kiếm tiền cho thành phố, kéo các doanh nghiệp đến làm ăn ở đây. Hàng ngày, tôi phải giải quyết 90% các vấn đề là về nhà ở và vấn đề an toàn.

Ông thị trưởng (bên phải) và tác giả

Ông Breuiller cũng cho biết: Ông làm việc 70 giờ một tuần. Trong đó có 20 giờ ông tiếp xúc trực tiếp với dân và có 4h/tuần, ông phải bố trí tiếp những người có yêu cầu đặc biệt.

Ông kể: “Ai cũng có thể gọi điện trực tiếp cho tôi, nhưng tôi chỉ có thể gặp những người dân đang rất bức xúc mà cấp dưới không giải quyết được. Và tôi chỉ gặp một lần thôi”.

Ông cũng tâm sự: Tôi rất quan tâm đến Việt Nam, năm 1969 tôi đã bị bắt vì thả truyền đơn ủng hộ Việt Nam chống Mỹ. Tôi theo đảng Môi trường vì thương những đứa trẻ bị ảnh hưởng chất độc da cam. Nước các bạn quá khổ vì những cuộc chiến tranh… hậu quả quá nhiều.

Cũng nhờ cuộc nói chuyện với ông và những điều mắt thấy tai nghe, chúng tôi được biết những điều như “trong mơ” đối với người dân ở thành phố này.

Thành phố vì người nghèo

Để thu hút lớp trí thức tương lai, trẻ hóa thành phố, đồng thời cũng khuyến khích học sinh thành phố học giỏi vươn ra học các trường lớn, khu vực này đã trợ cấp 50% vé tàu xe cả năm cho sinh viên đến ngụ cư và học sinh cấp 2 đi học ở xa thành phố (vì thường học sinh giỏi hay được đặc cách vào một số trường nổi tiếng trong Paris hay lân cận).

Các thành phố vệ tinh đã liên minh tổ chức vài tuyến buýt miễn phí đi vòng qua các khu vực đón khách với giờ giấc chính xác. Chúng tôi đã thử đi xe buýt này. Rất sạch sẽ, lịch sự và không đông đúc.

Những tuyến buýt miễn phí còn nhằm mục đích giảm bớt ô nhiễm cho Paris và cho thành phố. Với phương tiện miễn phí người ta sẽ không sử dụng phương tiện ô tô cá nhân (ngày nay dân ngoại ô tuy được coi là nghèo nhưng nhiều người có).

Do chính sách đãi ngộ tốt, phương tiện giao thông ổn định, nhiều người trẻ - đặc biệt là những cặp vợ chồng trẻ mới có việc làm đã chuyển từ trung tâm ra ngoại ô ở. Mà Arcueil không hề xa trung tâm Paris, đi xe buýt hay tàu điện ngầm được coi là chung vùng với Paris, giá vé không đổi.

Từ ga metro Arcueil đến các điểm du lịch nổi tiếng như vườn Luxembourg - được đánh giá: không nơi nào là biểu tượng cho Paris hơn; điện Pantheon - nơi thờ các danh nhân nước Pháp; đại học Sorbonne… đều chỉ mất khoảng 15 phút. Vì vậy từ thành phố nghèo, Arcueil đã trở thành nơi có đời sống trung bình của nước Pháp.

Thành phố Arcueil rộng 233 hecta, trong đó 20 hecta là không gian xanh.? Do thành phố gần khu chợ châu Á, quận 13, chỉ 15 phút ô tô, nên nhiều người châu Á định cư ở đây. Dân số hiện nay 20.100 người.
Thành phố này nổi tiếng với đường dẫn nước cổ rất hoành tráng, uy nghi đầy ấn tượng xây từ thế kỷ 17, bằng đá tổ ong dài hơn 1 cây số, cao 38 mét và có 77 vòng cung. Từ năm 1908, đường dẫn nước này là công trình lịch sử đã được xếp hạng. Từ ngày 7/3/2009, tòa thị chính cho thắp đèn sáng ở trên công trình này, tạo nên cảnh đẹp lung linh đầy thơ mộng.

Ngoài ra các thành phố lân cận còn tổ chức xây chung bể bơi (trong khi vẫn có bể bơi và trung tâm thể thao riêng). Các trung tâm thể thao, âm nhạc đều áp dụng giá đặc biệt cho trẻ em, sinh viên, người có thu nhập thấp và người cao tuổi. Giá vé vào bể bơi chỉ 18 euros cho 3 tháng - 180.000 đồng VN/ tháng - (đi bất kỳ giờ nào - trừ giờ dành cho lớp học vì học sinh vào bơi miễn phí theo giờ thể dục của nhà trường. Vì thế gần như 100% học sinh biết bơi).

Chúng tôi cũng đã đến bơi ở Trung tâm mang tên anh hùng vũ trụ Liên xô Youri Gagarine, có 4 bể bơi, có bể bơi đủ tiêu chuẩn thi Olympic! Việc học âm nhạc hội họa ở đây cũng rẻ so với các thành phố khác. Học phí ngoại khóa được coi là cao cấp này đóng theo thu nhập gia đình, nên con em nghèo - sẽ được đóng mức thấp - vẫn có thể theo học và phát triển năng khiếu nếu có.

Vào dịp khai giảng, tòa thị chính thành phố còn chi một khoản ngân sách để tặng các cháu cấp một toàn bộ đồ dùng học sinh cùng một cuốn từ điển. Học sinh cấp 2 còn được cho máy tính nhỏ. Cha mẹ không phải lo dắt con chen chúc đi tìm đúng vở, sách, hay vật dụng nhà trường quy định như ở Việt Nam.

Đồ dùng học tập giống nhau, không phân biệt nhà giàu, nhà nghèo trong lớp - theo đúng tinh thần bình đẳng của nước Pháp. Các cháu học kém, nhà trường phải giúp đỡ kèm cặp, đương nhiên không phải trả tiền.

TS Trần Thu Dung đứng trước trường mẫu giáo mang tên Các Mác

Trường học ở đây không thu học phí. Học cả ngày, tiền ăn buổi trưa thì đóng theo thu nhập gia đình, nhưng ăn giống nhau. Con em gia đình nghèo được miễn. Điều nhân văn ở đây, những người khác và kể cả giáo viên không hề biết số tiền đóng của từng cháu. Tất cả ra tòa thị chính, mang theo giấy thu nhập hàng năm, và ở đó họ sẽ căn cứ vào chính sách, tính số tiền ăn phải nộp.

Nhà trường không liên can việc tài chính và không được biết thông tin thu nhập từng gia đình học sinh. Do đó không có tình trạng đối xử phân biệt giàu - nghèo. Noel các cháu đều nhận được quà của tòa thị chính.

Thư viện thành phố rộng và đẹp, có nhiều loại sách, báo, tạp chí, băng, đĩa và máy vi tính. Miễn phí. Hằng tuần, thư viện thường tổ chức các buổi nói chuyện, sinh hoạt văn nghệ của các nước để khuyến khích đa văn hóa. Những người về hưu, hay mất sức lao động đều có thể tiếp tục thu nạp văn hóa ở Đại học dành cho người cao tuổi tại thành phố.

Hằng năm, tòa thị chính đều tổ chức bữa ăn thân mật với dân thành phố, những người có thu nhập thấp được tặng một thùng đồ ăn, và đồ chơi nếu có con. Người già có trại dưỡng lão, hoặc có trợ lý xã hội đến ghé thăm buổi sáng, nếu không có người nương tựa.

“Chúng tôi có bảo tàng nghệ thuật hiện đại, rạp chiếu phim, trường nhạc, có nhiều nhóm nghệ thuật, đây là một thành phố khá mạnh về nghệ thuật” - Ông thị trưởng tự hào.

***

Về Hà Nội, nhớ thành phố nhỏ nhắn Arcueil, chúng tôi thường nhớ tới tòa thị chính thành phố rất khiêm nhường, có khu vườn nhiều tượng hiện đại và bụi chuối gần cổng vào, rất… Việt Nam.

Ngay gần đó, ở phía bên kia đường, là trụ sở đảng Cộng sản thành phố, cũng khiêm nhường không kém. Nhưng họ đã làm được quá nhiều điều cho người dân, và người dân ở nơi được mệnh danh là “vành đai đỏ”, theo lẽ tự nhiên, tôn vinh họ bằng lá phiếu của mình.

Paris - Hà Nội, tháng 10/2014